2. Các giải pháp quản lý nguồn lợi thuỷ sản nhằm cải thiện nguồn cung cấp

2.1. Ðánh giá mục tiêu khu vực và những nước trọng điểm

Vì mục tiêu duy trì nguồn cung cấp thực phẩm thuỷ sản cho toàn thế giới, FAO đã tiến hành việc đánh giá lại nguồn lợi hải sản, tình trạng nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản thế giới. Theo đánh giá của FAO năm 2004 về tình trạng nguồn lợi thuỷ sản đang khai thác tự nhiên của thế giới, 52% nguồn lợi thuỷ sản được khai thác mức tối đa, tức là hết năng suất sinh học, xấp xỉ một phần tư bị khai thác quá mức (16% đang bị lạm thác, 7% bị khai thác cạn kiệt) và 1% đang phục hồi, 21% khai thác ở mức khiêm tốn, 3% chưa khai thác. [1].

Theo công bố của FAO tháng 3/2005, tiêu thụ thuỷ sản của thế giới đến năm 2015 tăng 35% [10]. Mục tiêu phục hồi các nguồn lợi bị cạn kiệt đạt mức sinh khối lành mạnh đến năm 2015 là một thách thức lớn. Những khu vực được coi là cần khôi phục nguồn lợi nhất là Ðông Bắc và Ðông Nam Ðại Tây Dương, Ðịa Trung Hải, Biển Ðen, Ðông Nam Thái Bình Dương và Biển Bắc. Ông Ichiro Namura, trợ lý phụ trách thuỷ sản của Tổng Giám đốc FAO cho biết, việc cạn kiệt nguồn lợi làm ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm và phát triển kinh tế, suy giảm phúc lợi xã hội ở nhiều nước trên thế giới, làm tổn hại đến các hệ sinh thái dưới nước [10]. Sự giới hạn cường lực khai thác hiện nay đối với một số nước phát triển có đội tàu đánh bắt lớn là rất cần thiết. Trong những năm qua, Mỹ, Canađa, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước đã thành công trong việc cắt giảm công suất khai thác [11]. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển ở châu á, tuy nghề cá đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm và nguồn thu nhập cho ngư dân ven biển, nhưng cũng cần phải tiến hành chuyển đổi về chính sách và công nghệ phù hợp nhằm chấm dứt tình trạng khai thác huỷ diệt, hạn chế khai thác ven bờ, mở rộng khai thác xa bờ và kiểm soát tình trạng lạm thác. Những vấn đề của thế giới đặt ra trong các hội nghị quốc tế là sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ của các nước phát triển nhằm tìm các giải pháp giúp đỡ nghề cá quy mô nhỏ của các nước đang phát triển. Do hầu hết nghề cá các nước này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực khai thác ven bờ và đóng góp một phần lớn trong tổng sản lượng thuỷ sản thế giới. Theo nhận định của FAO, các nước đang phát triển đang trông cậy rất lớn vào xuất khẩu thuỷ sản sang các thị truờng lớn thế giới thị trường các nước phát triển với sức thu nhập khoảng trên 20 tỷ đô-la một năm. Tại Hội nghị lần thứ 26 của Uỷ ban nghề cá FAO và Khoá họp lần thứ 10 của Tiểu ban Thương mại thuỷ sản của FAO ở Tây Ban Nha, các báo cáo của FAO đã đánh giá tầm quan trọng của nghề cá quy mô nhỏ của các nước đang phát triển cung cấp đáng kể nguồn thực phẩm thuỷ sản cho thị trường tiêu thụ của thế giới. Uỷ ban nghề cá FAO nhấn mạnh rằng, thương mại bền vững là tuỳ thuộc ở nơi tiến hành quản lý nghề cá bền vững. Các nước tham gia hoạt động nghề cá quy mô nhỏ đóng góp quan trọng trong thương mại thực phẩm thuỷ sản của thế giới chủ yếu ở các khu vực châu á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Sự đóng góp của nghề cá quy mô nhỏ trong tổng sản lượng khai thác hải sản của các nước như Gana :70-80%, Xênêgan: 77-86%, Môdămbích: 80%, Tandania: 95%, Việt Nam: 86%.[7]. Hầu hết sản lượng khai thác nội địa ở các nước này cũng đều có sự đóng góp của nghề cá quy mô nhỏ. Bởi vậy, cần xem xét về góc độ thương mại và các biện pháp về thị trường để thực hiện các biện pháp cải thiện nguồn cung cấp thuỷ sản bền vững.

