Hiện nay, tại vùng ven biển và các bãi bồi cửa sông, thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu xuất hiện nhiều bãi nghêu, sò huyết giống mật độ cao với trữ lượng khá lớn, có thể khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.

Tại tỉnh Tiền Giang, nghêu giống xuất hiện trên bãi bồi Cồn Ngang, nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại(sông Tiền), thuộc huyện Gò Công Đông với diện tích khoảng 1.300 ha. Cùng với sự xuất hiện nghêu giống, còn có sò huyết giống và hến biển. Trung bình mỗi năm, tỉnh Tiền Giang khai thác gần 8 tấn nghêu và sò huyết giống để cung ứng cho nhu cầu nuôi nghêu và sò huyết thương phẩm khu vực ven biển Gò Công và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Tiền Giang còn khai thác được lượng khá lớn hến biển phục vụ chăn nuôi thuỷ sản. Ước tính nguồn lợi nghêu, sò huyết giống và hến biển khai thác tại đây mỗi năm trị giá 5,5 tỉ đồng, qua đó tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ.

Vùng ven biển xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) mấy năm nay xuất hiện bãi sò huyết giống, trên chiều dài 3 km bờ biển với chiều rộng bãi bồi từ 150 m đến 200 m và trên diện tích khoảng 50 ha. Tại bãi bồi xã Long Điền Đông, sò huyết giống xuất hiện với mật độ từ 10 con đến 30 con/m2 mặt nước. Ngoài sò huyết giống còn kèm thêm cua biển, cá kèo giống. Các địa phương trên đã có biện pháp khảo sát, quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn giống thủy sản quí hiếm để phục vụ các chương trình nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Tỉnh Tiền Giang giao bãi nghêu giống Cồn Ngang cho Hợp tác xã Thủy sản Phú Tân (huyện Gò Công Đông) quản lý, còn Hợp tác xã Biển Đông (huyện Đông Hải- tỉnh Bạc Liêu) quản lý bãi sò huyết giống của xã Long Điền Đông. Tuy nhiên, do bãi bồi rộng, lực lượng bảo vệ mỏng, nên không tránh khỏi tình trạng nhiều hộ dân lén lút đã khai thác nguồn lợi nghêu, sò huyết giống tại đây.

Minh Trí