Tại Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang có trưng bày nhiều mẫu vật cá lạ. Để có được những mẫu vật trưng bày đó, các nhà khoa học ở Viện đã phải kiêm luôn nghề... ướp cá, nhồi bông! Một nghề chưa có trường, lớp đào tạo.

Bước lên lầu một của gian phòng trưng bày các phiên bản Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang, người xem không khỏi giật mình. Một con cá nhám voi dài trên 5m dường như đang lao thẳng vào người.

Toàn bộ phiên bản cá nhồi bông trưng bày tại Bảo tàng Viện Hải dương học Nha Trang đều được tạo ra từ tay những nhà khoa học nghiên cứu về thuỷ hải sản. Phòng Quản lý chuyên môn Bảo tàng - Viện Hải dương học Nha Trang, chỉ có 3 - 4 người trong 20 nhân sự của Phòng có thể làm được công việc tạo các phiên bản bằng cách nhồi bông.

Riêng ThS. Bùi Quang Nghị, phụ trách Phòng Quản lý chuyên môn Bảo tàng Viện Hải dương học, 15 năm qua, cũng đã tạo ra được 20 mẫu cá và các sinh vật biển khác để phục vụ cho trưng bày, từ cá mặt trăng, cá cờ đến những con cá nhám voi, cá đuối dơi...

Từ lóc thịt cá khổng lồ...

Ngày 29/1/2005, người ta bắt được một con cá nhám voi dài hơn 5m và nặng khoảng 1 tấn tại vùng biển Phú Quý - Kiên Giang ở độ sâu từ 200-300m. Ngay sau đó, tàu HĐ 174 thuộc Công ty Quốc doanh đánh cá Kiên Giang đã chuyển giao con cá cho Viện Hải dương học Nha Trang.

Con cá tầm Trung Hoa dài 2m, nặng 100 kg đã được ướp và trưng bày tại Viện Hải dương học Nha Trang. (Ảnh: H.Cát)

Viện Hải dương học Nha Trang đã thuê cẩu và loại xe đông lạnh lớn để đưa con cá về trong tình trạng còn tươi nguyên vẹn.

Nhìn con cá nhám voi khổng lồ, khó ai có thể nghĩ đến việc "ướp" cá để làm mẫu vật bảo tàng, thế nhưng ThS. Bùi Quang Nghị cùng các đồng nghiệp đã xoay vần đánh vật với con cá khổng lồ suốt mấy tháng trời. Dụng cụ chỉ bằng những con dao mổ bình thường.

Công việc này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng của từng người. Việc lóc thịt lấy da đâu phải dễ, không khéo sẽ làm rách bộ da cá, và không thể tạo ra một con cá nhồi bông đẹp.

Để lóc được con cá nhám voi, anh chia đội của mình ra làm hai nhóm, một nhóm lóc và một nhóm chuyên gồm 4-5 người cầm và giữ vạt da để lóc thịt cho dễ.

"Lóc thịt con cá nhám voi dài 5m và nặng 1 tấn này chỉ mất hơn hai ngày. Tuy nhiên, nếu ngâm dung dịch formol, thịt cá sẽ đông cứng. Vì vậy khi làm chưa xong, chúng tôi phải mua đá về ướp cá để mai làm tiếp. Con cá to quá, nhiều người lóc không khéo sẽ làm bộ da cá mất đẹp", anh Nghị kể.

Đến nhồi bông: 2-3 tạ bông trong mình cá...

Anh Bùi Quang Nghị bên con cá nhám voi dài 5m, nặng 1 tấn... (Ảnh: H.Cát)

Hoàn tất công việc lóc thịt, các nhà khoa học rửa sạch bộ da con cá bằng nước bình thường. Đồng thời, những chỗ không lóc được thịt, họ tiêm thẳng formol vào để thịt co cứng và khô lại.

Bộ da sau đó được bỏ vào bể lớn, ngâm formol từ 2-3 tháng, trước khi được tiến hành nhồi bông. Nhồi bông cũng mất gần cả tuần lễ.

Da cá phải luôn luôn được giữ ướt để nhồi theo hình dáng trong tự nhiên của nó và giúp cho việc may được dễ dàng hơn.

Để nhồi con cá nhám này cần ít nhất 2-3 tạ bông hay vải xay. Các nhà nhồi bông nghiệp dư này làm tới đâu, thì lấy cước may lại đến đấy.

"Chưa phải là xong đâu. Nhiều khi chúng tôi cũng không hình dung được hình dáng con cá sẽ ra sao sau khi nhồi. Nếu méo mó, chúng tôi phải tháo bỏ để làm lại từ đầu", anh Nghị nói.

Nhiều người nghĩ rằng nhồi bông là công đoạn dễ nhất. Nhưng thật ra, da cá ngâm trong dung dịch formol suốt một thời gian dài nên việc nhồi bông không đơn giản như mọi người nghĩ.

"Tay chúng tôi thường xuyên phải tiếp xúc với formol đậm đặc, cả tháng sau, tay mới trở lại bình thường, hết khô và bắt đầu bị bong da," anh Nghị tâm sự.

Anh cho biết thêm, mùi hôi của formol đi xa hàng trăm mét còn làm người khác phải sợ huống chi anh và đồng nghiệp của anh phải tiếp xúc trực tiếp với các bộ da và mẫu vật đã ngâm formol.

Trước khi đem đi trưng bày, phiên bản nhồi bông của con cá nhám voi phải được để khô trong khu vực râm mát suốt cả một tuần mới bốc hết mùi formol.

Hương Cát (Nguồn khoahoc)