2.2. Xác định loài đối tượng

Việc xác định mục tiêu đối tượng nguyên liệu của các mặt hàng thực phẩm thuỷ sản đã được đặt ra trong các hội nghị quốc tế để bàn luận và đưa ra các biện pháp thích ứng, nhằm khôi phục nguồn trữ lượng của các loài khan hiếm và phát triển các loài nuôi mới an toàn, chất lượng thay thế sự thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường. Các biện pháp có thể được áp dụng hướng vào các đối tượng sản phẩm thương mại chính bao gồm các chính sách thương mại đối với các loài và quản lý nguồn lợi chặt chẽ bằng các hạn ngạch khai thác cũng như các biện pháp thương mại đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác nguồn lợi tự nhiên. Dưới góc độ của thị trường tiêu thụ thế giới, các mặt hàng chính có liên quan đến nguồn lợi khai thác tự nhiên phải được quan tâm để tìm các giải pháp quản lý nhằm nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo báo cáo của FAO về hiện trạng và các sự kiện liên quan đến thương mại quốc tế, trong các mặt hàng thương mại chính ngoài tôm ra, thì các sản phẩm cá đáy chiếm 11% tổng xuất khẩu thuỷ sản thế giới. Năm 2005, sản lượng khai thác của hầu hết các loài cá đáy tự nhiên đã giảm nghiêm trọng, dẫn đến sự phát triển của một số loài nuôi để thay thế cho sản lượng thiếu hụt này. Sản lượng cá đáy bị suy giảm chính là nguyên nhân phát triển đánh bắt với ngư cụ chủ yếu là lưới kéo trong thời gian dài của nghề cá quy mô công nghiệp ở các nước phát triển. Thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm cá đáy hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn về các loài khác nhau. Việc tăng tái xuất nguyên liệu nhập khẩu đối với các loài đặc biệt ở Trung Quốc và Việt Nam đã và đang ảnh hưởng đến thương mại thế giới về mặt hàng này. Do khó khăn về nguồn nguyên liệu đối với nhiều loại cá đáy quan trọng đã thúc giục ngành công nghiệp phải tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Vì thế, một số loài nuôi đã được phát triển để tăng nguồn cung cấp cho thị trường cá phi lê như cá rô phi, cá tra và cá vược sông Nin. Gần đây, cá tuyết nuôi cũng đến thị trường cá tươi châu Âu, chứng tỏ nuôi trồng thuỷ sản đóng góp ngày càng nhiều vào nguồn cung cấp cho thị trường thế giới.

Ngoài ra, cá ngừ là một trong những loài được quan tâm rất lớn bởi chúng chiếm khoảng 8,2% lượng xuất khẩu của thế giới năm 2003. Tổng sản lượng khai thác cá ngừ trong năm 2002 và 2003 tăng, ngược với xu thế giảm sản lượng của 2 năm trước. Năm 2004 và 2005, sản lượng khai thác cá ngừ giảm trở lại. Sự tăng, giảm về sản lượng khai thác của loài này làm cho nguồn cung cấp không ổn định và giá cả thị trường bấp bênh [8].

Trong mấy năm gần đây, cá kiếm cũng là đối tượng cần được bảo vệ chặt chẽ do sản lượng có xu hướng giảm mạnh.

2.3. Các biện pháp quản lý

· Các biện pháp quản lý khai thác được thực hiện bằng việc tổ chức quản lý nghề cá theo khu vực, trong đó áp dụng các điều kiện kiểm soát các tàu cá tại các cảng biển, cửa khẩu của các quốc gia để ngăn chặn các hành động khai thác quá mức và khai thác bất hợp pháp, các biện pháp bao gồm :

- Thực hiện lập hồ sơ giấy phép khai thác đối với tất cả các tàu khai thác hoặc vận chuyển thuỷ sản, đây như là một điều kiện để cập cảng.

- Ngăn chặn việc bốc xếp và vận chuyển thuỷ sản đối với các đơn vị tàu cá không thực hiện đầy đủ các điều kiện đăng ký.

- Ban hành các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm thuỷ sản của các đơn vị hoặc cá nhân không tuân thủ các điều kiện quản lý nghề cá của khu vực.

