1.Tình trạng khai thác

Theo số liệu thống kê của FAO, sản lượng thuỷ sản khai thác tự nhiên của thế giới không theo xu hướng tăng như các thập kỷ 50-80 mà lên xuống bấp bênh từ giữa thập kỷ 90. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thuỷ sản của thế giới năm 2004 tăng gấp đôi so với năm 1964. Năm 2004, sản lượng khai thác thuỷ sản tự nhiên của thế giới đã đạt 96.462 nghìn tấn, chiếm 62% tổng sản lượng thuỷ sản thế giới, tăng 5% so với năm 2003 và đạt xấp xỉ bằng mức của năm 2000 (96.864 nghìn tấn). Nguồn khai thác thuỷ sản tự nhiên của thế giới tập trung chủ yếu ở vùng nước mặn. Sản lượng khai thác biển có xu hướng tăng từ 43,76 triệu tấn năm 1964 lên 71,93 triệu tấn năm 1984 và 86,55 triệu tấn năm 1994. Sản lượng khai thác vùng nước mặn từ năm 1994 trở lại đây không còn xu hướng tăng như hai thập kỷ trước, thậm chí đã giảm 6% từ mức 88 triệu tấn năm 2000 xuống còn 82,78 triệu tấn năm 2003. Năm 2004, sản lượng khai thác vùng nước mặn đã được phục hồi đạt 87,24 triệu tấn, chiếm 90,44% tổng sản lượng khai thác. Trong khi đó, sản lượng khai thác vùng nước ngọt tuy chỉ chiếm số lượng nhỏ nhưng có xu hướng tăng liên tục trong bốn thập kỷ qua kể từ năm 1964, đạt 9,22 triệu tấn năm 2004, chiếm 9,5% tổng sản lượng khai thác.

Bảng 3- Sản lượng khai thác (SLKT) tự nhiên của thế giới theo vùng nước (Ðơn vị : 1.000 tấn)

Vùng nước

Năm

1964

1984

1994

2000

2001

2002

2003

2004

Nước ngọt

3.750

5.706

6.713

8.816

8.869

8.777

9.039

9.220

Nước mặn

43.768

71.934

86.551

88.048

85.459

85.781

82.788

87.242

Tổng SL KT

47.519

77.946

93.265

96.864

94.329

94.559

91.827

96.462

Nguồn : Thống kê của FAO

1.1. Tình hình khai thác thuỷ sản theo khu vực

Nguồn cung cấp thuỷ sản của các nước phát triển giảm do khai thác quá mức trong nhiều năm qua. Năm 1998, sản lượng khai thác giảm quá mạnh buộc khu vực Bắc Ðại Tây Dương phải áp đặt hạn ngạch khai thác chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng lạm thác ngày càng nghiêm trọng. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã quyết định thay đổi cơ cấu khai thác bằng cách giảm mạnh số lượng tàu khai thác và thực hiện việc quản lý hạn ngạch đối với các loài để khôi phục lại nguồn lợi. Cũng do đó, sản lượng khai thác ở các nước Ðông Âu giảm và đã góp phần làm giảm đáng kể sản lượng ở khu vực các nước phát triển trong những năm gần đây. Trong thời gian qua, nhiều nỗ lực hoạt động của các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đối với các nghề cá của các khu vực trên thế giới đã đưa lại kết quả khả quan đối với sản lượng khai thác trong năm 2004. Năm 2004, khai thác thuỷ sản của thế giới tăng phần lớn ở khu vực Nam Mỹ và châu Á. Ngoài ra, sản lượng cũng tăng nhẹ ở châu Phi, Bắc Mỹ và châu Ðại Dương.

Châu á là khu vực khai thác lớn nhất thế giới, sản lượng có xu hướng tương đối ổn định ở mức trên dưới 46 triệu tấn trong mấy năm đầu những năm 2000. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản của thế giới trong năm 2003 giảm so với các năm trước đó, nhưng sản lượng khai thác thuỷ sản ở khu vực châu á vẫn tăng và đạt 47,19 triệu tấn năm 2004, chiếm 48,9% tổng sản lượng khai thác toàn cầu. Nam Mỹ là khu vực khai thác có sản lượng cao thứ nhì, đạt 17,92 triệu tấn, chiếm 18,5% tổng sản lượng khai thác toàn cầu. Tiếp theo là châu Âu đạt xấp xỉ 14,2 triệu tấn, chiếm 14,7% tổng sản lượng khai thác toàn cầu, Bắc Mỹ đạt 8,33 triệu tấn, chiếm 8,6%, châu Phi đạt 7,31 triệu tấn, chiếm 7,5% và châu Ðại Dương đạt 1,33 triệu tấn, chiếm 1,3% (xem bảng 3).

