Việt Nam có vùng biển rộng lớn, bờ biển dài trên 3.200km và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển và vùng bờ, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn trong quản lý và bảo vệ môi trường biển. Hàng loạt các vấn đề môi trường ven biển nói chung và môi trường nước nói riêng đang là những thách thức đối với sự phát triển của đất nước. Trong đó, các hoạt động hàng hải, đóng tàu đã góp phần gây nên ô nhiễm.

Tập đoàn Vinashin hiện có hơn 40 đơn vị thành viên. Vinashin sẽ thông qua các hình thức liên doanh và hợp tác với nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cho các nhà máy đóng tàu để đóng các tàu có tính năng kỹ thuật cao phục vụ ngành dầu khí và quốc phòng, sản xuất thép đóng tàu chế tạo và lắp ráp các loại máy thủy, thiết bị phụ tùng phục vụ công nghiệp tàu thủy nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong đóng tàu.

Những năm gần đây, Vinashin đã thành công trong việc đóng hàng loạt các tàu trọng tải lớn, Dự báo đến 2010, Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến trong khu vực.

Phần lớn các nhà máy đóng tàu lớn đều nằm dọc ven biển miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, một loạt các dự án đang triển khai để phục vụ công nghiệp đóng tàu đặc biệt là Cụm công nghiệp tàu thủy Cái Lân, gồm: Nhà máy nhiệt điện công suất 39 MV giai đoạn1, nhà máy cán nóng thép tấm công suất 250.000T/năm, nhà máy cán thép cường độ cao 250.000T/năm, công trình xếp dỡ và bảo quản nguyên vật liệu (hệ thống cầu tàu, kho chứa dầu FO, bãi chứa vật liệu). Tất cả hoạt động hàng hải và các nhà máy đóng tàu đã góp phần tạo thêm ô nhiễm môi trường vùng biển và ven bờ.

Ô nhiễm của hoạt động hàng hải và công nghiệp đóng tàu gây ra chủ yếu là ô nhiễm nguồn nước do dầu và ô nhiễm trầm tích do lắng đọng các kim loại nặng. Bờ biển Việt Nam được phân ra 3 vùng nhạy cảm và đây cũng là điểm nóng của ô nhiễm biển ven bờ đó là: Vùng biển Hạ Long-Hải Phòng, vùng Đà Nẵng-Dung Quất và vùng Gành Rái-Vũng Tàu.

Tỷ lệ ô nhiễm biển ven bờ do dầu từ hoạt động hàng hải chiếm khoảng 48% do các tàu không có két chứa dầu bẩn 35% do các sự cố đâm va 13% do sự cố tràn dầu. Theo số liệu ước tính của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì hoạt động hàng hải đã gây ô nhiễm tại vùng biển nước ta từ các nguyên nhân: do Súc rửa hầm hàng 46%, từ nước la-canh, ba-lát 22%, từ sự cố nhận dầu 3%, từ tràn dầu 24% và các nguyên nhân khác là 3%.

Theo thống kê số liệu quan trắc tại khu vực các sông thuộc khu vực Hạ Long-Hải Phòng, nồng độ dầu trong nước trung bình 0,26mg/l, tại khu vực Vũng Tàu - Đà Nẵng nồng độ dầu trong nước trung bình 0,29mg/l. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu nồng độ dầu trong nước dao động trong khoảng 0,14 đến 0,52mg/l đều vượt giới hạn Tiêu chuẩn Việt Nam. Nhìn chung, chất lượng nước biển ven bờ chỉ đạt được mức B và C theo TCVN 5943-1995. Như vậy, ô nhiễm dầu trong nước sẽ hủy diệt các loài cá, tôm thủy sinh và sinh vật đáy, và nghiêm trọng hơn là khi hàm lượng dầu trong nước cao hơn 0,2mg/l sẽ không dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt được.

Trong 5 năm 2001-2005, đội tàu biển Việt Nam đã tăng thêm 366 tàu với trọng tải 1.269.001T, tăng 50,97% về số lượng và 68,72% về trọng tải. Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, dự báo đến năm 2010 tổng trọng tải đội tàu biển Việt Nam là 3.040.374 DWT, đến năm 2020 là 4.711.180 DWT. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đội tàu trong nước và xuất khẩu, nhiều nhà máy đóng tàu lớn đã được nâng cấp mở rộng và trang bị công nghệ hiện đại và - điều này cũng làm gia tăng ô nhiễm môi trường biển và ven bờ.

