LTS: Tại cuộc bàn tròn “Thủy sản và Môi trường” do TBKTSG và Đài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ tổ chức (xem bài “Đừng bàng quan nữa!” TBKTSG số ra ngày 7-6-2007) có nhiều tham luận đưa ra các giải pháp cho vấn nạn ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi xin giới thiệu một trong những tham luận này.

Phạm Đình Đôn - Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ

Nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của ĐBSCL và những năm gần đây đã có bước phát triển rất nhanh chóng. Năm 2000 diện tích nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL là 445.300 héc ta với tổng sản lượng 365.141 tấn; năm 2002 có 570.300 héc ta với sản lượng 518.743 tấn; năm 2005 là 685.800 héc ta với sản lượng khoảng 983.384 tấn, chiếm trên 70% tổng sản lượng và 60% trong số 3,35 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất thủy sản của cả nước. Và theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, đến năm 2010 nuôi trồng thủy sản nước mặn ở khu vực này sẽ đạt 649.430 héc ta và thủy sản nước ngọt, nước lợ là 366.590 héc ta.

Các mô hình nuôi trồng thủy sản đã chuyển hóa rất nhanh cùng với quá trình phát triển của ngành. Phương thức nuôi trồng đã chuyển từ nuôi tự nhiên, quảng canh, nuôi phân tán với mật độ thấp... sang nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với mật độ cao, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản với mật độ cao, năng suất lớn, đã gây nên những tác động môi trường ngày càng nghiêm trọng, nếu không được xử lý triệt để có thể gây ra sự mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và sẽ ảnh hưởng trở lại đến chính việc nuôi trồng thủy sản. Một điều hết sức quan trọng là mô hình nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp càng cao thì lượng chất thải càng lớn và mức độ nguy hại cho môi trường sinh thái càng trở nên trầm trọng mà biểu hiện là dịch bệnh hoành hành trên thủy sản nuôi trồng ở ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, hàng năm có tới 456,6 triệu mét khối bùn thải (phù sa lắng đọng trong chất thải) và chất thải nuôi trồng thủy sản được trút ra môi trường; trong đó riêng chất thải nuôi cá tra, cá ba sa đã trên 2 triệu tấn/năm. Các chất thải trong nuôi trồng thủy sản có nguồn gốc từ thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư sử dụng như hóa chất và thuốc kháng sinh, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+, SO42-, các thành phần độc hại chứa trong bùn thải như H2S, NH3... (là sản phẩm của quá trình phân hủy yếm khí ở bùn đáy ao nuôi tạo thành) và đặc biệt là nguồn bùn lắng đọng thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi.

Hiện nay, vấn đề quản lý và xử lý nguồn bùn thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản còn rất hạn chế, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Vì thế, để đảm bảo phát triển lợi thế của ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, cần phải thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

- Nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch môi trường trên cơ sở phân vùng sinh thái nhạy cảm với các vùng tiềm năng trong phát triển các mô hình canh tác thủy sản nước mặn, nước ngọt và nước lợ... theo các cấp độ từ thấp tới cao như nuôi trồng thủy sản tự nhiên, mật độ thấp, mô hình hợp sinh thái... cho đến nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững.

- Quy hoạch thủy sản gắn liền với quy hoạch môi trường trong các hệ canh tác của các loại mô hình nuôi trồng thủy sản. Ở các mô hình nuôi trồng thủy sản tự nhiên, nuôi mật độ thấp, mô hình nuôi hợp sinh thái... có khả năng tự làm sạch cao, vừa giữ được cân bằng sinh thái vừa tạo ra sản phẩm sạch, an toàn vừa bảo vệ được môi trường sinh thái. Trong thực tiễn các mô hình nuôi tôm tự nhiên, mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, luân canh lúa-tôm... ở các vùng nhiễm mặn ven biển, mô hình lúa cá, mô hình nuôi cá vượt lũ tự nhiên, mô hình nuôi cá trong rừng tự nhiên... đã đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn cho sự phát triển thủy sản nuôi trồng theo hướng tiếp cận sinh thái tự nhiên ở khu vực ĐBSCL.

