“Trong số 5 loài cá khoang cổ hiện có tại vùng biển Khánh Hòa, cá khoang cổ đỏ là loài có giá trị kinh tế nhất. Vì vậy, chúng tôi chọn loài này để nghiên cứu sinh sản nhân tạo và bước đầu đã thành công với tỷ lệ sống khá cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương mại loài cá này” - Tiến sĩ (TS) Hà Lê Thị Lộc, nghiên cứu viên Phòng Công nghệ sinh học nuôi trồng, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết.

Qua những lần thu mẫu của các cán bộ khoa học Viện Hải dương học Nha Trang, vùng biển Khánh Hòa hiện có 5 loài cá khoang cổ: Cá khoang cổ đen đuôi vàng, cá khoang cổ đỏ, cá khoang cổ tím, cá khoang cổ hề và cá khoang cổ sọc lưng. Trong số đó, loài cá khoang cổ đỏ chỉ chiếm khoảng 7% tổng số lượng cá khoang cổ khai thác được.

Phôi cá khoang cổ đỏ 8 ngày tuổi.

Cá khoang cổ đỏ ít có giá trị về mặt thực phẩm nhưng nhờ màu sặc sỡ, khả năng thích nghi cao trong điều kiện nuôi nhốt và đặc điểm đặc trưng là luôn sống cộng sinh cùng hải quỳ nên loài cá này đã được thị trường cá cảnh ở trong nước cũng như trên thế giới rất ưa chuộng. Vì vậy, chúng đã bị khai thác triệt để dẫn đến suy giảm số lượng đáng kể. TS Lộc cho biết: “Trong tự nhiên, cá khoang cổ đỏ không còn nhiều. Ở vùng biển Nha Trang, cách đây 5 năm, cá khoang cổ đỏ vẫn có nhưng với số lượng không nhiều, còn hiện nay hầu như không thấy. Để có cá bố mẹ dùng nghiên cứu, chúng tôi phải đặt mua từ những vùng biển khác”.

TS Hà Lê Thị Lộc chọn cá cảnh biển bởi “trong khi có nhiều công trình nghiên cứu về các loài cá nuôi lấy thịt thì mảng cá cảnh biển lại dường như bỏ ngỏ”. Từ năm 2000, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành nghiên cứu sinh sản nhân tạo loài cá khoang cổ đỏ này.

Ở nước ta, trước thời điểm các nhà khoa học của Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài “Cơ sở sinh thái và sinh học nhằm phục vụ cho việc sinh sản nhân tạo cá khoang cổ Amphiprion ở vùng biển Khánh Hòa”, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cho sinh sản nhóm cá này. Năm 2002, các nhà khoa học thuộc Phòng Công nghệ sinh học nuôi trồng, Viện Hải dương học Nha Trang đã thử nghiệm sinh sản nhân tạo thành công, cung cấp được 2.000 con giống có kích cỡ 3 - 4cm. Theo kết quả thử nghiệm, mỗi lần cá khoang cổ đỏ đẻ từ 441 - 991 trứng, tỷ lệ nở trung bình đạt 82,96%, tỷ lệ sống trung bình sau 1 tháng tuổi khá cao, đạt 67,79% (tỷ lệ này của các nhà khoa học Nga thực hiện đạt 52%).

Sau khi đề tài kết thúc và nghiệm thu, TS Lộc tiếp tục nghiên cứu bổ sung số liệu, kết quả đã thu được hơn 6.000 con cá khoang cổ đỏ con. Cá con 2 tháng tuổi được xuất khẩu sang các nước châu Âu. Hiện trên thế giới, giá của cá khoang cổ đỏ khoảng 12 USD/con. Đây thực sự đã mở ra triển vọng mới cho sự phát triển nghề sản xuất giống cá cảnh biển ở miền Trung Việt Nam.

KHÁNH NINH

Báo Khánh Hoà
Theo Aquabỉdvn