Không chỉ có những mảnh lớn, cả các mẩu chất dẻo tí hon của bình sữa, vỏ chai nước, bật lửa, đồ chơi rẻ tiền... bồng bềnh trên đại dương, lắng xuống đáy biển và dạt vào bờ cũng đang gây những hậu quả khôn lường cho các hệ sinh thái biển.

Tử vong vì chất dẻo: nhiều, nhiều, nhiều...

Các mẩu chất dẻo lớn, như chai lọ và bao gói, có tác động rõ rệt tới sinh vật biển, làm cá và chim chết nghẹn do chúng tưởng là "thức ăn". Đồng thời, loại rác này cũng  là phương tiện đưa các sinh vật lạ tới những vùng nước mới.

Theo Hiệp hội Bảo tồn Biển của Anh, hơn một triệu chim biển và 100.000 động vật có vú cũng như rùa biển trên toàn thế giới chết mỗi năm do bị vướng hoặc ăn phải những mảnh chất dẻo. Đối với rùa biển, các bao chất dẻo nặng nước trông giống như những con sứa. Chim biển nhầm lẫn các hạt nhựa thô bị tràn ra từ tàu chở container là trứng cá. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy các mảnh chất dẻo trong dạ dày của cá heo và cá voi. Chất dẻo có thể làm động vật tử vong ngay khi mắc trong ống tiêu hoá.

Trong khi đó, có rất ít nghiên cứu được tiến hành về những mẩu chất dẻo nhỏ tí hon. Từ thực tế đó, các chuyên gia thuộc ĐH Plymouth (Anh) đã khảo sát ''những mẩu nhỏ nhất'' mà họ có thể tìm thấy: hạt chất dẻo có kích cỡ chừng 20micron, bằng chiều rộng của một sợi tóc người. Họ đã lấy mẫu cát từ 20 địa điểm trên khắp nước Anh, các đoạn bờ biển lộ ra định kỳ khi thuỷ triều xuống thấp cũng như trầm tích bị ngập bên dưới khoảng 15m nước.

 
Trên: Một chiếc túi ni-lông. Dưới: Một đuôi tên lửa. Tất cả đều có mặt trên bãi biển, nhưng loại rác trên thì nhiều hằng hà sa số...

Các nhà nghiên cứu phát hiện những mẩu nylon, polyester tí hon và bảy loại chất dẻo khác tồn tại phổ biến trong trầm tích khắp bờ biển nước Anh. Trầm tích được thu thập từ bãi biển, cửa sông và những vùng nước nông. Richard Thompson, giảng viên cao cấp về sinh thái biển đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Mọi thứ trông không giống mảnh vụn hữu cơ sau đó được nhận dạng. Kết quả cho thấy 30% được xác định là các loại polymer tổng hợp được sử dụng trong chất dẻo''. Nhóm nghiên cứu tin rằng những mảnh vụn trên có lẽ chỉ là một phần nhỏ của các hạt chất dẻo tí hon tồn tại trong môi trường. Số lượng có thể lớn hơn song đáng tiếc là họ đang thiếu công nghệ để phân biệt chính xác những hạt chất dẻo có đường kính nhỏ hơn 20micron.

Không chỉ có các vùng bờ biển ''dồi dào'' chất dẻo, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các hạt chất dẻo phổ biến ở những vùng biển sâu. Để dự đoán xu hướng dài hạn, các nhà khoa học đã kiểm tra mẫu sinh vật phù du được thu thập trong hơn 40 năm qua ở hai tuyến đường biển giữa Iceland và Scotland. Kết quả cho thấy lượng chất dẻo trong nước vào những năm 1990 đã nhiều gấp ba lần so với những năm 1960.

Đáng báo động là tuổi thọ của chất dẻo ước tính kéo dài từ 100 tới 1.000 năm. Mặc dù phần lớn các chất dẻo không thể tự suy biến sinh học song  tác động của sóng và các yếu tố khác đã phân huỷ đồ vật bằng chất dẻo thành những mẩu nhỏ, đủ để vô số sinh vật biển khác xơi phải. Để kiểm tra liệu khả năng này có thể xảy ra hay không, Thompson và đồng nghiệp đã nhốt hàu, giun cát và giáp xác hai chân ăn mảnh vụn trong những bể nuôi có chứa một lượng nhỏ các mẩu chất dẻo tí hon. Những động vật không có xương sống này đều ăn các mảnh vụn đó trong vài ngày.

Biến bãi biển thành bãi rác: Đừng!

 
Ai mang những chai nhựa thế này đến làm rác trên bãi biển?

