1. MỞ ĐẦU

Thời gian qua, cùng với sự tăng trưởng nhanh của hoạt động sản xuất thuỷ sản trên các lĩnh vực, nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy thoái nguồn lợi đã phát sinh và ngày càng trở nên gay gắt. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hàng hoá thuỷ sản và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Nhà nước và ngành Thuỷ sản quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thuỷ sản. Từ năm 2006, Bộ Thuỷ sản đã giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì nhiệm vụ: Triển khai thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản.

2. MỤC TIÊU CỦA NHIỆM VỤ

+ Mục tiêu lâu dài: Thực hiện quản lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản, đảm bảo phát triển bền vững ngành chế biến thuỷ sản.

+ Mục tiêu trước mắt (2006 – 2007):

- Đánh giá hiện trạng quản lý bảo vệ môi trường và việc xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực Chế biến Thuỷ sản (CBTS) theo tinh thần Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, lập danh mục phân loại các cơ sở chế biến thuỷ sản gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đề xuất hướng xử lý trình Bộ Thuỷ sản.

- Thử nghiệm áp dụng một số mô hình sản xuất sạch hơn, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm ở một số doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ xử lý các cơ sở CBTS gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Chính phủ.

3. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH ĐÃ THỰC HIỆN

Để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, trong năm 2006, các cán bộ khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường biển, phòng Công nghệ Sau thu hoạch của Viện Nghiên cứu Hải sản đã triển khai những nội dung sau:

-    Lập và gửi tới các địa phương và cơ sở CBTS bộ phiếu điều tra, phỏng vấn, thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng ô nhiễm môi trường và việc triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm theo tinh thần Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đối với lĩnh vực CBTS trong phạm vi cả nước.

-  Trong thời gian, tháng 7 - 10/2006; đã thành lập các đoàn công tác tới 33 địa phương và 57 cơ sở CBTS để điều tra, phỏng vấn về hiện trạng ô nhiễm môi trường và việc triển khai thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương và cơ sở; đã thu thập được 150 phiếu điều tra (các loại), thu và phân tích mẫu môi trường (trước và sau xử lý) của 46 nhà máy CBTS. 

-  Phối kết hợp với các sở Thuỷ sản, Tài nguyên & Môi trường địa phương, tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động CBTS; tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của cơ sở CBTS và các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT); triển khai các giải pháp giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường đối với hoạt động CBTS.

Th«ng tin - ho¹t ®éng

Qua đó, hiện trạng ô nhiễm, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực CBTS và việc thực hiện xử lý ô nhiễm tại các cơ sở CBTS và các địa phương được sơ bộ đánh giá như sau:

1.  Công tác BVMT nói chung và trong lĩnh vực CBTS đã được các ngành các cấp đặc biệt quan tâm. Hầu hết ở các địa phương, dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì cùng với các ban ngành chức năng tại địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, giám sát và tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở CBTS đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm, quản lý BVMT trong quá trình sản xuất kinh doanh.

2.  Đối với 35 cơ sở CBTS thuộc danh mục Qđịnh 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các cơ quan Quản lý Nhà nước (QLNN) ở địa phương và doanh nghiệp  đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý, giảm thiểu ô nhiễm. Kết quả xử lý theo kế hoạch cho đến nay là:

+ Giai đoạn 2003 – 2005:  có 5 cơ sở phải xử lý bằng các hình thức; trong đó:

-    Xí nghiệp Chế biến thuỷ sản F86 (Thành phố Đà Nẵng) : đã đóng cửa, ngừng sản xuất (từ 2004).

-    Xí nghiệp Chế biến Hải sản xuất khẩu II (TP Vũng Tàu) : đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH); đồng thời hạn chế sản xuất trong khi chờ di chuyển đến Khu Công nghiệp (KCN) Gò Găng, Thành phố Vũng Tàu (vào năm 2010).