Các biện pháp này đã được thảo luận và áp dụng trong các Hiệp định quốc tế của một số tổ chức quốc tế như Uỷ ban quốc tế bảo tồn cá ngừ Ðại Tây Dương (ICCAT), Uỷ ban bảo tồn tài nguyên sống biển Nam Cực (CCAMLR) và Uỷ ban bảo vệ cá ngừ vây xanh vùng Nam châu Ðại Dương (CCSBT). ICCAT được thành lập từ năm 1966 có 39 hội viên, trong đó có 32 hội viên tham gia tổ chức WTO. CCAMLR được thành lập từ năm 1980, có 32 hội viên, trong đó có 29 hội viên cũng tham gia tổ chức WTO. CCSBT được thành lập từ năm 1994, các thành viên gồm Ôxtrâylia, Nhật Bản, NiuDilân, Hàn Quốc và Ðài Loan và Philippin - thành viên liên lết.

Lập hồ sơ khai thác (CDS) của các tàu cá : Biện pháp này đáp ứng nhiều mục đích như cung cấp cho các cơ quan quản lý nắm bắt được hồ sơ đăng ký khai thác của các tàu; Nhận dạng nguồn gốc cá vào thị trường của các nhà nhập khẩu; Xác định cá được đánh bắt bằng các hình thức phù hợp với các biện pháp bảo vệ nguồn lợi theo hiệp ước quản lý nghề cá; Thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý nghề cá. CDS có thể được coi là một công cụ để truy xuất nguồn gốc, trong đó các sản phẩm có thể được lần theo dấu vết thông qua bộ hồ sơ này từ nơi tiêu thụ đi ngược đến tàu cá. Ðối với một số loài và ở một số nước, thông tin này cung cấp trên nhãn sản phẩm để cho những người tiêu thụ có thể biết được nước xuất xứ hay nơi đánh bắt. Chương trình thống kê cá ngừ vây xanh của ICCAT đã bắt đầu thực hiện từ năm 1992 đối với cá ngừ vây xanh đông lạnh và năm 1993 đã mở rộng đối với mặt hàng cá ngừ vây xanh tươi. Năm 2000, chương trình này được triển khai mở rộng đối với cá kiếm, cá ngừ mắt to và các loài khác thuộc phạm vi quản lý của Tổ chức ICCAT. Chương trình này yêu cầu tất cả các đơn vị nhập khẩu tất cả các loài hay sản phẩm cá ngừ vây xanh thuộc phạm vi ICCAT quản lý phải đảm bảo có đủ hồ sơ thương mại và được xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, cá ngừ nuôi đang trở nên phổ biến, do đó Chương trình này đã được bổ sung sửa đổi phù hợp, đặc biệt đối với cá ngừ khai thác để đưa vào nuôi vỗ trong lồng sau đó mới lưu thông xuất khẩu. Năm 2000, CCAMLR cũng thực hiện chương trình CDS quản lý cá răng (Dissostichus spp), vì cá răng được khai thác quá mức và thường bị đánh bắt bất hợp pháp ở vùng nước sâu. Cũng trong năm này, CCSBT cũng thực hiện chương trình thống kê cá ngừ vây xanh như ICCAT để thu thập số liệu thương mại và khai thác cá ngừ vây xanh vùng Nam châu Ðại Dương. Cũng tương tự năm 2002, Uỷ ban cá Ngừ ấn Ðộ Dương (IOTC) đã thực hiện chương trình thống kê cá ngừ mắt to hài hoà với chương trình của ICCAT [4].

· Các biện pháp hạn chế thương mại, được thực hiện từ năm 1996. Uỷ ban ICCAT đề nghị các nước thành viên phải thực hiện cấm nhập khẩu cá ngừ vây xanh dưới bất kỳ hình thức nào từ các nước thành viên không thuộc ICCAT : Bêlizê, Honđurat và Panama. Lần đầu tiên biện pháp hạn chế thương mại đa phương đã có hiệu lực do một tổ chức quản lý nghề cá quốc tế. Năm 1999, biện pháp này được xoá bỏ đối với Panama sau khi nước này tuân thủ các bước thực thực hiện theo các quy định của ICCAT. Năm 1999, ICCAT cũng áp dụng lệnh cấm nhập khẩu cá ngừ vây xanh đối với catoria Guinia và xoá bỏ lệnh cấm này vào năm 2004 [4].

