Có lẽ chuyện chất lượng nước sông Đồng Nai đang bị suy giảm nghiêm trọng không phải là chuyện mới. Trước đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực đã phải tổ chức họp với lãnh đạo 12 tỉnh thành có liên quan đến sông Đồng Nai nhằm tìm ra giải pháp cứu con sông này. Tại cuộc họp, nhiều tỉnh thành đã thể hiện quyết tâm tăng cường công tác hậu kiểm nhằm chấm dứt tình trạng xả thải chưa qua xử lý của các doanh nghiệp. Thế nhưng cho đến nay, lời hứa về một quyết tâm làm sạch sông Đồng Nai dường như đang bị lãng quên...

  • Nguồn nước từ thượng đến hạ đang... chết

Hệ thống sông Đồng Nai bao gồm các sông chính như lưu vực sông Đa Dung – Đa Nhim – Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ và hạ lưu sông Đồng Nai, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu cho 12 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An).

Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, tại một số đoạn sông, hồ như thác Cam Ly và nhất là hồ Trị An phía thượng nguồn, nồng độ ôxy hòa tan (DO) trong nước tụt giảm đến mức kỷ lục và kéo dài suốt một đoạn dài gần 10 km từ sau cầu La Ngà, kèm theo các mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mặt hồ. Còn theo ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai, tình trạng suy thoái nguồn nước còn nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh nguồn nước tại các trạm Phú Cường, Bình Phước và Phú An thuộc khu vực TPHCM liên tục gia tăng, ô nhiễm vi sinh vượt tiêu chuẩn cho phép đến 168 lần, không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt dùng làm nguồn nước cấp sinh hoạt. Cá biệt, tại lưu vực sông Thị Vải có một đoạn sông dài gần 10km đã chết. Nước bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, nước màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả thời gian thủy triều lên và xuống. Giá trị DO thường xuyên dưới 0,5mg/l – mức mà không còn loài sinh vật nào có khả năng sinh sống. Ô nhiễm vi sinh thì vượt tiêu chuẩn cho phép lên đến hàng trăm lần. Đáng ngại nhất là tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân, thì hàm lượng thủy ngân vượt 1,5 – 4 lần, kẽm vượt 3-5 lần so với tiêu chuẩn quy định.

  • Cha chung không ai khóc

Lý giải thực trạng này, ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường bức xúc: Nguyên nhân chính chủ yếu vẫn là do các khu công nghiệp đang hoạt động tại 12 tỉnh thành vẫn chưa xử lý nước thải trước khi xả ra sông hoặc có xử lý nhưng chất lượng nước sau xử lý không đạt yêu cầu. Hiện vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có gần 70 KCN và KCX đang hoạt động. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 15 khu, Đồng Nai 16 khu (trong số 23 KCN được quy hoạch), Bình Dương 16 khu (trong số 25 khu đã được quy hoạch), Bà Rịa – Vũng Tàu 8 khu, Long An 3 khu (trong số 22 KCN được quy hoạch), Bình Phước 3 khu, Tây Ninh 1 khu... Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn nước sinh hoạt khác không qua xử lý vẫn thải thẳng ra sông.

Tiến sĩ Lâm Minh Triết cảnh báo, tốc độ gia tăng ô nhiễm trong 5 năm lại đây tăng lên rất nhanh. Hiện bình quân hệ thống sông Đồng Nai tiếp nhận khoảng 111.600m3 nước thải công nghiệp/ngày, trong đó chứa hàng chục tấn hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, quy mô và nhịp độ phát triển công nghiệp trên lưu vực này tiếp tục tăng trưởng trên 15%/năm. Các chuyên gia môi trường cho biết thêm, nếu không có ngay các hành động để bảo vệ môi trường thì đến năm 2010, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt (trong đó có khoảng 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD, 59 tấn nitơ tổng, 15 tấn phospho tổng, 243 tấn dầu mỡ phi khoáng và nhiều vi trùng gây bệnh) và khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp (trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, 493 tấn COD, 89 tấn nitơ tổng, 12 tấn phospho và nhiều kim loại nặng...).

Các con số này chưa tính đến khả năng “đóng góp” ô nhiễm của hàng vạn cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang tồn tại bên ngoài các khu công nghiệp tập trung. Đáng lo ngại nhất là ngoài những chất thải đã phát hiện còn xuất hiện thêm nhiều chất thải độc hại khác mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đủ phương tiện máy móc để phát hiện. Cuộc sống của hơn 15 triệu người ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng. Và chắc chắn lợi nhuận thu được hoạt động kinh tế sẽ không thể đủ để bù đắp cho chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường!

  • Chú trọng hậu kiểm nhưng khó thực hiện

Đó đang là thực tế của công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định về môi trường đang tồn tại ở hầu khắp tỉnh thành. Bà Nguyễn Thị Dụ, chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, mức phạt vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường (cao nhất là 70 triệu) quá thấp vẫn luôn là kẻ hở để doanh nghiệp tiếp tục cố tình không chấp hành. Mặt khác, cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các tỉnh thành rất khó thực hiện. Lợi dụng thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp đóng tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh liên tục vi phạm quy định về xả thải.
 
Riêng tại TPHCM, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trong khi chờ đề án “Bảo vệ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai” được thông qua, bản thân TPHCM đã chủ động phối hợp với các tỉnh kế cận như Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai - là những địa phương có số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dân cư nằm dọc theo lưu vực các sông lớn nhất để ngăn chặn và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở sông Sài Gòn trước. TPHCM đã mạnh dạn đóng cửa sản xuất hơn 100 doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng, đã bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần do vi phạm quy định về xả thải. Tuy nhiên, để có thể cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại thì có lẽ con số doanh nghiệp sản xuất bị đóng cửa do không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường cần phải được tăng theo cấp số nhân và không chỉ có riêng TPHCM thực hiện mà đòi hỏi nhiều tỉnh thành khác cũng phải triệt để thực hiện.

ÁI VÂN

Giải pháp tổng thể nhằm cứu lấy sông Đồng Nai đã được cụ thể hóa bằng đề án “Bảo vệ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai”. Theo đó, xây dựng một loạt hệ thống quan trắc chất lượng nước; tiến hành các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp xử lý ô nhiễm; bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng lộ trình buộc các doanh nghiệp trong khu vực không được xả nước thải công nghiệp chưa được xử lý ra sông… Kế hoạch thực hiện từ nay đến 2010 là tăng cường năng lực quản lý, cải thiện, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo 100% KCN-KCX có trạm xử lý nước thải tập trung; đến 2015 giải quyết trên 90% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn của tất cả các tỉnh, ít nhất 60% các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt (không cho xả bỏ xuống sông), xử lý 100% chất thải nguy hại; đến năm 2020 giải quyết xong 95% cơ sở sản xuất ô nhiễm, 70% khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải, thu gom 95% chất thải rắn sinh hoạt, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của từng tỉnh thành, các giai đoạn thực hiện, các biện pháp áp dụng được nêu rõ nhưng cho đến nay đề án này vẫn đang… chờ phê duyệt

SGGP:: Cập nhật ngày 07/06/2007, www.nea.gov.vn