Phát triển kinh tế thủy sản đang gây ô nhiễm môi trường biển, làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng tại một số khu du lịch sinh thái biển. Trong khi đó, có nơi bãi biển lại trở thành nơi "giải quyết nỗi buồn".

Xả nước thải ra biển

Do thiếu quy hoạch, các doanh nghiệp, cá nhân ở khu du lịch huyện đảo Cát Bà-Hải Phòng đua nhau ra biển quây lồng nuôi cá, đã dẫn đến việc cán bộ quản lý hết sức khó khăn, đặc biệt về lĩnh vực môi trường. Mặc dù chưa có được số liệu quan trắc cụ thể nhưng, chỉ bằng cảm quan, cũng thấy ô nhiễm môi trường biển ở đây đang diễn biến hết sức phức tạp.

Cuối năm 2008 chúng tôi có chuyến ra thăm đảo, tận mắt chứng kiến, mỗi ngày ở những ô lồng nuôi cá giò, người nuôi đã đưa xuống vịnh Bến Bèo một lượng thức ăn nuôi cá gồm hàng chục tấn các loại.

Cá ăn không hết, thức ăn hoặc lọt qua lưới xuống đáy biển, trôi khắp khu vực biển gần đó. Đã vậy, mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Các loại cá sống, cá chết đựơc băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi…Tất cả đều tống xuống hàng chục nghìn ô lồng.

Cùng với nghề nuôi, việc khai thác hải sản thiếu khoa học cũng như sự quá tải các phương tiện tàu thuyền hoạt động trong vùng biển cũng là những tác nhân khiến vùng biển Cát Bà không còn trong xanh, thơ mộng, hữu tình như cách đây mấy năm về trước.

Ngư dân ở khu vực vịnh Bến Bèo cho biết, mùa sứa năm 2008, mỗi ngày có đến hàng trăm tàu thuyền ra vào cung ứng sứa nguyên liệu cho xưởng chế biến trên đảo.

Đáng nói, trong quá trình sản xuất, xưởng chế biến sứa này đã thải toàn bộ lượng nước thải, bao gồm cả hóa chất, phèn chua muối sứa xuống biển. Nghiêm trọng hơn, trong khi chế biến, sứa chỉ được cắt lấy đầu.

Còn phần thân, công nhân quăng luôn xuống biển, khiến vùng biển Cát Bà, nhất là khu vực Bến Bèo nước chuyển màu đen đục, bốc mùi hôi rất khó chịu...ảnh hưởng không nhỏ đến quần thể du lịch vùng biển Cát Bà.

Bờ biển thành nơi “giải quyết nỗi buồn”

Một trong số nhiều địa phương ven biển cũng có tình trạng tương tự là Phú Yên. Phú Yên có gần 19.000 hộ dân ven biển nhưng chỉ khoảng 10% có nhà vệ sinh. Hầu hết dân đều sử dụng bờ biển làm nơi phóng uế.

Bên cạnh đó, tại các khu dân cư tập trung như Từ Nham, Vịnh Hòa, Bãi Ngà, Hội Sơn, Nhơn Hội, Long Thuỷ... dọc theo bờ biển có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá mú, ốc hương.

Thức ăn để nuôi sống thủy sản chủ yếu là thức ăn sống. Những thức ăn này được đổ trực tiếp xuống biển và ít nhất 15% lượng thức ăn dư thừa là một tác nhân nguy hiểm gây ô nhiễm.

Đầu năm 2008, vùng nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu, nơi được coi là “vương quốc” của nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã xảy ra dịch bệnh làm chết gần 85.000 con tôm hùm, gây thiệt hại khoảng 33 tỷ đồng. Đó là một minh chứng mà người nuôi phải trả giá cho sự coi thường môi trường, chỉ chạy theo những lợi ích kinh tế trước mắt.

Bên cạnh đó, ô nhiễm từ chế biến thủy sản đã góp phần không nhỏ trong việc làm ô nhiễm môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu long.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Xử lý chất thải công nghiệp và tư vấn môi trường Văn Lang thì, chỉ có hơn 100 trên tổng số 400 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, trong đó chỉ khoảng 50 cơ sở có hệ thống xử lý đạt yêu cầu.

Do đó, hàng năm môi trường phải tiếp nhận một lượng rất lớn chất thải chưa qua xử lý từ các cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản. Giáo sư Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và Công nghệ Môi trường, cho biết số liệu quan trắc tại sông Tiền đoạn thuộc địa phận tỉnh An Giang cho thấy, hàm lượng BOD đã ở mức 5 miligam/lít, SS là 400 miligam/lít...

Môi trường nước ở vùng ngọt hóa hiện đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Còn ở vùng mặn, hàm lượng sắt trong nước tăng cao, ảnh hưởng ngược lại việc nuôi thủy sản…

Nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng ô nhiễm là thức chấp hành kỷ luật của các cá nhân, tổ chức làm kinh tế thủy sản ở biển còn kém. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch biển cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương cũng còn thiếu về số lượng và kém về chất lượng. Quy hoạch hạn chế còn do mâu thuẫn lợi ích đa ngành trong một vùng biển quy hoạch.

Cần có sự đồng thuận trong cách quản lý

Để bảo vệ môi trường biển nói chung và một số địa điểm có tên trên nói riêng, trước hết, các cơ quan, ban, ngành, cụ thể là Bộ Tài nguyên&Môi trường và Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn cần thống nhất để có được sự đồng thuận trong cách quản lý, những chế tài giữa nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.

Theo đó, cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, khoanh vùng nuôi riêng và vùng phát triển du lịch riêng vì hai vùng sẽ bổ trợ cho nhau. Cách nuôi thủy sản biển cũng nên được quản lý chặt chẽ từ việc sử dụng loại thức ăn gì đến sử dụng lượng thức ăn bao nhiêu cho vừa. Đồng thời, các nhà chuyên môn của hai bộ, ngành nên đánh giá tác động môi trường từ nghề nuôi cá lồng bè một cách chính xác, từ đó tìm ra giải pháp phát triển hợp lý để bảo vệ môi trường tại các vùng biển tốt hơn.

Nước ta có trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ chủ yếu nằm ở vùng nước nông ven bờ và trên 3.640 km đường bờ biển và bờ đảo khúc khuỷu tạo nên các sinh cảnh đa dạng dọc theo các tuyến đảo - vũng - vịnh nhỏ, đó là chưa kể tiềm năng nuôi biển ở vùng cửa sông, với khoảng 112 cửa sông đổ trực tiếp ra biển đông và một hệ thống gồm 12 đầm phá lớn nhỏ khác rất thích hợp phát triển nuôi biển.

Việt Anh (Nguồn www.vfej.vn)