Thanh Hóa có bờ biển và vùng lãnh hải dài rộng, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ. Nhưng, nhiều người dân ven biển đang được hưởng nguồn lợi từ biển lại cũng đang ngày ngày “góp phần” hủy diệt và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển.

Tỉnh hiện có 6 huyện, thị ven biển với 47 xã có biển. Các hoạt động làm muối, phát triển du lịch biển, nuôi trồng và khai thác hải sản... đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Ngày 24-8-1999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 08 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Năm 2008, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt 63.150 tấn, trong đó 3.020 tấn tôm, 49.390 tấn cá, 7.120 tấn mực, còn lại là các loại hải sản khác; giá trị sản xuất thủy sản (tính theo giá cố định năm 1994), trong đó chủ yếu là hải sản đạt 850 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 36,18 triệu USD.

Nhưng, nhiều người dân ven biển đang được hưởng nguồn lợi từ biển lại cũng đang ngày ngày “góp phần” hủy diệt và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Ven bờ đê biển các xã Minh Lộc, Ngư Lộc (Hậu Lộc), bãi rác được tập kết dài hàng cây số. Tất cả những gì sú uế thải ra từ cuộc sống, đến những xác động vật chết... đều được bà con “tập kết” phía ngoài đê. Không những trên bờ, rác còn trôi lềnh bềnh trên mặt biển với màu nước đen kịt. Cách đây không lâu, chúng tôi còn chứng kiến ở một số xã ven biển những người phụ nữ thu gom rác trong khu dân cư với những xe rác đầy ụ nhưng lại... mang ra biển để đổ(?!). Đầu năm 2008, nhiều gia đình nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc) đã khuynh gia bại sản do ngao chết hàng loạt, tổng thiệt hại toàn xã lên đến hàng tỷ đồng, nguyên nhân là nguồn nước ven bờ bị ô nhiễm. Không dừng lại ở đó, hiện tượng khai thác hải sản bằng xung điện, thuốc nổ, nhiều loại mắt lưới không đủ tiêu chuẩn... vẫn diễn ra một cách cố tình, làm hủy hoại tài nguyên biển.

Lê Đồng
Theo www.monre.gov.vn