Các nhà khoa học thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Trung, Vũ Hán, Trung Quốc, vừa nghiên cứu thành công một chất xúc tác làm từ vỏ tôm, có thể giúp quá trình sản xuất diesel sinh học diễn ra nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Quy trình sản xuất diesel sinh học cần sử dụng một số chất xúc tác nhằm đẩy nhanh tốc độ các phản ứng chuyển hóa đậu nành, cải dầu và các loại cây có dầu khác trở thành diesel.

Các chất xúc tác phổ biến hiện nay đều không thể tái sử dụng, hơn nữa lại cần trung hòa bằng một lượng nước lớn nên để lại hậu quả là nguồn nước thải ô nhiễm.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Nông nghiệp Hoa Trung, Vũ Hán đã nghiên cứu thành công một chất xúc tác làm từ vỏ tôm, có thể giúp quá trình sản xuất diesel sinh học diễn ra nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Vỏ tôm được nung trong nhiều giờ để biến thành một dạng vật liệu khung có độ xốp cao. Trên bề mặt này, người ta phủ một lớp clorua kali.

Thí nghiệm cho thấy, chất xúc tác rẻ tiền từ vỏ tôm giúp chuyển hóa dầu hạt cải thành diesel sinh học nhanh hơn và hiệu quả hơn một số loại chất xúc tác truyền thống. Sau ba giờ, tỷ lệ chuyển hóa đạt 89 phần trăm.

Chất xúc tác từ vỏ tôm có thể sử dụng lại, đồng thời việc sản xuất không tạo ra nhiều phế thải và chất gây ô nhiễm

Hương Thủy (Theo Live Science, www.vfej.vn)