1. Mở đầu

Biển Đông được đánh giá là biển có đa dạng sinh học cao và có nguồn lợi hải sản khá phong phú, trong đó cá nổi nhỏ là một trong những đối tượng khai thác quan trọng. Một số loài cá nổi nhỏ thuộc giống cá Nục (Decapterus), cá Bạc má (Rastrelliger)... phân bố rộng ở vùng biển khu vực Đông Nam á.

Cá Bạc má là một trong những loài luôn chiếm vị trí hàng đầu về tỷ lệ trong sản lượng cá nổi nhỏ, và là loài cá được tiêu thụ nhiều trong thị trường nội địa, không những chỉ cho cộng đồng dân cư ven biển mà còn cung cấp nguồn đạm động vật cho cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Những năm gần đây, do tàu thuyền tập trung khai thác vùng ven bờ, nên nguồn lợi hải sản nói chung và nguồn lợi cá nổi nhỏ, trong đó có cá Bạc má có chiều hướng suy giảm. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá nguồn lợi để phát triển nghề cá bền vững là rất cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Địa điểm nghiên cứu

- Thu thập số liệu trên các tàu nghiên cứu và khảo sát của Viện Nghiên cứu Hải sản tại các vùng biển Việt Nam

- Thu thập số liệu tại điểm lên cá của nghề lưới vây của 5 tỉnh: Nghệ An (đại diện cho khu vực vịnh Bắc Bộ), Quảng Nam và Khánh Hòa (đại diện cho khu vực miền Trung), Bình Thuận và Bến Tre (đại diện cho Đông Nam Bộ).

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phỏng vấn trực tiếp thuyền trưởng của các tàu lưới vây khi đi biển về để thu thập các thông tin chung về chuyến biển.

- Gửi biểu mẫu ghi kết quả đánh lưới cho đội tàu lưới vây và thu lại khi tàu về bến.

- Tại mỗi điểm lên cá, hàng tháng tiến hành đo chiều dài toàn thân hàng loạt 200 cá thể

- Đánh giá trữ lượng: tính trữ lượng cho từng nhóm chiều dài bằng mô hình phân tích chủng quần ảo (VPA) trong phần mềm FiSAT II.

- Sản lượng khai thác bền vững tối đa: tính sản lượng khai thác bền vững tối đa (MSY) theo công thức thực nghiệm Cadima.

- Các phương pháp dự báo: dự báo định hướng và phương thức điều chỉnh và phát triển nghề cá hợp lý, nhằm đạt khả năng khai thác tối đa trên một đơn vị bổ sung theo mô hình sản lượng trên lượng bổ sung tương đối của Beverton & Holt (1957).

- Dự báo trữ lượng và sản lượng khai thác dưới áp lực khai thác khác nhau theo mô hình Thompson & Bell bằng phần mềm FiSAT II

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thành phần sản lượng và năng suất đánh bắt

3.1.1. Thành phần sản lượng

Thành phần sản lượng của cá Bạc má đánh bắt được bằng nghề lưới vây của tỉnh Nghệ An, chiếm tỷ lệ tương đối cao (9,3%) trong tổng sản lượng, đứng thứ hai sau cá Nục sồ (57,0%). Tỷ lệ sản lượng của cá Bạc má từ năm 2003 - 2005 biến động không lớn và có xu hướng giảm dần, trong đó năm 2003 chiếm 9,6%, năm 2004 chiếm 9,0% và năm 2005 chiếm 9,3% trong tổng sản lượng khai thác.

Thành phần sản lượng của cá đánh bắt được bằng nghề lưới vây của tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là cá Nục thuôn (35,6%), sau đó cá Nục sồ (16,7%), cá Bạc má đứng thứ 3 chiếm 4,9% trong tổng sản lượng. Tỷ lệ sản lượng cá Bạc má của tỉnh này, biến động lớn và có xu hướng giảm dần từ năm 2003 đến năm 2005. Trong năm 2003 tỷ lệ sản lượng của cá Bạc má là 5,6% đến năm 2005 giảm còn 4,7%.

Khánh Hoà, thành phần sản lượng của cá Bạc má đánh bắt được bằng nghề lưới vây rất thấp so với các tỉnh trên, chỉ chiếm 2,1% trong tổng sản lượng và biến động lớn qua các năm khai thác. Trong năm 2003, thành phần sản lượng cá Bạc má chiếm tỷ lệ không đáng kể trong tổng sản lượng khai thác, năm 2004 thành phần sản lượng cá Bạc má chiếm 4,2%, năm 2005 chiếm 1,8%.