-    Xí nghiệp chế biến nước mắm Phan Thiết (nay là Công ty Cổ phần nước mắm Phan Thiết): đã di dời đến khu quy hoạch chế biến nước mắm Phú Hài từ 2001. Hiện tại Công ty đã lập Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng SXSH...

-    Xí nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu Quốc Việt (tỉnh Cà Mau): Hiện nay, cơ sở sản xuất cũ không chế biến vỏ đầu tôm nữa, đã có mặt bằng sản xuất ở địa điểm mới, đã làm báo cáo đánh giá tác động môi trường và áp dụng các giải pháp SXSH.

-    Xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Phú Cường (tỉnh Cà Mau): Hiện tại xí nghiệp đang sản xuất hạn chế, chờ di dời, nhưng chưa có mặt bằng mới để di chuyển....

+ Giai đoạn 2003 – 2007:  có 30 cơ sở thuộc danh mục; kết quả xử lý như sau:

- Có 07 cơ sở đã xử lý triệt để ô nhiễm môi trường (ONMT), được Bộ Tài nguyên & Môi trường ra quyết định rút ra khỏi danh sách cần xử lý theo quyết định 64/2003/QĐ-TTg.

- Có 12 cơ sở đã hoàn thành việc xử lý (di chuyển địa điểm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT)), đạt các tiêu chuẩn môi trường nhưng chưa hoặc đang làm thủ tục ra khỏi danh mục Quyết định 64/2003/QĐ-TTg.

-    Có 01 cơ sở đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT nhưng chưa đạt tiêu chuẩn môi trường .

-    Có 04 cơ sở đóng cửa (ngừng sản xuất với nhiều nguyên nhân); sản xuất không ổn định hoặc chuyển đổi sở hữu, thay đổi sản phẩm nên chưa có hệ thống XLNT.

-   

Th«ng tin - ho¹t ®éng

Số còn lại, 06 cơ sở đang lập dự án xây dựng hệ thống XLNT, thiếu vốn đầu tư hoặc đang chờ quy hoạch của địa phương để di dời nên chưa có hệ thống XLNT.

 Như vậy, cho tới thời điểm tháng 11 năm 2006 việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường với các hình thức tại 35 cơ sở CBTS, đã thực hiện được 74% kế hoạch (26/35 cơ sở); còn lại do nhiều nguyên nhân, (9/35 cơ sở) sẽ hoàn thành việc xử lý từ 2007 – 2010.

3. Đồng thời, được sự hỗ trợ của ngành Thuỷ sản (dự án SEAQIP, VASEP...) và các địa phương, thời gian qua bằng các chương trình truyền thông, tư vấn, đào tạo, tập huấn kỹ thuật... về quản lý môi trường, công tác xử lý ô nhiễm, quản lý bảo vệ môi trường tại các cơ sở CBTS đã có những chuyển biến rõ rệt. Đã có nhiều cơ sở CBTS (trong và ngoài danh mục QĐ 64/CP-TTg) được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp hệ thống XLNT đạt tiêu chuẩn môi trường. Nhiều cơ sở chế biến hàng khô, bột cá đã đầu tư đổi mới công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm khí thải... Hầu hết, các cơ sở CBTS đã áp dụng các giải pháp phòng ngừa giảm thiểu ô nhiễm, 75% các doanh nghiệp đã xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, phân công cán bộ phụ trách quản lý môi trường...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề  ONMT và công tác quản lý BVMT lĩnh vực CBTS hiện nay còn nhiều khó khăn, phức tạp vì những nguyên nhân sau:

+ Đối với các doanh nghiệp:

- Do tình hình sản xuất của cơ sở không ổn định (thiếu nguyên liệu, thị trường...), không có vốn đầu tư cho vấn đề xử lý ONMT, hoặc đã xây dựng hệ thống XLNT nhưng không duy trì hoạt động vì chi phí cao....

