Từ chương trình thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo và nuôi tu hài thương phẩm của Hợp phần Su ma tại Vân Đồn thành công năm 2004. Đến nay, nghề nuôi loài nhuyễn thể giàu dinh dưỡng này đã trở thành phong trào rộng khắp trên nhiều xã tuyến đảo và ven biển của tỉnh Quảng Ninh.

Hầu như các hộ dân đã qua tập huấn kỹ thuật của ngành thuỷ sản đều nuôi đạt hiệu quả. Song vẫn còn không ít một số người chưa có kinh nghiệm, nên đầu tư nuôi với số tiền khá lớn song vẫn thất bại và có nguy cơ tái nghèo. Để giúp bà con có kiến thức cơ bản trong nghề nuôi tu hài, chúng tôi tìm hiểu những kinh nghiệm tốt ở một số vùng nuôi tập trung, đã khẳng định được lợi ích kinh tế qua việc nuôi loài nhuyễn thể này.

Chọn con giống tu hài cấp hai ở trung tâm nhân giống Bản Sen, Vân Đồn (Quảng Ninh).

Hiện nay trên các bãi triều cát ven biển và trên đảo từ TP Hạ Long kéo dài đến huyện Hải Hà (7 địa phương) đều có thể nuôi tu hài thương phẩm. Riêng vùng vịnh Bái Tử Long của huyện Vân Đồn đã có trên 300 hộ dân và 18 doanh nghiệp nuôi tu hài trên diện tích gần 400 ha mặt nước, bãi triều. Tu hài là loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, sống vùi mình dưới lớp cát dày từ 35 đến 40 cm trở lên. Đây là loại cát không pha bùn, có nhiều mảnh vụn của vỏ nhuyễn thể, san hô. Thức ăn của tu hài là các loài tảo, phù du sinh vật có trong nước biển. Quá trình hút nước và lọc thức ăn rồi phun nước ra ngoài của tu hài có tác dụng làm sạch môi trường nước biển. Do vậy đây là đối tượng nuôi rất thân thiện với môi trường. Tu hài nuôi không phải cho ăn, nhìn chung đầu tư thấp (nhất là nuôi ở bãi) và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, thời gian nuôi tu hài từ con giống cấp hai đạt đến thương phẩm (0,6 đến 0,7 lạng/con) phải mất từ 14 đến 15 tháng. Do thời gian kéo dài, để đạt hiệu quả cao, các hộ tham gia nuôi trồng cần xác định rõ phải nắm chắc khâu kỹ thuật, từ chọn vị trí nuôi, làm bãi hoặc nuôi lồng, lựa chọn con giống hiệu quả và tránh rủi ro khi gặp thiên tai bão tố. Có những công ty qua 6 năm nuôi thử nghiệm dưới hai hình thức thả bãi và nuôi lồng, đã tìm ra quy trình ổn định để sản xuất hàng loạt tu hài thương phẩm trên diện tích 60 ha mặt nước, bãi triều. Hiện nay doanh nghiệp này đã có 6 triệu con dưới bãi triều ven biển, mỗi ngày xuất bán được từ 3 tạ đến 1 tấn tu hài thương phẩm (từ 0,7 đến 0,8 lạng/con). Vị trí nuôi phù hợp đã quyết định đến năng suất, chất lượng tu hài, đó là vùng nuôi kín gió, giàu phù du sinh vật, nước biển trong sạch không bị ô nhiễm, nước lưu thông, không bị “pha ngọt” khi mưa bão; chất đáy của vùng nuôi, tốt nhất là cát sỏi và các mảnh nhuyễn thể san hô chiếm ưu thế. Độ mặn nước biển từ 28 đến 33 (phần nghìn) và độ pH 7,5 đến 8,5. Độ trong của nước từ 1,5 đến 2 m. Vùng nuôi cần có những thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ tu hài. Trong nuôi bãi, công tác chuẩn bị cần: Dọn bãi, tấm che bao bờ, phun cát, lưới phủ mặt bãi; sau đó đặt mật độ con giống trên diện tích bãi. Thông thường các bãi triều đều có đá và san hô nên phải tạo mặt bằng bãi nuôi. Tuỳ thế bãi, có thể xếp đá hay tốt nhất đổ tấm đan bê tông để chắn cát cho bằng phẳng. Bờ bao hướng ra phía nhiều gió và sóng táp để tránh hiện tượng nước biển làm xô cát hoặc lồng nuôi. Tấm che bao bờ thường làm bằng bê tông hoặc dùng gỗ tạp có kích thước (120 x 40 x 5) cm. Khi phun cát phủ mặt bãi, cần đảm bảo độ dày từ 35 đến 40 cm. Mỗi bãi nuôi có diện tích ít nhất là 100 m2, nhiều nhất 500 m2 và cần làm đường rãnh thoát nước để tránh trường hợp khi thuỷ triều kiệt làm phơi bãi, gặp mưa lâu, tu hài dễ bị chết. Thường mặt bãi nghiêng từ 3 đến 5 độ. Độ ngập nước và phơi bãi tốt nhất là 20 cm so với mức thuỷ triều kiệt. Có hai cách gieo tu hài giống xuống bãi, nếu nước kiệt thì dùng cây nhọn đường kính bằng con giống rồi chọc lỗ, thả giống, mật độ (10 x 10) cm. Nếu nước thuỷ triều xấp xỉ mặt bãi, thì dùng tay vãi đều con giống, đảm bảo mật độ như cấy tu hài như trên, sau 10 phút con giống sẽ tự vùi mình xuống cát để làm nơi ở cố định. (Cần chú ý, bãi không phù hợp, có thể tu hài “bật, bay” đến nơi khác).

Nuôi lồng đầu tư lớn hơn nhiều lần, do tốn tiền làm bè bằng luồng và mua lồng nhựa. Thường lồng nuôi tốt nhất có kích thước (60 x 40 x 40) cm, thành lồng có lỗ thông thoáng và đáy lồng phải lót lưới mặt dày, để không lọt cát trước khi đổ cát vào. Độ dày của cát trong lồng từ 35 đến 40 cm. Thường mỗi lồng, nuôi 50 con giống, phía trên mặt lồng phủ lưới để tránh địch hại. Các lồng cách nhau 0,2 m. Do lợi nhuận cao, nên một số nơi bán con giống không đảm bảo chất lượng; đồng thời có những cơ sở nhân giống không tuyển chọn giống bố mẹ tu hài kỹ, lại cho ép đẻ nhiều lần, dẫn đến hàng loạt con giống kém chất lượng, hoặc không phù hợp với vùng nuôi, đặc biệt là con giống có nguồn gốc từ Trung Quốc, dễ bị chết, hay không lớn được.

Để phát triển bền vững các loài nhuyễn thể trên vùng biển Quảng Ninh, trong đó đặc biệt là con tu hài, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh xây dựng các trung tâm sản xuất giống nhằm đảm bảo chất lượng, phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh duyên hải phía Bắc. Đó là những tín hiệu tích cực để nghề nuôi trồng tu hài của tỉnh Quảng Ninh phát triển trên diện rộng, tạo nên thế mạnh kinh tế xứng với tiềm năng dồi dào của vùng biển Quảng Ninh.

Trọng Khang

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh