Ngày 11-5 vừa qua, tại thành phố Manado, thủ phủ Sulawesi thuộc miền Bắc của Indonesia đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về đại dương thế giới (WOV). WOV kéo dài một tuần nhằm thảo luận và đưa ra các sáng kiến bảo vệ các đại dương , với sự tham dự của bộ trưởng, chuyên gia về tài nguyên, môi trường, ngành thủy hải sản… đến từ hơn 70 quốc gia, từ Tổ chức Liên hiệp quốc và các tổ chức phi chính phủ. 

Những vấn đề lớn về đại dương hiện nay được nêu ra với một sự lo ngại đặc biệt, như tương lai các đại đương trước tác động của hiện tượng ấm nóng trái đất (làm cho các tảng băng trôi tan nhanh khiến mực nước biển dâng cao có nguy cơ nhấn chìm nhiều lãnh thổ đồng bằng, nhiều đảo và thậm chí nhấn chìm cả quốc gia vùng trũng). Bên cạnh đó, nhiều hoạt động  đánh bắt hải sản ồ ạt bất hợp pháp, vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng không những làm cho nguồn tài nguyên này cạn kiệt mà môi trường của các vùng biển bị xuống cấp trầm  trọng. Rồi hiện tượng khí thải từ các nước công nghiệp ngày càng làm cho các đại dương càng bị “axít hóa”… Bộ trưởng các vấn đề về biển và nghề cá của Indonesia - ông Numberi - cho rằng: “Chúng ta phải tập trung vào những thách thức cho đại dương hiện nay và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Những biến động của các yếu tố này đều ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế của mọi quốc gia, đến an ninh thực phẩm. Cuộc sống con người vẫn luôn phụ thuộc vào hệ thống biển và đại dương lành mạnh. Và hôm nay chúng ta ngồi tại đây cũng là cơ hội để chúng ta tăng cường hợp tác, đẩy mạnh trao đổi thông tin và những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc bảo vệ các đại dương để chúng ngày càng trong sạch và bền vững”.

Các đại biểu tại WOV đều nhất trí rằng, biển và đại dương vẫn đang bao phủ lớn diện tích toàn cầu nên không còn cách nào khác là phải tìm cách đối phó nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên ¾ diện tích của toàn cầu này. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta đang đấu tranh để bảo vệ sự sống, sức khỏe của chính mình.

Dự kiến  WOV sẽ kết thúc hội nghị vào cuối tuần này bằng “Tuyên bố Manado” để hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu toàn cầu tại Copenhagen, Đan Mạch vào cuối năm nay. Bên lề hội nghị lần này, lãnh đạo 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á (gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Đông Timor, Quần đảo Solomon, Papua New Guinea) sẽ hội đàm nhằm khởi động một kế hoạch cứu Tam giác San hô của khu vực. Đây là hệ sinh thái biển được mệnh danh “rừng nguyên sinh Amazon dưới đáy biển” vốn chiếm hơn một nửa số dải san hô của thế giới. Đặc biệt, khu vực này còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn lương thực thế giới. Tại khu vực này, người ta đánh bắt đến 1/3 lượng cá thu nuôi sống hành tinh, nhưng hiện đang bị hiện tượng khí hậu ấm nóng toàn cầu đe dọa.

Kim Oanh<br>Nguồn monre.gov.vn