- Do đa số các cơ sở phát sinh ô nhiễm đã hoạt động từ trước năm 2000 (xa khu dân cư), do phát triển đô thị nên hiện nay những cơ sở này thuộc diện di dời nhưng chưa có mặt bằng. Một số doanh nghiệp khác đã vào KCN, có quy hoạch nhưng cơ sở hạ tầng của KCN không đồng bộ, thiếu sự quản lý thống nhất do vậy cơ sở không yên tâm đầu tư xây dựng hệ thống XLNT.

- Mặt khác, nhiều doanh nghiệp CBTS đang trong giai đoạn chuyển đổi, thay đổi sở hữu (từ Doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần, Công ty TNHH... hoặc sát nhập, giải thể...), chưa ổn định sản xuất kinh doanh nên chưa quan tâm đến việc xử lý ONMT.

+ Đối với các cơ quan Quản lý Nhà nước về Môi trường và Thuỷ sản ở địa phương:

- Tình trạng chung ở các địa phương là năng lực quản lý: chưa xây dựng được các bộ tiêu chí BVMT phù hợp, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện BVMT (vấn đề xác định tiêu chuẩn chất lượng nước thải, loại A, B hay C – TCVN 5943 – 1995; vốn vay ưu đãi cho các cơ sở, quản lý đồng bộ, công bằng và khuyến khích việc xử lý ô nhiễm...

- Vấn đề quy hoạch là khó khăn lớn nhất của nhiều địa phương (chưa có quy hoạch ổn định lâu dài để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, xử lý ô nhiễm hoặc chưa xác định được mặt bằng để doanh nghiệp di dời), việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ tại các KCN, khu chế xuất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới công tác BVMT: nhiều KCN đã hoạt động thời gian dài nhưng chưa có hệ thống xử lý ONMT chung và chưa quản lý được vấn đề môi trường KCN...)

Th«ng tin - ho¹t ®éng

- Ngoài ra, vấn đề phối kết hợp và phân công, phân cấp quản lý, BVMT giữa các ban ngành chức năng và cơ quan Quản lý Nhà nước chuyên ngành ở địa phương chưa thống nhất (Ví dụ: cơ quan quản lý thuỷ sản hiện tại không tham gia Quản lý môi trường đối với các doanh nghiệp CBTS nên rất khó tiếp cận triển khai các hoạt động hỗ trợ ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm....)

Từ những kết quả điều tra, thu thập thông tin, số liệu và đánh giá trên đây về hiện trạng quản lý bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Chế biến Thuỷ sản. Năm 2007, những hoạt động chính của nhiệm vụ sẽ triển khai là:

- Tiếp tục điều tra, bổ sung thông tin, số liệu về tình hình ONMT và công tác quản lý, BVMT trong lĩnh vực CBTS.

- Nghiên cứu, lựa chọn một số giải pháp công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả, phù hợp với những loại hình CBTS  gây ô nhiễm chủ yếu (khí thải, nước thải...)

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CBTS trong công tác quản lý BVMT, ngăn ngừa, giảm thiều và xử lý ô nhiễm (tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề, mở các khoá đào tạo, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn cho các cán bộ quản lý môi trường ở các địa phương và cơ sở CBTS).

- 

Th«ng tin - ho¹t ®éng

Hỗ trợ triển khai áp dụng SXSH tại 05 cơ sở CBTS, là:

1. Công ty Thực phẩm Hai Thanh, KCN Hiệp Phước, Quận Nhà Bè – TP. Hồ Chí Minh.

2. Công ty Cổ phần CBTS Mê Kông, KCN Trà Nóc – Cần Thơ.

3. Công ty Hải Việt (HAVICO), KCN Đông Xuyên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

4. Công ty TNHH Thực phẩm Lam Sơn, Thành phố Quy Nhơn – Bình Định.

5. Công ty Trúc An, KCN Suối Dầu – Diên Khánh – Khánh Hoà.

-    Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ xử lý ONMT trong các cơ sở CBTS đến năm 2012 (theo tinh thần Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đề xuất các giải pháp quan trọng về quản lý, bảo vệ tài nguyên – môi trường trong lĩnh vực CBTS nói riêng và trong các hoạt động sản xuất Thuỷ sản.

Trần Lưu Khanh