Dự kiến trong ba năm tới, nhóm nghiên cứu sẽ điều tra hai khả năng tác động tới môi trường của chất dẻo. Khả năng thứ nhất: Liệu những mảnh nhỏ này có thể làm tắc cơ quan ăn uống và tuyến tiêu hoá của những động vật biển không xương sống (giống tác động của bao nhựa đối với những động vật lớn hơn, như rùa)? Khả năng thứ hai: Chất dẻo truyền như thế nào các hoá chất của chúng cho những sinh vật trên? Nhiều chất dẻo chứa các hoá chất độc hại, bao gồm bioxit để ngăn chặn các sinh vật bám vào bề mặt, phẩm màu và các tác nhân tăng cường hoạt tính như chất làm dẻo. Những chất này có thể được giải phóng nếu sinh vật biển ăn mẩu chất dẻo.

"Vì biển xanh, hãy bỏ rác vào thùng!" là thông điệp của nhóm sinh viên tình nguyện "Vì biển xanh ở TP. Đà Nẵng". Từ số thành viên ban đầu chỉ có khoảng mười người, nay nhóm đã tập hợp được 170 người, gồm cả một số học sinh tiểu học có mặt bên cạnh các anh chị sinh viên.

 

Ngày 30/4 vừa qua, nhóm đã vận động một số nhóm thanh niên tình nguyện khác tham gia hội trại “Vì biển xanh quê hương” trên bãi biển Phạm Văn Đồng.

Những ngày thường, các thành viên của nhóm khi đi biển đều mang theo thật nhiều bao ni-lông để nhặt rác trên bãi biển này.

Bạn Phạm Thị Thanh Nhung, sinh viên ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, sáng lập viên của nhóm, cho biết sẽ kiến nghị thành lập Hội Sinh viên Môi trường trên cả nước, tiến tới lập một số công ty chuyên làm sạch bờ biển quốc gia và khu vực.

GS Thompson nói thêm: ''Có một khả năng nữa, do các nhà nghiên cứu Nhật Bản chỉ ra gần đây, là khi bồng bềnh trên biển, chất dẻo sẽ tích tụ và hấp thụ những hoá chất độc hại từ các nguồn khác. Đó là các hoá chất sợ nước. Sau đó, hoá chất sợ nước được truyền sang sinh vật biển ăn phải chất dẻo. Các hoá chất độc hại như vậy bao gồm các loại PCB (polychlorinated biphenyl) và DDE (dichlorodiphenyldichloroethylene) phát sinh từ thuốc trừ sâu và các chất nhân tạo khác. Những tác nhân này được gọi là hoá chất can thiệp nội tiết, gây rối loạn các hệ thống sinh sản, phát triển và miễn dịch của động vật. Chúng liên quan tới sự thay đổi giới tính của gấu cái vùng cực, sự phát triển của trứng cá, cùng hiện tượng xảy thai tự nhiên và suy giảm số lượng nơi các đàn hải cẩu.

Các nghiên cứu khác, gần đây, cho thấy một lượng khổng lồ các mẩu chất dẻo tí hon đang tích tụ trong các đại dương. Chẳng hạn, như các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Biển Algalita ở Long Beach (Mỹ) đã phát hiện: Số lượng các mẩu chất dẻo ở nhiều vùng trung tâm Thái Bình dương cao gấp sáu lần so với lượng sinh vật phù du thường trú. Thompson cho biết ông đã phân loại các mẩu chất dẻo tại nhiều vùng biển trên thế giới, trong đó có cả mảnh đuôi của tên lửa không gian bị dạt lên một bãi biển ở đảo St Lucia ở Ấn Độ dương. Chất dẻo được sử dụng để làm nhiều đồ vật từ điện thoại cho tới radio, song đó không phải là những sản phẩm thường thấy trên bãi biển. Những loại rác thải được tìm thấy và với số lượng ngày càng tăng là chai nhựa, bao gói, mũ - những đồ vật dùng một lần và sau đó bị ném đi.

 
Hải cẩu chết vì vướng vòng nhựa.
Hiệp hội Bảo tồn Biển của Anh cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát lớn nhất về rác trên bãi biển từ tháng 9/2003 và mới công bố vào tháng trước, với sự tham gia của 2.600 tình nguyện viên hoạt động trên 135km bờ biển. Họ phát hiện du khách tắm biển là những người gây ô nhiễm nặng nhất, thải ra 36,7% lượng rác được tìm thấy. Các đồ vật bằng chất dẻo chiếm hơn 50% tổng lượng rác được thu thập, bao gồm 5.831 bao nhựa hay 43 bao/1km bờ biển được khảo sát.

Mỗi một mẩu rác có một chủ sở hữu. Vì vậy, mỗi một người có thể tạo nên "sự khác biệt" bằng cách mang theo rác của mình khi rời bãi biển. Bạn có sẵn sàng làm như vậy khi đí biển, như Nhóm sinh viên tình nguyện "Vì biển xanh" ở TP. Đà Nẵng đang vận động mọi người làm sạch và giữ sạch biển quê hương?

  • Minh Sơn (Theo National Geographic)