· Các biện pháp khác liên quan đến thương mại : Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMOs) cũng sử dụng biện pháp Hệ thống giám sát tàu cá (VMS - Vessel Monitoring Systems) để xem xét các vấn đề liên quan đến thương mại nhằm xúc tiến khai thác thuỷ sản bền vững. Ðây là hệ thống tự động được lắp đặt trên tàu khai thác hải sản để tự động cập nhật thông tin, thu và truyền phát tín hiệu thông tin về địa bàn hoạt động, hướng và tốc độ di chuyển của tàu. Hệ thống này có ý nghĩa về quản lý, theo dõi và kiểm tra thông tin một cách cơ bản liên quan đến những vấn đề thương mại để có thể bước vào hội nhập WTO. Hệ thống VMS được thực hiện phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Các nước đã thực hiện hệ thống thông tin thu phát tín hiều về tàu khai thác hải sản bao gồm Ôxtrâylia, NiuDilân, Mỹ, Nam Phi, Nhật Bản và Canađa. EU hiện đã yêu cầu tất cả các tàu cá có chiều dài trên 24 m phải thực hiện chương trình VMS và nhiều quốc gia đang phát triển cũng đang áp dụng đó là Marốc, Achentina, Panama, Trung Quốc và Pêru [4].

· Các biện pháp thực hiện theo các Hiệp ước quản lý nghề cá cũng được tiến hành bao gồm: (i) Hiệp ước quốc tế về nguồn lợi thuỷ sản của Liên Hiệp Quốc; (ii) Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO; (iii) Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác bất hợp pháp. Theo Hiệp ước quốc tế về nguồn lợi thuỷ sản của Liên Hợp Quốc, các quốc gia tham gia cần phối hợp bảo vệ nhằm mục tiêu duy trì sử dụng lâu dài, bền vững đối với nguồn lợi khai thác tự nhiên, đặc biệt đối với các loài di cư. Hiện nay có 53 tổ chức đơn vị tham gia Hiệp ước nguồn lợi này, trong đó có 40 đơn vị là thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Nhìn chung, các Hiệp ước quốc tế đều quy định các biện pháp áp dụng ở các cảng của các quốc gia gồm kiểm tra hồ sơ, giấy phép đăng ký, ngư cụ đánh bắt và sản lượng đánh bắt của các tàu khi các tàu tự nguyện cập cảng. Việc thực hiện ngăn chặn thương mại hay liên quan đến thưuơng mại hoặc ngăn cấm xuất, nhập khẩu đối với trường hợp các tàu vi phạm các Hiệp ước quốc tế và đánh bắt bất hợp pháp đã được tiến hành đồng bộ [4].

· Trong các cuộc họp của Liên Hợp Quốc (LHQ) mấy năm gần đây, một số tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường và các nước liên quan đã liên tục yêu cầu phải chấm dứt tình trạng khai thác bằng lưới giã để bảo vệ hệ sinh thái biển. LHQ đã đưa ra một số giải pháp cấm tạm thời đối với hoạt động khai thác bằng lưới giã và thực hiện một giải pháp khác là hình thành các tổ chức mới ở những khu vực chưa có tổ chức quản lý nghề cá (RFMOs) để quản lý hoạt động khai thác này [5]

· Theo nhận định của các chuyên gia cao cấp của FAO, sự phát triển của những phương pháp và ngư cụ đánh bắt như giã cào, lưới vây, câu vàng,... là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả nguồn lợi có khả năng bị đẩy đến giới hạn tột cùng, làm suy giảm đa dạng sinh học.

· Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở Mỹ, châu Âu và châu Ðại Dương đang cố gắng thực hiện biện pháp tác động đến người tiêu dùng để đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm thuỷ sản bền vững bằng cách khuyến khích người tiêu dùng chỉ mua cá từ các nghề cá khai thác bền vững hoặc nghề nuôi trồng thuỷ sản bền vững. Hiện nay xu hướng nghề cá bền vững đang diễn ra rất tích cực ở các nước châu á, nổi bật nhất ở Nhật Bản và Hồng Kông [4].