Quy trình công nghệ và chất thải trong đóng tàu biển

TT

Nguyên vật liệu đầu vào

Các giai đoạn công nghệ

Chất thải gây ô nhiễm

1

Sắt, thép, gỗ vật liệu phụ, que hàn, hơi hàn dầu mỡ, điện năng

Gia công khung sườn, kết cấu phân tổng đoạn. Bảo dưỡng thiết bị máy móc

Khí thải độc, hơi hàn, vụn kim loại, thiếc hàn  khi hàn cắt. Gỗ vụn, dầu thải

2

Thiết bị phụ tùng máy móc

Lắp ráp máy tời  neo lái, hệ đường ống, hệ bơm

Vật liệu phụ, dầu thải, khí độc hại  hàn cắt

3

Cát (hạt kim loại, hóa chất) sơn, dung môi, điện năng

Phun cát làm sạch kết cấu vỏ tàu. Sơn toàn tàu

Hơi sơn, bụi sơn , bụi cát, rỉ kim loại, chất hóa học của sơn dầu thải

4

Gỗ, dầu mỡ

Hạ thủy

Gỗ vụn, dầu mỡ thải

5

Dầu mỡ, xăng, vật liệu phụ

Lắp ráp máy động lực, căn chỉnh

Dầu mỡ thải

6

Các vật liệu phụ

Hoàn thiện

Chất thải rắn, dầu thải

7

Xăng dầu

Thử tại chỗ, tại bến

Khí thải, dầu thải

8

Xăng dầu

Thử đường dài

Khí thải, dầu thải

9

Vật liệu phụ

Hoàn thiện. Nghiệm thu bàn giao

Chất thải rắn, dầu thải

Từ quy trình đóng mới tàu biển cho thấy ô nhiễm chủ yếu là kim loại nặng dưới dạng bột ô xít như ôxít chì Pb3O4, Pb2O3, PbCrO3, bột ôxít đồng, bột ô xít kẽm, Fe2O3, TiO2, ZnCrO3; các loại sơn xenlulo( -C3H7O2(OH-)2, sơn epoxy (-CHOCH-), sơn formandehyd fenol (-C6H5O-), sơn alkyd dầu (-CHO-) gây ô nhiễm môi trường. Trong quy trình công nghệ đóng tàu, nhiên liệu xăng dầu sử dụng khá nhiều, gây ra lượng dầu thải tương đối lớn trong các công đoạn thi công. Tất cả các kim loại nặng: Zn, Cu, Hg, Cr đều có trong nước và trầm tích, đó là những kim loại có độc tính cao, rất bền vững và có tính tích động trong cơ thể sinh vật biển, tăng dần theo chuỗi thức ăn và tác động xấu đến sinh trưởng của chúng cũng như sức khỏe con người. Những chất thải nói trên gây ô nhiễm chủ yếu cho vùng nước mặt biển ven bờ, ô nhiễm dầu và ô nhiễm trầm tích (kim loại nặng) tại các khu vực có nhà máy đóng tàu và bến tàu. Những chất thải này làm thay đổi tính chất hóa lý của nước, ảnh hưởng trực tiếp tới động thực vật và thủy sinh biển và ven bờ cũng như gây trở ngại cho sự phát triển một số ngành công nghiệp biển, đặc biệt là công nghiệp làm muối, nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch ven bờ biển

Bảo vệ môi trường biển đến nay đã trở thành vấn đề sống còn và bức thiết, nhất là đối với những quốc gia có bờ biển dài. Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm nước biển do dầu là một vấn đề lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Việc ngăn ngừa giảm thiểu tác động này đang là vấn đề cần phải đặt ra nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân vùng duyên hải, đồng thời làm cho các nhà đầu tư có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, từ đó có những đà tư thích đáng cho các dự án trong ngành đóng tàu thủy. Áp dụng các trang thiết bị và công nghệ tiên tiến trong đóng tàu và lắp đặt các thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm trên các con tàu nhằm khắc phục giảm thiểu ô nhiễm do các hoạt động hàng hải và đóng tàu thủy gây ra là thiết thực góp phần bảo vệ môi trường biển và ven bờ.

Theo www.vinamarine.gov.vn/MT/Detail.aspx?id=5aff5883-c9a8-4d4e-a516-29506d19b33f&CatID=87&NextTime=08/05/2007%2010:11&PubID=55