Thành phần sản lượng của cá Bạc má đánh bắt được bằng nghề lưới vây của tỉnh Bình Thuận, tương đối cao so với các tỉnh trên, chiếm 12,4% đứng thứ 3 sau cá Nục sồ(34,8%) và cá Nục thuôn (27,4%). Tỷ lệ sản lượng của cá Bạc má từ năm 2003 - 2005 biến động lớn và có xu hướng tăng dần. Tỷ lệ sản lượng của cá Bạc má, năm 2003 chiếm 7,8%, năm 2004 chiếm 11,9% và năm 2005 chiếm 17,6% trong tổng sản lượng khai thác của nghề lưới vây.

Thành phần sản lượng của cá Bạc má đánh bắt được bằng nghề lưới vây của tỉnh Bến Tre, chỉ chiếm 4,0% trong tổng sản lượng khai thác, nhưng vẫn đứng thứ 3 sau cá Nục sồ (32,8%) và cá Nục thuôn (12,2%). Tỷ lệ sản lượng biến động không lớn, năm 2003 chiếm 3,6%, năm 2004 chiếm 2,9% và năm 2005 chiếm 5,5%.

3.1.2. Sản lượng và năng suất đánh bắt

ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, năng suất đánh bắt của các đội tàu và sản lượng khai thác tương đối cao và biến động rất lớn qua các tháng khai thác. Cá Bạc má cho sản lượng khai thác và năng suất đánh bắt cao trong các tháng 1, 2, 3, 9, 10, 11 và 12.

ở vùng biển Trung Bộ, năng suất đánh bắt và sản lượng khai thác của cá Bạc má ở vùng biển này cũng tương tự như vùng biển vịnh Bắc Bộ, biến động rất lớn qua các tháng khai thác. Mùa vụ đánh bắt ở vùng biển này rất hạn chế thay đổi theo từng năm khai thác và phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện khí hậu, nên có những tháng không có sản lượng.

Còn ở vùng biển Đông Nam Bộ, giống các vùng biển trên, năng suất đánh bắt và sản lượng khai thác của cá Bạc má biến động rất lớn qua các tháng khai thác. Các tháng 1, 2, 3, 10, 11 và 12 đều là những tháng cho sản lượng và năng suất đánh bắt cao so với các tháng khác.

3.1.3. Tổng sản lượng cá Bạc má của nghề lưới vây

Sản lượng cá Bạc má của nghề lưới vây của các vùng biển nghiên cứu trên biến động lớn qua các năm khai thác và đều có xu hướng giảm xuống. ở vùng biển vịnh Bắc Bộ,đã ước tính được sản lượng cá Bạc má là 4.190 tấn trong năm 2003, 6.633 tấn năm 2004 và 3.703 tấn năm 2005, trung bình khoảng 4.842 tấn. ở vùng biển Trung, đã ước tính trong năm 2003 là 2.904 tấn, năm 2004 là 5.428 tấn và năm 2005 là 3.818 tấn, trung bình là 4.050 tấn. ở vùng biển Đông Nam Bộ, sản lượng cá Bạc má tương đối cao trong năm 2003 là 11.511 tấn đến năm 2005 chỉ còn 3.769 tấn, trung bình là 6.560 tấn.

3.2. Phân bố sản lượng

3.2.1. Phân bố sản lượng theo dải độ sâu

Mật độ của cá tăng dần từ độ sâu 20 m đến 50 m, năng suất đánh bắt tăng từ 0,27 kg/giờ đến 0,83 kg/giờ. Tần số xuất hiện (%) của cá Bạc má trong phạm vi này cũng cao hơn ở các độ sâu khác. ở những nơi có độ sâu lớn hơn 100 m hầu như không bắt được cá Bạc má bằng lưới kéo đáy. Các dải độ sâu mà lưới kéo đáy đánh bắt được cá Bạc má có năng suất cao nhất là từ 30 - 50 m.

3.2.2. Phân bố sản lượng theo ngày đêm

Qua sự biến động sản lượng cá Bạc má trong các mẻ lưới kéo đáy và các tín hiệu của máy thuỷ âm, cá Bạc má là loài cá nổi tiến hành di cư thẳng đứng theo ngày đêm. Ban ngày chúng thường nằm ở các tầng nước sâu, ban đêm chúng di chuyển dần lên các tầng nước trên.