· Ngành công nghiệp thực phẩm thuỷ sản cũng thực hiện các biện pháp thương mại để xúc tiến khai thác thuỷ sản bền vững. Các nhà chế biến thực phẩm hay các siêu thị ở một số nước châu Âu và Bắc Mỹ đã đặt bền vững như một tiêu chuẩn khi tiến hành việc lựa chọn nguồn cung ứng thuỷ sản. Việc mua bán chỉ thực hiện khi nguồn cung ứng thuỷ sản có đủ điều kiện giấy phép và giấy chứng nhận của cơ quan quản lý biển thông qua hệ thống kiểm tra. Các tiêu chuẩn bền vững thuỷ sản ở đây cũng được xây dựng dựa trên Quy chuẩn ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức FAO [4].

· Ngành kinh doanh thuỷ sản ở EU và Bắc Mỹ cũng xúc tiến các biện pháp bền vững:

- Khảo sát kỹ nguồn cung cấp nguyên liệu thuỷ sản có phải từ khai thác hợp pháp hay không

- Thông cáo lời cam kết về nguồn thực phẩm thuỷ sản từ nguồn nguyên liệu khai thác bền vững hoặc thực phẩm thuỷ sản có đủ điều kiện, giấy phép chứng nhận.

- Giảm việc buôn bán các loài khi xác định nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất không theo biện pháp bền vững [4].

2.4. Những cố gắng của các nước và Việt Nam trong việc quản lý nguồn lợi

· Trên thế giới

Trong Hội nghị Vành đai Thái Bình Dương lần thứ 8, tổ chức ngày 22 - 24 tháng 3 năm 2006 tại Hà Nội, các nước đã thảo luận các giải pháp cho một bờ biển và đại dương trong sạch. Hội nghị như một diễn đàn quốc tế về nghề cá để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong khu vực Vành đai Thái Bình Dương trình bày và trao đổi các vấn đề liên quan đến chính sách, biện pháp quản lý và sử dụng nguồn lợi biển nhằm mục tiêu phát triển bền vững và có lợi ích kinh tế xã hội ngày càng cao. Hội nghị đã thúc đẩy việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo lợi ích hài hoà phát triển trước mắt và lâu dài của cộng đồng dân cư ven biển. Tiến sỹ Wiliam T. Hogarth (Cục Quản lý Ðại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ NOAA) cho biết, hội nghị được tổ chức lần đầu tiên tại một nước ở Nam Thái Bình Dương vừa để tôn vinh sự quan tâm lâu dài mà Việt Nam đã thể hiện khi tham dự các kỳ hội nghị trước đồng thời để tạo điều kiện cho các nước Bắc và Nam Thái Bình Dương tham dự hội nghị để tăng cường hiểu biết khoa học nghề cá, tập quán khai thác và tác động của việc này đến hệ sinh thái.

Tháng 9 năm 2005, Tổng thống Bush đã ban hành luật mới nhằm đảm bảo các quyết định quản lý nguồn lợi dựa trên thông tin khoa học có kiểm chứng, khuyến khích áp dụng quản lý theo định hướng thị trường, hình phạt cao và nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nhằm chấm dứt tệ lạm thác. Cơ quan quản lý Ðại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan thực thi pháp luật khác, có quyền thực thi 37 luật và hiệp định liên quan đến bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ðại diện cho thế giới phát triển, Mỹ đã có các nghiên cứu để đưa ra các phương pháp xác định trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý và tái tạo nguồn lợi [11].

Ðiều đáng kể nhất là ngành khai thác thuỷ sản của Nhật Bản có vai trò lịch sử quan trọng mang lại sinh kế cho hàng nghìn làng chài ven biển. Tuy nhiên, kỷ nguyên hiện đại đang làm thay đổi dáng dấp của ngành thuỷ sản cũng như di sản thuỷ sản của Nhật Bản. Ðây là những cố gắng rất lớn đối với Nhật Bản để làm thay đổi trong lĩnh vực quản lý nguồn lợi thuỷ sản. Gần 90% số lượng tàu cá và lao động trong ngành thuỷ sản Nhật Bản là thuộc lĩnh vực khai thác ven bờ. Theo số liệu thống kê của Nhật Bản, hiện nay, số phương tiện khai thác hải sản của Nhật Bản đã giảm 30% so với 15 năm trước, đồng thời số lao động cũng giảm 39%, còn 238.000 người [12].

