Hoạt động đánh giá nguồn lợi và nghề khai thác ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang được thực hiện trên cơ sở biên bản ghi nhớ giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, WWF Việt Nam, Câu lạc bộ ghẹ VASEP và Viện Nghiên cứu Hải sản. Mục tiêu của hoạt động được xác định là “Duy trì trữ lượng ghẹ xanh bền vững về mặt sinh thái”, là một trong chuỗi các mục tiêu của dự án cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh vì mục tiêu lâu dài là phát triển bền vững nghề khai thác ghẹ xanh dựa theo các tiêu chuẩn của chứng nhận sinh thái(MSC).
      Trong năm 2013, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với các bên liên quan triển khai các nội dung nghiên cứu và thu được một số kết quả sơ bộ như sau:
      Ghẹ xanh bắt đầu thành thục sinh dục khi độ rộng mai đạt 86mm và 50% số cá thểlần đầu tham gia sinh sản ở kích thước 99,3 mm. Mùa sinh sản chính của ghẹ xanh kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 với đỉnh sinh sản ở tháng 3. Mùa sinh sản phụ ở tháng 8 và tháng 10-11. Trong mùa sinh sản phụ, ghẹ xanh sinh sản từng phần của buồng trứng, thời gian sinh sản kéo dài và diễn ra rải rác. Tỉ lệ ghẹ cái trong quần thể luôn thấp hơn so với ghẹ đực. Trong năm, tỉ lệ ghẹ cái chiếm ưu thế so với ghẹ đực khi kết thúc mùa sinh sản.
 
    Nghề lú, một trong những loại bẫy được sử dụng để khai thác ghẹ xanh là loại nghề khai thác có tính xâm hại nguồn lợi cao. Kết quả đánh giá nguồn lợi năm 2013 cho thấy, sản lượng khai thác ghẹ xanh bằng nghề lú chủ yếu là ghẹ con, kích thước khai thác trung bình nhỏ hơn kích thước lần đầu sinh sản và nhỏ hơn kích thước khai thác cho phép theo thông tư 02/2006/TT-BTS ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản và thông tư 62/2008/TT-BNN ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
     Nghề lưới rê đáy là ngư cụ khai thác chính đối với ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang. Sản lượng ghẹ xanh khai thác bằng lưới rê chủ yếu đạt kích cỡ cho phép. Tuy nhiên, sản phẩm đánh bắt không chủ ý của nghề lưới rất phong phú, với 87 loài đã bắt gặp trong sản lượng khai thác, gồm nhiều đối tượng khác nhau như cá nhám, cá đuối, ốc, tôm tít, tôm vỗ và nhiều loài cua ghẹ khác. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, mặc dù sự xâm hại nguồn lợi ghẹ xanh của nghề lưới rê đáy chưa cao nhưng tác động về sinh thái là khá lớn.
    
    Tổng sản lượng ghẹ xanh khai thác ở vùng biển Kiên Giang trong năm 2013 đạt 7,8 ngàn tấn trong đó sản lượng khai thác bằng nghề lưới rê chiếm 53,4% và sản lượng khai thác bằng nghề bẫy chiếm 46,6%. So với kết quả đánh giá sơ bộ nghề khai thác ghẹ xanh năm 2009 thì sản lượng ghẹ xanh khai thác năm 2013 đã giảm khoảng 30%. Năng suất khai thác ghẹ xanh giảm, chủ yếu dao động trong khoảng 30 kg/ngày; 0,3-0,5 kg/cheo lưới; 4-7 kg/100 bẫy. Kết quả đánh giá nguồn lợi bằng các mô hình động lực học quần thể cho thấy nguồn lợi ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang đang bị khai thác quá mức (hệ số khai thác E>0,5; F2013>FmaxvàF0,1<F2013 ). Để quản lý nghề khai thác ghẹ xanh theo hướng bền vững trước áp lực của hoạt động khai thác thì việc giảm cường lực khai thác là cần thiết.
 
    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá năm 2013 nhóm nghiên cứu đưa ra một sốđề xuất nhằm giảm cường lực khai thác vì mục tiêu phục hồi nguồn lợi như sau:
1.      Giảm cường lực khai thác khoảng 20% để duy trì ở trạng thái cân bằng giữa trữ lượng và cường lực khai thác;
2.      Sản lượng khai thác ghẹ xanh nên duy trì ở ngưỡng 7,1 ngàn tấn/năm;
3.      Hạn chế khai thác ở một số tháng trong mùa sinh sản;
4.      Hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện khai thác bằng nghề bẫy;
5.      Nghiên cứu kích thước mắt lưới bao phù hợp đối với nghề bẫy để giảm thiểu sự xâm hại nguồn lợi của loại ngư cụ này.
 
Vũ Việt Hà