Bảng 4 - Sản lượng khai thác theo châu lục (Ðơn vị : 1.000 tấn)

Châu lục

Năm

1964

1984

1994

2000

2001

2002

2003

2004

Châu Phi

3.091

4.043

5.578

6.729

7.113

6.956

7.167

7.312

Bắc Mỹ

4.155

7.704

8.506

7.894

8.273

8.304

8.280

8.333

Nam Mỹ

10.988

10.627

22.594

18.171

15.122

16.252

13.039

17.923

Châu á

15.225

31.717

39.404

46.209

46.138

45.945

46.962

47.192

Châu Âu

13.908

23.006

16.159

16.559

16.326

15.600

14.884

14.199

Châu Ðại Dương

151

519

893

1.088

1.136

1.188

1.236

1.337

Nơi khác

23

130

211

218

312

258

164

Tổng sản lượng

47.519

77.946

93.265

96.864

94.329

94.559

91.827

96.462

Nguồn : Thống kê của FAO

Các quốc gia khai thác thuỷ sản đứng đầu thế giới hiện nay theo thứ tự bao gồm Trung Quốc, Pêru, Mỹ, In đônêxia, Nhật Bản, Chilê, ấn Ðộ, Liên bang Nga, Thái Lan và Na Uy. Trong đó, 5 quốc gia thuộc khu vực châu á Thái Bình Dương là Trung Quốc (đứng thứ nhất), Inđônêxia (thứ 4), Nhật Bản (thứ 5), Ấn Ðộ (thứ 7), Thái Lan (thứ 9)1

Sản lượng của Trung Quốc chiếm 36% tổng sản lượng của khu vực này, cao gấp 3 lần sản lượng của Inđônêxia. Ðông Nam á liên tục tăng sản lượng và duy trì mức sản lượng cao nhất trong khu vực châu á Thái Bình Dương từ năm 1993. Trong khối EU-15, các nước khai thác chính trong năm 2004 là Ðan Mạch, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Hà Lan, tất cả đều đạt trên mức 0,5 triệu tấn. Trong giai đoạn 1995 - 2004, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản của các nước EU-15 đã giảm 27% từ 7,2 triệu tấn xuống 5,2 triệu tấn. Tây Ban Nha cùng với Ðan Mạch, Hy lạp và Thuỵ Ðiển là một trong số các nước đã giảm mạnh sản lượng khai thác trong chục năm qua, từ 1,2 triệu tấn năm 1995 xuống 0,8 triệu tấn năm 2004 [2].

1.2. Ðối tượng khai thác chính

Nhóm loài cá nổi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản lượng khai thác hải sản. Trong đó, các loài cá nổi nhỏ (cá trích, cá xác đin, cá trỏng,...) chiếm khoảng 26% tổng sản lượng năm 2002, giảm từ mức 29% trong thập kỷ 50 và 27% trong thập kỷ 70 [3]. Các loài được khai thác nhiều nhất trên thế giới hiện nay là cá trỏng ở Pêru và cá trích Ðại Tây Dương và Ðịa Trung Hải, theo sau là cá cơm châu Âu. Theo báo cáo thống kê của FAO, một trong những nguyên nhân tăng sản lượng khai thác thế giới năm 2004 là do Pêru tăng sản lượng khai thác cá trỏng đạt 10,7 triệu tấn [2].

Các loài cá nổi lớn chiếm 21%, giảm 13% so với thập kỷ 50, trong đó khai thác nhiều nhất là cá ngừ vằn vùng nhiệt đới Thái Bình Dương và ấn Ðộ Dương, theo sau là cá thu Ðại Tây Dương.

Các loài cá đáy chiếm 15%, giảm mạnh so với mức 26% trong giai đoạn những năm 50 và 70 thế kỷ trước. Các loài được khai thác nhiều nhất là cá Pô lắc Alaska, cá tuyết lục.

Cá ngừ và các loài cá gần cá ngừ là nhóm nguồn lợi quan trọng nhất được khai thác ở biển khơi. Các loài này đạt sản lượng cao nhất ở khu vực Thái Bình Dương, tiếp theo là Ðại Tây Dương và ấn Ðộ Dương. Sản lượng của 5 loài cá ngừ thương mại chính đã tăng từ 0,5 triệu tấn đầu thập kỷ 50 đến đỉnh cao là 4 triệu tấn năm 2002 với xu hướng ổn định từ năm 1998. Cá ngừ vằn chiếm 50% tổng sản lượng cá ngừ, đạt 2 triệu tấn trong năm 2002 và là loài có sản lượng cao thứ 3 sau sản lượng cá trỏng (E. ringens) của Pê ru (9,7 triệu tấn) và cá pôlắc Alaska (Theragra chalcogramma) ( 2,6 triệu tấn) [3].

Các loài cá khai thác ven bờ giữ mức ổn định 6% tổng sản lượng khai thác và tăng nhẹ lên 7% năm 2002. Sản lượng khai thác các loài giáp xác (tôm, tôm hùm, cua, moi,...) đã tăng từ 4% trong giai đoạn những năm 50 và 70 lên 7% năm 2002. Nhuyễn thể (bào ngư, hàu, vẹm, điệp, ngao, mực ống, bạch tuộc,...) đã tăng nhẹ từ 6% trong giai đoạn những năm 50 và 70 lên 8% năm 2002. Các loài cá tạp khác chiếm 13% tổng sản lượng năm 2002, tăng từ mức 11% trong giai đoạn các năm 1950 và 1980 [3].

