Chuyên ngành: Thủy sinh vật học                 Mã ngành: 9420108

Họ tên nghiên cứu sinh: Trần Văn Cường

Người hướng dẫn khoa học: (1) TS. Nguyễn Khắc Bát; (2) PGS.TS. Nguyễn Xuân Huấn

Cơ sở đào tạo: Viện nghiên cứu Hải sản

1. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN

Ghẹ xanh là đối tượng nguồn lợi quan trọng ở vùng biển Kiên Giang. Hiện nay, nghề ghẹ xanh đang bị khai thác quá mức cho phép và được xác định ở mức nguy hiểm trung bình do thiếu các thông tin đáp ứng tiêu chuẩn chứng chỉ quản lý bền vững của Hội đồng quản lý biển (MSC). Đánh giá nguồn lợi ghẹ xanh (một số đặc điểm sinh học quần thể, trữ lượng nguồn lợi, độ phong phú, sản lượng khai thác) có vai trò quan trọng và cung cấp cơ sở khoa học cho quản lý nghề khai thác ghẹ bền vững.

Mục tiêu nghiên cứu của luận án: Xác định được đặc điểm sinh học quần thể của ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) ở vùng biển Kiên Giang. Đánh giá được trữ lượng và sản lượng khai thác ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) ở vùng biển Kiên Giang. Đánh giá được sự biến động nguồn lợi ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) trước sự thay đổi của áp lực khai thác.

Nội dung nghiên cứu của luận án gồm: (1) Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học quần thể của loài ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) ở vùng biển Kiên Giang; (2) Đánh giá trữ lượng và sản lượng khai thác ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) ở vùng biển Kiên Giang; (3) Sử dụng các mô hình động lực học quần thể để phân tích biến động nguồn lợi ghẹ xanh Portunus pelagicus (Linnaeus, 1758) ở vùng biển Kiên Giang trước áp lực khai thác.

Luận án được trình bày trong 137 trang, bao gồm: Phần mở đầu; Chương 1 - Tổng quan tài liệu; Chương 2 - Tài liệu và phương pháp nghiên cứu; Chương 3 - Kết quả nghiên cứu và thảo luận; Phần kết luận và kiến nghị.

2. NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN

(1) Cung cấp một số dẫn liệu mới về đặc điểm sinh học của quần thể ghẹ xanh và đánh giá được nguồn lợi ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang dựa trên dữ liệu điều tra nghề cá thương phẩm và sinh học nghề cá.

(2) Sử dụng mô hình sản lượng trên lượng bổ sung Y/R và mô hình tỷ lệ đàn sinh sản tiềm năng SPR đánh giá biến động nguồn lợi ghẹ xanh trước áp lực hoạt động khai thác và đề xuất giải pháp quản lý nghề khai thác ghẹ bền vững.

(3) Đánh giá được mức độ xâm hại nguồn lợi ghẹ xanh của các loại nghề khai thác và xác định được hiệu quả kinh tế mang lại khi áp dụng các giải pháp bảo vệ nguồn lợi tiếp cận sử dụng mô hình sinh trưởng cá thể và tăng trưởng quần thể.
 
3. KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TRONG THỰC TIỄN VÀ CÁC VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

Khả năng ứng dụng trong thực tiễn: Kết quả đánh giá biến động nguồn lợi ghẹ xanh là cơ sở khoa học quan trọng cho việc quản lý và phát triển nghề khai thác ghẹ bền vững. Sử dụng mô hình sản lượng trên lượng bỏ sung Y/R và mô hình tỷ lệ đàn sinh sản tiềm năng SPR đánh giá biến động nguồn lợi và quản lý nghề khai thác ghẹ. Điều chỉnh các quy định pháp luật trong quản lý thủy sản để bảo vệ nguồn lợi ghẹ xanh, gồm: i) Phổ biến quy định kích thước ghẹ cho phép khai thác nhỏ nhất là 100mm; ii) Tăng kích thước mắt lưới bao của nghề rập ghẹ lên 2a = 70 mm; iii) Quy định tỷ lệ lẫn tạp ghẹ con cho phép dưới 10% số lượng cá thể khai thác; iv) Cấm hoạt động khai thác của nghề lú (lồng xếp, lờ dây, bát quái, lừ, dớn…); vi) Cấm khai thác ghẹ ôm trứng và thả ngay nếu bắt gặp; vii) Thiết lập khu vực cấm khai thác tại các ngư trường tập trung ghẹ con vào tháng 5, 8, 11 và ngư trường tập trung ghẹ cái thành thục vào tháng 2-3, tháng 10. Rà soát và điều chỉnh kế hoạch quản lý nghề khai thác ghẹ xanh với mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn.

Các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu: (1) Nghiên cứu xây dựng và thiết lập mô hình thí điểm đồng quản lý nghề khai thác ghẹ xanh ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; (2) Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện cơ sở khoa học thiết lập các khu vực bảo vệ nguồn giống và khu vực cấm khai thác ghẹ xanh có thời hạn; (3) Nghiên cứu đánh giá khả năng phục hồi nguồn lợi và hiệu quả kinh tế mang lại khi áp dụng các giải pháp quản lý nguồn lợi ghẹ xanh; (4) Xác định kích thước mắt lưới phù hợp cho lưới rê ghẹ để giảm thiểu tỷ lệ ghẹ con bị bắt trong sản lượng khai thác./.