3.2.3. Biến động sản lượng theo mùa gió mùa

Trong mùa gió Đông Bắc thì khu vực khai thác có sản lượng cá Bạc má cao chủ yếu tập trung ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. ở vịnh Bắc Bộ trong mùa này do thời tiết lạnh nên cá tập trung nhiều ở giữa vịnh, ở độ sâu trên 50 m và có xu hướng di chuyển từ phía Bắc vào phía Nam. Còn trong mùa gió Tây nam vào khoảng tháng 4 nhiệt độ bắt đầu tăng lên, cá phân bố rộng hơn, rải rác khắp các vùng biển và hướng di chuyển của cá ngược với hướng di chuyển trong mùa gió Đông Bắc, cá đi theo hướng từ phía Nam lên phía Bắc và vào khu vực gần bờ hơn để đẻ.

3.3. Trữ lượng và khả năng khai thác

- Vùng biển vịnh Bắc Bộ: Cá Bạc má ở vùng biển vịnh Bắc Bộ với nhóm chiều dài đánh bắt từ 185 - 295 mm được phân tích thành 22 nhóm với khoảng cách chiều dài 5 mm, trong đó các nhóm từ 220 - 270 mm chiếm ưu thế. Trữ lượng cá Bạc má ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, được xác định là 6.270 tấn, tương ứng 58 triệu con, khả năng khai thác bền vững tối đa (MSY) là 4.521 tấn.

- Vùng biển Trung Bộ: Trữ lượng được xác định là 6.536 tấn, tương ứng 132 triệu con, khả năng khai thác bền vững tối đa (MSY) là 5.378 tấn. Nhóm chiều dài từ 100 - 180 mm là nhóm cá nhỏ chưa thích hợp cho việc khai thác chiếm đáng kể trong tổng sản lượng là 1.222 tấn, chiếm tới 56,9 % tổng số con đánh bắt được.

- Vùng biển Đông Nam Bộ: Trữ lượng cá Bạc má là 6.860 tấn, tương ứng 96 triệu con. Khả năng khai thác bền vững tối đa MSY là 5.475 tấn. Nhóm chiều dài từ 195 - 235 mm chiếm ưu thế.

3.4. Các mô hình dự báo

3.4.1. Mô hình sản lượng trên lượng bổ sung Beverton & Holt

Kích thước mắt lưới đã sử dụng trên các đội tàu nghề lưới vây ở vùng biển vịnh Bắc Bộ là hợp lý. Còn vùng biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ việc sử dụng kích thước mắt lưới là chưa hợp lý. Chiều dài khai thác thích hợp nhất là 200 mm (tương ứng cá 2 tuổi) trở lên.

3.4.2. Mô hình dự báo Thompson & Bell

- Vùng biển vịnh Bắc Bộ: theo kết quả phân tích mô hình dự báo Thompson & Bell, sản lượng có thể cho phép cực đại(MSY) là 4.924 tấn khi cường lực khai thác ở mức X = 1,8 và giá trị kinh tế có thể cho phép cực đại (MSE) là 47,6 tỷ đồng khi X = 0,7 ở mức cường lực thấp hơn hiện tại 30%. Nếu gán cường lực khai thác năm hiện tại là x = 1, thì khi tăng cường lực khai thác lên ở mức X = 1,8 sản lượng cao nhất có thể đạt được là 4.924 tấn/năm. Khi tăng cường lực khai thác lên nữa, sản lượng giảm xuống và giá trị sản phẩm suy giảm nghiêm trọng. Cá Bạc má ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, khi tăng cường lực khai thác lên trên mức sản lượng ổn định tối đa, sản lượng giảm dần. Vì vậy, nếu cứ tiếp tục duy trì mức khai thác như hiện tại (X = 1), hoặc có thể nâng cao hơn, thì sản lượng không thay đổi đáng kể, nhưng hiệu quả kinh tế sẽ thấp hơn nhiều và nghiêm trọng hơn là trữ lượng của quần thể này suy giảm nhanh chóng.

