Cá ngừ vây xanh phương bắc (Thunnus thynnus, T. orientalis) và cá ngừ vây xanh phương nam (T. maccoyii) là những loài được nuôi đầu tiên.

Ðể cung cấp thêm tài liệu cho bạn đọc, Thương mại Thủy sản giới thiệu bài viết tổng quan của bà Paula Sylvia, Viện nghiên cứu Hubbs-Seaworld, thành phố San Diego, bang California (Mỹ) về hiện trạng và những trọng tâm của nghề nuôi cá ngừ trên thế giới

Nghề nuôi (hoặc nuôi vỗ) cá ngừ thường được coi là bắt đầu từ những năm 1990 ở Nam Ôxtrâylia, nhưng trong thực tế đã tồn tại từ khoảng 30 năm trước đây cả ở phạm vi thực nghiệm lẫn thương mại tại Nhật Bản. Ngày nay, có 18 quốc gia đang nuôi cá ngừ ở 14 vùng biển và đại dương khắp thế giới.

Năm 2004, sản lượng cá ngừ nuôi dự kiến vượt 32.500 tấn, thấp hơn mức 36.600 tấn đã được cung ứng cho thị trường thế giới năm 2003. Nước có nghề nuôi cá ngừ lớn nhất là Tây Ban Nha (sản lượng năm 2003 ước tính 7.000 tấn), Ôxtrâylia (5.200 tấn) và Mêhicô (3.000 tấn). Nhật Bản và các nước khác ở Ðịa Trung Hải có sản lượng tổng cộng khoảng 8.000 tấn.

Loài nuôi

Cá ngừ vây xanh phương bắc (Thunnus thynnus, T. orientalis) và cá ngừ vây xanh phương nam (T. maccoyii) là những loài được nuôi đầu tiên. Tuy vậy, cá ngừ mắt to (T. obesus) và cá ngừ vây vàng (T. albacares) cũng đã được nuôi tại Mêhicô và đang được xem là những loài thay thế trong nghề nuôi cá ngừ, đặc biệt ở vùng nước ấm.

Hệ thống nuôi

Lịch sử nghề nuôi cá ngừ bắt đầu từ việc nuôi lớn (ranching) hay vỗ béo (fattening) cá ngừ nhỏ. Thông thường, cá được đánh bắt tự nhiên bằng lưới vây và được vận chuyển tới một loại lồng lưới thiết kế đặc biệt đặt cố định tại vùng gần ngư trường để nuôi vỗ. Tuy vậy, Canađa, Italia và một số nước Ðịa Trung Hải khác hiện vẫn sử dụng loại lưới đăng truyền thống để đánh bắt cá ngừ con đồng thời giữ nuôi vỗ béo chúng cho đến khi thu hoạch.

Ðàn cá nuôi trong lưới thường được di chuyển cùng với lồng lưới với tốc độ khoảng 1-2 hải lý/giờ qua quãng đường dài từ 22 đến 750 km, với thời gian di chuyển từ vài ngày đến vài tuần. Khi thời gian kéo dài hơn, cho cá ăn bằng cá đông lạnh hoặc tươi thường dùng làm mồi câu.

Chu kