Một nghiên cứu mới của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng trong các vùng nước bị ô nhiễm sẽ tích lũy lại trong con nghêu chứ không bị đào thải. Kết quả này đặt ra vấn đề cần chú ý giám sát chất lượng nước và bùn đáy ở những vùng nghêu tự nhiên và nghêu nuôi.

GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn, chủ tịch Hội hóa học (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM) cố vấn khoa học của đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của mức độ ô nhiễm môi trường đối với chất lượng của con nghêu đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu” cho biết, các hợp chất hữu cơ gốc clor như PCB, DDT… tích lũy trong con nghêu chứ không có khả năng đào thải. Nghêu tích lũy dần dần các chất này với hệ số tích lũy rất lớn, tuy không bị chết, nhưng lại có khả năng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy cần phải thường xuyên theo dõi kiểm tra chất lượng nguồn nước - nhất là ở những khu vực nằm ở lưu vực sông (có khả năng nhận các chất thải từ sông rạch) để đảm bảo chất lượng nghêu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đặc biệt là phục vụ xuất khẩu.

GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết thêm, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nghêu có thể chết khi bị nhiễm các chất kim loại nặng như cadmium ở nồng độ 0,1 ppm. Khi có biến động về nghêu chết hàng loạt, một trong những nguyên nhân chúng ta có thể nghĩ đến là môi trường nước đã bị nhiễm cadmium. Đối với chì nghêu có thể tích tụ trong cơ thể lên đến 9,7 ppm và 1,7 ppm đối với arsenic mà vẫn không chết. Trong khi đó, tiêu chuẩn của châu Âu chỉ chấp nhận mức độ 1 ppm cho cadmium, chì và 0,5 ppm cho arsenic. Như vậy có thể nói việc giám sát chất lượng nước, bùn đáy cần phải đặc biệt chú ý để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm đối với nghêu.

Kết quả nghiên cứu khảo sát vừa nêu trên nằm trong đề tài nghiên cứu “sự tích tụ và khả năng tự đào thải kim loại nặng, hợp chất hữu cơ trong con nghêu”, do ThS. Phạm Kim Phương, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM, làm chủ nhiệm đề tài (vừa công bố vào trung tuần tháng 12/2007). Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất với các cơ quan chức năng một số giải pháp nuôi nghêu sạch, thời điểm thu hoạch đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

THÙY AN (Nguồn vietlinh)