Thuỷ triều đỏ” (hay “tảo độc nở hoa”) là tên thường gọi của một hiện tượng khoa học - “vi tảo độc nở hoa”. Thiệt hại do thủy triều đỏ gây ra đối với sản xuất thủy sản trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng rất lớn.

Thông thường, trong nước biển vi tảo thường tồn tại với mật độ khoảng 10 -100 tế bào vi tảo trong 1ml, thế nhưng khi có hiện tượng nở hoa, mật độ của vi tảo có thể lên đến 60-70 nghìn tế bào/ml, gấp 600-700 lần mức bình thường. Khi đó, nước biển chuyển từ màu trong xanh sang màu khác, có thể là màu vàng nhạt, lục, vàng xám (mùn cưa) hoặc đỏ như máu, thậm chí, có một số loại vi tảo có thể bùng phát mà không làm thay đổi màu của nước.

Trong khoảng 300 loài vi tảo mà các nhà khoa học xác định được cho đến nay, hầu hết các loài đều mang lại lợi ích, nhưng có khoảng 85 loài có thể gây nhiễm độc môi trường biển do sản sinh ra các chất độc hại ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển khác và gây nên “Thuỷ triều đỏ”. Hiện tượng này làm nước đại dương bị nhiễm độc nặng, dẫn đến cái chết cho các loài thủy tộc và thậm chí con người cũng không tránh khỏi tai nạn khi ăn tôm, cá, hàu, sò bị nhiễm độc.

Các độc tố của một số loại vi tảo còn có thể được tích lũy trong vài loài động vật thân mềm sò, ốc hay cá… và không bị phá hủy trong quá trình đun nấu, không ảnh hưởng đến mùi vị của thực phẩm. Do vậy khó có thể xác định được các loại đồ biển bị nhiễm độc do vi tảo gây ra.

Trên thực tế, Thuỷ triều đỏ là hiện tượng tự nhiên có thể xảy ra bất chợt hoặc theo chu kỳ hàng năm do liên quan đến nhiều yếu tố xã hội, tự nhiên khác nhau. Theo các nhà khoa học, tập trung dân cư, gia tăng mật độ dân số ở các khu vực ven biển kéo theo hàng loạt tình trạng ô nhiễm môi trường bờ biển gây ra bởi các hoạt động sinh hoạt của con người như rác thải sinh hoạt, chất thải và hoá chất sử dụng trong nông nghiệp, nước thải từ các thành phố hoặc nơi tập trung đông dân cư có thể là nguyên nhân làm gia tăng khả năng xảy ra hiện tượng này. Đặc biệt, đối với những khu vực tập trung nuôi cá lồng và nuôi tôm, lượng thức ăn dư thừa và chất thải của tôm, cá là nguồn dinh dưỡng rất phong phú cho các loài tảo độc.

Ở Việt Nam, hiện tượng thuỷ triều đỏ cũng đã xuất hiện từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển Nam Trung Bộ trong các năm 2002, 2003, đặc biệt tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hay ở Mũi Né, TP Phan Thiết năm 2005, thuỷ triều đỏ đã đưa một lớp xác tảo dày vào bờ, đồng thời làm nước biển có mùi hôi tanh, gây khó khăn cho nhiều công ty du lịch trong vùng. Lần gần đây nhất, là từ 15-17/5/2007, trên địa bàn 2 xã Xuân Phương và Xuân Thọ 2 (huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) thủy triều đỏ đã xuất hiện, gây ra tình trạng tôm hùm nuôi lồng chết hàng loạt.

Thiệt hại do thuỷ triều đỏ gây ra rất lớn. Nhiều chủ trại tôm và cá trắng tay do tất cả các sản phẩm được nuôi đều chết khi gặp phải dòng nước màu đỏ độc hại này. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2002, tảo nở hoa ở biển Nha Trang đã làm chết một số cá, gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Trong 3 ngày 15-17/5/2007, dòng nước màu đỏ này cũng đã cuốn theo 4.450 con tôm hùm ở xã Xuân Thọ 2 và hơn 3000 con tôm hùm đang được nuôi ở xã Xuân Phương, gây khó khăn cho 59 hộ nuôi tôm hùm trong khu vực này. Về lâu dài, các thiệt hại về môi trường sinh thái vẫn chưa tính được hết. Đặc biệt nếu xét đến những ảnh hưởng đối với rạn san hô ven biển, khi xảy ra hiện tượng này, san hô bị làm chết trắng, các loài sinh vật biển sống trong rạn san hô cũng chịu chung số phận, đe doạ trực tiếp đến nguồn lợi thuỷ sản trong tương lai và gây hậu quả nghiêm trọng đối với sinh thái.

Võ An Quân

Theo www.thiennhien.net