1.3. Biến động sản lượng của các loài hải sản ở các khu vực

Theo hệ thống thống kê phân loại các loài của FAO (ISSCAAP - International Standard Statistical Classification of Aquatic Animals and Plants of FAO), tất cả các nhóm loài kể trên đều xuất hiện nhiều ở khu vực tây-bắc Thái Bình Dương khu vực khai thác lớn nhất thế giới. Sản lượng ở khu vực này dao động trong khoảng 20-40 triệu tấn từ những năm 1980, do ảnh hưởng của sự dao động lớn về sản lượng khai thác cá trích (Sardinops melanostictus) và cá pôlắc Alaska (Theragra chalcogramma) của Nhật Bản [3].

ở khu vực đông-nam Thái Bình Dương, chỉ có 3 loài đạt sản lượng cao, chiếm 80% sản lượng của khu vực từ trước tới nay đó là cá trỏng Pêru (Engralis ringens), cá sòng Chilê (Trachrus murphyi) và cá mòi Nam Mỹ hay cá trích (Sardinops sagax), sản lượng lên xuống bấp bênh trong chục năm qua. Sự tăng giảm sản lượng ở khu vực này chủ yếu do những biến động của khí hậu và thời tiết như sự kiện của hiện tượng En Nino đã làm ảnh hưởng đến sản lượng trong một thời gian dài [3].

Khu vực đông-bắc Thái Bình Dương, sản lượng thuỷ sản đã đạt đỉnh cao 3,6 triệu tấn năm 1987, sau đó giảm nhẹ và được phục hồi với mức 2,7 triệu tấn năm 2001 và 2002 [3].

Khu vực trung-tây Thái Bình Dương, tổng sản lượng tăng ổn định từ năm 1950, đạt gần 11 triệu tấn năm 2002. ở khu vực trung-đông Thái Bình Dương, sản lượng dao động bấp bênh khoảng 1.2 - 1,8 triệu tấn từ năm 1981, nhưng do sự phục hồi của sản lượng cá mòi Caliphoocnia hay cá xác đin đã làm tăng sản lượng của khu vực này [3].

Khu vực tây-bắc Ðại Tây Dương, sản lượng đã giảm xuống mức thấp là 2 triệu tấn năm 1994 sau sự suy sụp nguồn lợi cá đáy ở ngoài khơi miền đông Canađa. Sau đó sản lượng lại tăng dần trở lại đạt 2,3 triệu tấn năm 2002. Một số khu vực khác như trung-đông Ðại Tây Dương và tây-nam Ðại Tây Dương cũng giảm sản lượng của một số loài như cá tuyết và mực ống của áchentina đã gây tác động đến sự sụt giảm sản lượng chung của khu vực [3].

Khu vực miền tây và đông ấn Ðộ Dương, do điều kiện khó khăn, hệ thống thông tin nghèo nàn nên khó thu thập được số liệu sản lượng của các loài ở khu vực này. Số liệu thống kê khiếm khuyết này chiếm tỷ trọng cao trong sản lượng khai thác, đây là nhóm loài không được phân loại, có nghĩa là không thể nhận biết được loài, giống hay họ. Vì vậy, số liệu các loài nêu ra ở khu vực này chỉ là những nhóm loài chung, không đồng nhất [3].

Sản lượng ở miền đông ấn Ðộ Dương tăng ổn định từ năm 1950, tăng nhanh từ đầu những năm 70 với 4 triệu tấn năm 1993 và lên 5,1 triệu tấn năm 2002. Sản lượng của nhóm đa loài chiếm 44% sản lượng khai thác của khu vực (ISSCAAP, nhóm 39 nhóm loài không phân loại). Các loài cá nổi pha tạp (ISSCAAP, nhóm 37) là nhóm đứng thứ 2 chiếm 10,4% sản lượng và nhóm cá ven bờ pha tạp (ISSCAAP, nhóm 33) là nhóm thứ 3 chiếm 10%, nhóm cá ngừ, cá cờ (ISSCAAP, nhóm 36) chiếm 8,7% và nhóm cá trích, cá xác đin, cá trỏng (ISSCAAP, nhóm 35) chiếm 7,9%. [3].

Trong thập kỷ 60, sản lượng ở miền tây ấn Ðộ Dương trung bình hằng năm là 1 triệu tấn. Sản lượng ở khu vực này tăng đạt 2,6 triệu tấn trung bình hằng năm trong thập kỷ 80 và đạt đỉnh cao 4,2 triệu tấn năm 2002. Tổng cộng có 153 nhóm loài ở khu vực này, trong đó có 21 nhóm loài chiếm 80% tổng sản lượng khai thác của khu vực. Các nhóm loài có sản lượng cao nhất ở khu vực này không được phân loại, chiếm 16,5% tổng sản lượng khai thác của khu vực. Cá ngừ vằn là loài có sản lượng cao nhất chiếm 9,3% tổng sản lượng. Theo sau là cá trích dầu ấn Ðộ (Sardinella longiceps) chiếm 9,2%. Ngoài ra còn có rất nhiều nhóm loài khác [3].

Nguồn www.fistenet.gov.vn/print_preview.asp?News_ID=23144622