ấn Ðộ là nước đi tiên phong trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thuỷ sản với việc ban hành Luật Nghề cá biển kiểu mẫu năm 1979. ở ấn Ðộ, trách nhiệm quản lý được phân vùng như chính quyền các tiêu bang và vùng lãnh thổ có trách nhiệm quản lý nghề khai thác hải sản trong vùng lãnh thổ của mình, còn chính phủ liên bang chịu trách nhiệm quản lý nghề khai thác hải sản ở vùng khơi. Từng tiểu bang có cơ quan chức năng làm nhiệm vụ cấp giấy phép đăng ký và đăng kiểm tàu cá. Mỗi phương tiện khai thác cơ giới đều phải có giấy phép hoạt động trong từng khu vực nhất định. Thời gian cấm đánh bắt hải sản được phân ra 2 vùng: bờ tấy ấn Ðộ là 67 ngày trong năm từ ngày10/6 đến ngày 15/8, còn ở bờ đông là 45 ngày từ ngày 16/4 đến ngày 31/5. Luật Nghề cá biển Kerla 1980 quy định rõ mùa cấm đánh bắt, kích cỡ mắt lưới, các phương pháp khai thác mang tính huỷ diệt đều bị cấm sử dụng. Từ năm 1988, lưới giã cào cũng bị cấm sử dụng trong thời gian gió mùa. Hiện tại các bang vùng bờ tây ấn Ðộ đều áp dụng lệnh cấm này. Ðể bảo vệ các loài thuỷ sản có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là rùa biển, các chính quyền bang đã ban hành quy định buộc các tàu làm nghề lưới giã cào phải lắp đặt thiết bị loại trừ rùa (TED). Năm 2001, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp đã cấm đánh bắt 3 loài cá nhám, 2 loài cá đuối nhỏ và 1 loài cá đuối lớn. Một số loài nhuyễn thể, động vật ruột khoang, hải sâm và bọt biển bị cấm khai thác theo Luật Bảo vệ động vật hoang dã 1972. Theo luật định, một số ngư cụ khác cũng bị cấm sử dụng ở một số bang như tàu giã đôi và lưới vây rút cấm sử dụng ở vùng lãnh hải của bang Tamil và Nadu. Lưới vây rút cũng được cấm sử dụng ở bang Kerala và Maharashtra. Ngoài ra lưới vây vòng và lưới giã cá nổi cũng bị cấm sử dụng ở bang Kerala. Chính phủ ấn Ðộ đã công bố Chính sách khai thác hải sản 2004 trong chính sách Nông nghiệp quốc gia nhằm phát triển bền vững đánh bắt hải sản trong và ngoài vùng biển chủ quyền và đảm bảo phân chia ranh giới hợp lý các vùng được bảo tồn trong các vùng biển chủ quyền. Chính sách này đặt cơ sở cho việc đẩy mạnh khai thác ở các vùng khơi và đại dương nhằm giảm áp lực đánh bắt ở vùng ven bờ, đồng thời khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cần thiết. [13].

· Việt Nam

Hội nhập cùng các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp hài hoà, ban hành Luật Thuỷ sản, thành lập các tổ chức thanh tra và bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, cấm sử dụng các phương tiện, phương pháp đánh bắt huỷ diệt, tuyên truyền giáo dục ý thức cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thuỷ sản, cấp giấy phép khai thác cho các tàu cá trong và ngoài nước, thiết lập khu vực cấm khai thác để bảo vệ thuỷ sản non và bãi đẻ, theo dõi, kiểm soát hoạt động khai thác và ngăn chặn gây ô nhiễm ngư trường, khuyến khích nghiên cứu và đánh bắt xa bờ nhằm giảm áp lực đánh bắt ven bờ. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý, kiểm soát các tàu cá nhỏ còn chưa có hiệu quả, việc kiểm soát tình trạng lạm thác, sử dụng phương pháp huỷ diệt và công tác hậu cần nghề cá chưa tốt, hạ tầng nghề cá cùng các cảng cá, trang thiết bị còn nghèo nàn và lạc hậu. Hiện nay, các biện pháp quản lý vẫn đang được thực hiện đó là giảm số tàu cá nhỏ, thay đổi cơ cấu đánh bắt để phù hợp với khả năng của nguồn lợi, sử dụng phương pháp khai thác chọn lọc, tăng cường nghiên cứu và đánh giá nguồn lợi, thành lập các vùng cấm đánh bắt và quy định thời gian đánh bắt, xây dựng hệ thống thống kê nghề cá, phân cấp quản lý các loại phương tiện khai thác,...

Nguồn www.fistenet.gov.vn/print_preview.asp?News_ID=23144622