Cá song là một trong những loài cá đáy có giá trị kinh tế cao, sống ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiện nay, nhiều loài trong giống cá này đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng ở khu vực Đông Nam Á như cá song chấm đỏ (E.akaara), cá song mỡ (E.tauvina), cá song ma – la –la (E.malabảicas), … Đại bộ phận cá song thuộc loại sinh sản biến tính, khi nhỏ chúng là cá thể cái, lớn lên một số biến tính thành cá thể đực. Cá song phân bố rộng rãi ở vùng nước ven bờ, cửa sông, quanh các đảo, các rạn đá san hô cho tới vùng biển sâu 70 – 80 m. Cá đánh bắt được chủ yếu bằng các nghề câu tay, câu vàng, lồng bẫy và lưới rã. Phần lớn cá song được sử dụng dưới dạng tươi sống và đông lạnh.

1.Hệ thống phân loại

Theo tài liệu phân loại của Lindberg G.U. (1969) và của FAO (1974) cá song thuộc họ cá mú (Serranidae), phụ họ cá song (Epinephelinae). Ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã phát hiện được 63 loài thuộc giống cá song (Epinephelus). Ở biển Việt Nam, họ cá mú có 13 giống và trên 40 loài, riêng giống cá song có tới 23 loài.

Nghành….Chordata

Lớp….Pisces

Bộ….Perciformes

Họ….Serranidae

Giống….Epinephelus

Loài….Epinephelus spp

Cá song có thân thuôn dài, mình hơi dẹp. Miệng rộng, chếch, hàm dưới hơi nhô dài ra phía trước, ở hàm có nhiều răng nhỏ, sắc nhọn. Mầu sắc cá song thay đổi thường xuyên tuỳ theo điều kiện môi trường và theo từng giai đoạn phát triển của cơ thể. Ở cá song, màu sắc, chấm, vạch là những đặc điểm quan trọng dùng để phân loại chúng.

2.Phân bố và nơi sống

Cá song phân bố rộng ở vùng nước ôn đới, nhiệt đới và cận nhiệt đới kéo dài từ đông Châu Phi, hồng Hải, Ả Rập, Ấn Độ tới Indonesia, Philippin, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore và Bắc Úc. Chúng sống ở những địa hình khác nhau từ vùng nước nông có nhiều rạn đá san hô, quanh các đảo tới vùng biển sâu xa bờ. Cá song thường nằm sát đáy hoặc ẩn nấp trong các hang, rạn đá và các rạn san hô để rình mồi.

- Cá song mỡ (E.tauvina) thường sống ở nơi nhiệt độ nước từ 200C – 300C, độ mặn từ 15 – 32%o, pH từ 7,5 – 9 và độ sâu từ 10 - 60 m.

- Cá song chấm đỏ (E.akaara) sống ở vùng nước có nhiều rạn đá, hang hốc, nơi có độ sâu 20 – 50 m. Cá con (nhỏ hơn 10 cm) sống chủ yếu ở vùng nước ven bờ. Cá song đỏ có sức chịu đựnglớn đối với sự thay đổi của nhiệt độ, độ mặn và lượng oxy hoà tan. Nhiệt độ thích hợp nhất với loài cá này từ 22 – 280C, dưới 150C cá ngừng ăn và mọi hoạt động giảm tới mức tối đa (Tsseng, 1983).

Đào Mạnh Sơn, Đỗ Văn Nguyên

Trích bài:  "Đặc điểm sinh học, nuôi và sản xuất giống cá song (Epinephelus spp)ở miền Bắc Việt Nam", trong tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển Tập 1, Viện nghiên cứu hải sản năm 1998