- Đối với các mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh và công nghiệp, cần tập trung giải quyết vấn đề chất lượng nước, xử lý chất thải và quản lý dịch hại tổng hợp. Trong thực tiễn sản xuất, một số công ty có tiềm lực về vốn, kỹ thuật công nghệ nuôi trồng thủy sản,... đã xác lập được các mô hình nuôi thủy sản công nghiệp có ý nghĩa kinh tế cao trong cung cấp sản phẩm cho chế biến tiêu dùng và xuất khẩu, bên cạnh đó vẫn xử lý được các chất thải phát sinh, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa là vấn đề xử lý bùn thải, chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Cần phải bố trí diện tích hợp lý để chứa bùn nạo vét ao nuôi và phải được xử lý triệt để bằng vôi bột kết hợp ủ yếm khí, tuyệt đối không được bơm bùn thải và chất thải ra sông rạch khi chưa được xử lý.

Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL là vấn đề cực kỳ quan trọng cần được giải quyết từ vấn đề quy hoạch sản xuất, phương thức canh tác gắn liền với thị trường tiêu thụ... Điều đặc biệt quan trọng là cần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Đối với các phương thức canh tác thâm canh và công nghiệp, cần bắt buộc các cơ sở, chủ trang trại, doanh nghiệp... triệt để tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.

Việc nuôi trồng thủy sản với mật độ cao, năng suất lớn, đã gây nên những tác động môi trường ngày càng nghiêm trọng, nếu không được xử lý triệt để có thể gây ra sự mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và sẽ ảnh hưởng trở lại đến chính việc nuôi trồng thủy sản.

Không thể đổ hết cho nông dân

Từ cuối năm ngoái tới nay, Cơ quan Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản đã liên tục cảnh báo về việc tôm xuất khẩu của Việt Nam bị nhiễm dư lượng kháng sinh cấm và đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật. Liên quan tới vấn đề này, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

TBKTSG: Thưa Bộ trưởng, chuyện con tôm xuất vào Nhật làm xôn xao dư luận trong gần nửa năm qua, theo ông nguyên nhân từ đâu?

- Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc: Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu tôm được 1,5 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ năm trên thế giới, trong đó xuất vào Nhật tới 550 triệu đô la. Về nguyên liệu, lượng tôm cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất phát từ hàng vạn tới hàng chục vạn hộ nông dân, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Các nhà máy không đủ khả năng kiểm soát nguồn cung cấp nguyên liệu. Trong khi đó, tôm được xuất khẩu với số lượng lớn, được kiểm soát nghiêm ngặt cả về chất lượng lẫn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mâu thuẫn này chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình hình trên.

TBKTSG: Vậy giải pháp của Bộ Thủy sản là gì?

- Dư lượng kháng sinh có thể có ở nhiều khâu nhưng chính là ở đầu vào, từ khâu nuôi trồng của nông dân cho tới khâu sơ chế ở đại lý. Chẳng hạn trong khâu sơ chế, thời gian qua, địa phương nào kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở sơ chế thì các nhà máy chế biến tôm ở địa phương đó không thấy xuất hiện dư lượng kháng sinh.

Chúng ta phải thừa nhận một điều là quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ta kém ở tất cả các ngành, chứ không riêng gì ngành thủy sản. Nhiều người cứ đổ thừa cho nông dân nhưng như vậy không hoàn toàn chính xác. Tôm nuôi dễ bị bệnh, mà bệnh thì phải chữa chứ không lẽ nông dân nhìn ao tôm của mình chết mà không cứu. Nhưng thị trường thuốc thú y thì bát nháo, rất dễ cho nông dân sử dụng thuốc cấm. Rồi thức ăn, con giống, quy hoạch thủy lợi, nguồn nước, nói chung rất nhiều thứ để tôm có thể bị bệnh và nông dân có thể dùng thuốc cấm, nên chỉ một mình ngành thủy sản giải quyết vấn đề dư lượng kháng sinh thì không đủ. Vấn đề này đòi hỏi ý thức của cả cộng đồng, từ người bán con giống, nhà sản xuất thuốc, cung cấp thức ăn, nông dân, đến nhà máy chế biến...

Theo TBKTSG, Việt Linh