- Vùng biển Trung Bộ: theo kết quả phân tích mô hình dự báo Thompson & Bell, sản lượng có thể cho phép cực đại (MSY) là 4.228 tấn ở mức khai thác hiện tại (X = 1) và giá trị kinh tế có thể cho phép cực đại (MSE) là 34,6 tỷ đồng ở mức khai thác (X = 0,6). Khi tăng cường lực khai thác lên, sản lượng, trữ lượng và giá trị sản phẩm đều giảm xuống rất nhanh. ở mức cường lực khai thác tăng hơn năm hiện tại 1,1 lần trở lên, sản lượng khai thác giảm dần và đều thấp hơn giá trị trên. Vậy, với sản lượng khai thác năm hiện tại như vậy sẽ không làm suy giảm trữ lượng cá Bạc má ở vùng biển Trung Bộ. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ mức sản lượng 4.228 tấn/năm đã tiệm cận ngưỡng của trạng thái cân bằng trữ lượng.

- Vùng biển Đông Nam Bộ: theo kết quả phân tích mô hình dự báo Thompson & Bell, sản lượng khai thác bền vững tối đa (MSY) là 6.551 tấn với mức khai thác X = 0,9 và MSE là 56,7 tỷ đồng ở mức khai thác X = 0,5. Sản lượng có thể cho phép cực đại nằm ở mức cường lực khai thác thấp hơn 10 % so với cường lực năm hiện tại (X = 1). Theo kết quả phân tích có thể kết luận, đàn cá Bạc má ở vùng biển Đông Nam Bộ, nằm trong tình trạng bị khai thác quá mức, nên giảm cường lực khai thác sẽ cho năng suất và sản lượng cao hơn. Để khai thác được sản lượng bền vững tối đa mà hiệu quả kinh tế vẫn ở mức chấp nhận được, cường lực khai thác cá Bạc má ở vùng biển Đông Nam Bộ nên giảm xuống 10% so với mức khai thác năm hiện tại.

4. Kết luận

Thành phần sản lượng của ca Bạc má trong nghề lưới vây của các vùng biển có sự biến động tương đối lớn qua 3 năm đánh bắt, trong sản lượng của nghề lưới vây của tỉnh Bình Thuận (Đông Nam Bộ) và Nghệ An (vịnh Bắc Bộ) chiếm 12,4% và 9,3%.

Sản lượng và năng suất đánh bắt của cá Bạc má của 3 vùng biển biến động rất lớn theo các tháng đánh bắt. ở vùng biển vịnh Bắc Bộ và Đông Nam Bộ, các tháng cho sản lượng cá Bạc má cao nằm trong thời kỳ mùa gió mùa Đông Bắc.

Tổng sản lượng khai thác cá Bạc má của nghề lưới vây là 4.842 tấn/năm ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, 4.050 tấn/năm ở Trung Bộ và cao nhất ở Đông Nam Bộ là 6.560 tấn/năm.

Phân bố, biến động sản lượng cá Bạc má thể hiện rõ theo mùa gió mùa, theo chu kỳ ngày-đêm và theo dải độ sâu.

Chiều dài cá đánh bắt thích hợp nhất của cá Bạc má ở 3 vùng biển nghiên cứu là nhóm cá trên 2 tuổi, dao động từ 200 - 220 mm.

Trữ lượng cá Bạc má ở vùng biển vịnh Bắc Bộ là 6.270 tấn với khả năng khai thác bền vững tối đa MSY là 4.521 tấn, ở vùng biển Trung Bộ là 6.536 tấn với MSY là 5.378 tấn, ở vùng biển Đông Nam Bộ là 6.861 tấn với MSY là 5.475 tấn.

ở vùng biển Trung Bộ, để thu được sản lượng bền vững tối đa và hiệu quả kinh tế cao hơn, không nên vượt quá cường lực hiện tại và đối với vùng biển Đông Nam Bộ cần giảm cường lực khai thác đi khoảng 10% so với cường lực hiện tại. Còn ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, có thể gia tăng cường lực khai thác, nhưng sản lượng sẽ tăng không đáng kể.

Tài liệu tham khảo

  1. King M. (1995), Fisheries Biology, Assessment and Management, Fishing New Book, pp. 1-341.
  2. SEAFDEC (2004), “Standard Operating Procedures for Data Collection and Analysis”, Information Collection for sustainable Pelagic Fisheries in the South China Sea, MFRDMD, pp. 1-47.
  3. Sperre P., S.C. Venema (1998), Introduction to tropical fish stock assessment, Part 1. Manual. FAO, , No. 306, Rev. 2, pp. 1-376.

TS.Chea Phala