1. MỞ ĐẦU

Biển Việt Nam nằm về phía Tây Nam Thái Bình Dương, có thềm lục địa rộng với địa hình đáy khác biệt, có nơi đáy khá bằng phẳng, độ sâu không lớn như vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ, nhưng cũng có những vùng địa hình đáy phức tạp, độ dốc đáy lớn, độ sâu đạt trên 4000m như vùng biển miền Trung và vùng biển xa bờ. Dựa trên sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, địa hình địa mạo và đặc điểm khí hậu mà biển Việt Nam được chia thành 5 vùng chính: vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung, vùng biển Đông Nam Bộ, vùng biển Tây Nam Bộ và vùng biển xa bờ (Hình 1).

Hình 1. Trạm nghiên cứu nguồn lợi hải sản tầng đáy giai đoạn 1996 - 2005

Nằm ở đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, biển Việt Nam là một trong những khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới và có tính đa dạng sinh học cao. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, ở biển Việt Nam có khoảng 2.458 loài cá nằm trong 206 họ và nhiều loài hải sản khác ngoài cá (Bùi Đình Chung & Trần Định, 2005), trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính khoảng 5 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững đạt 2,1 triệu tấn (Đào Mạnh Sơn và cs., 2009).

Dựa trên tập tính phân bố, nguồn lợi cá biển có thể chia thành các nhóm chính, gồm: 1) cá nổi nhỏ, 2) cá nổi lớn, 3) cá đáy, 4) cá rạn san hô. Mỗi nhóm có những nét đặc trưng riêng về khu vực cũng như phạm vi phân bố. Vùng biển vịnh Bắc Bộ và vùng biển Đông - Tây Nam Bộ có địa hình tương đối bằng phẳng, độ sâu không lớn, do đó sự phân bố của các nhóm cá biển tồn tại sự pha trộn nhất định, đặc biệt là giữa nhóm cá nổi nhỏ và nhóm cá đáy.
Tổng hợp tài liệu, dữ liệu thu được từ các chương trình nghiên cứu khác nhau trong giai đoạn 1996-2005, bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về hiện trạng đa dạng loài cá đáy ở các vùng biển Việt Nam, làm cơ sở cho các nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản nói chung và nhóm cá đáy nói riêng.
2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Tài liệu
Tài liệu sử dụng trong báo cáo được tổng hợp từ số liệu điều tra nguồn lợi hải sản bằng tàu đánh lưới kéo đáy (lưới kéo đáy cá và lưới kéo đáy tôm) ở biển Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1996 đến 2005, gồm:
- Điều tra nguồn lợi hải sản tầng đáy bằng tàu Hạ Long 408 (năm 1996-1997), tàu Đông Nam 05 (từ năm 2000 đến năm 2003) và tàu BV5957 BTS (năm 2004-2005).
- Điều tra nguồn lợi tôm bằng tàu đánh lưới kéo tôm ở các năm 2001, 2002 ở vịnh Bắc Bộ và 2002-2003 ở vùng biển Đông và Tây Nam Bộ.

Bảng 1. Các chuyến điều tra nguồn lợi hải sản tầng đáy đã thực hiện ở biển Việt Nam

giai đoạn 1996-2005

 

Tổng số 42 chuyến điều tra đã được thực hiện ở vùng biển Việt Nam, trong đó vùng biển Đông Nam Bộ được điều tra nhiều nhất (13 chuyến) và vùng biển miền Trung được điều tra ít nhất (chỉ với 5 chuyến), phần lớn các chuyến điều tra sử dụng lưới kéo đáy cá (bảng 1).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp thu thập số liệu
Số liệu được được thu thập bằng lưới kéo đáy ở vùng biển phía Tây vịnh Bắc Bộ. Các chuyến điều tra năm 1996, trạm thu mẫu được bố trí ngẫu nhiên, không theo lưới chiếu. Các chuyến điều tra thực hiện ở các năm từ 2001 đến 2005, trạm thu mẫu được thiết kế cố định nằm trên các mặt cắt. Khoảng cách giữa các trạm nghiên cứu và giữa các mặt cắt đối với điều tra bằng tàu đánh lưới kéo đáy cá là 30 hải lý và đối với lưới kéo tôm là 15 hải lý.
Quy trình thu mẫu và phân tích mẫu được thực hiện theo hướng dẫn của FAO (Sparre & Venema, 1995). Thời gian kéo lưới dao động trong khoảng 45-60 phút, tốc độ kéo lưới khoảng 4 hải lý đối với lưới kéo đáy cá và 3 hải lý đối với lưới kéo đáy tôm.
Sản lượng mẻ lưới được phân tích đến loài, dựa vào các TÀI LIỆU THAM KHẢO của Nguyễn Hữu Phụng (1997; 1995; 1999), Nguyễn Hữu Phụng và Trần Hoài Lan (1994). Các tài liệu phân loại của FAO, (Carpenter & Niem, 1999; 1999; 2001; Compagno, 1984) được sử dụng để đối chiếu tên đồng vật (Synonym).
2.2.2. Phương pháp phân tích số liệu
Toàn bộ các chuyến điều tra ở các năm 1996, 2001, 2003, 2004 và 2005, gồm điều tra bằng lưới kéo đáy cá và lưới kéo đáy tôm được sử dụng để phân tích, thống kê danh mục thành phần loài cá đáy bắt gặp ở vùng biển phía Tây vịnh Bắc Bộ (tổng số 13 chuyến biển).
Thông tin về chỉ số đa dạng sinh học và nguồn lợi nhóm cá đáy được mô tả dựa trên số liệu thu được từ các chuyến điều tra bằng lưới kéo đáy cá ở mùa gió Tây Nam.
- Thành phần loài:
Thành phần loài được phân tích bằng phương pháp so sánh hình thái. Để xác định các loài cá đáy, các tài liệu chính được sử dụng là FAO species identification guide fishery purpose - The living marine resources of Western Central Pacific (Carpenter & Niem, 1999; 1999; 2001; Compagno, 1984) và FISHBASE (Froese & Pauly, 2009).
- Chỉ số đa dạng sinh học:

Chỉ số đa dạng sinh học (H’) được tính theo công thức (Shannon, 1948):

 
Trong đó: H’ là chỉ số đa dạng sinh học, s là số loài bắt gặp, ni là số lượng cá thể của loài thứ i trong mẫu và N là tổng số cá thể trong mẫu.
 
Vũ Việt Hà và Đặng Văn Thi
Viện Nghiên Cứu Hải sản
(Trích trong Tuyển tập Nghiên Cứu Nghề cá biển (Tập IV))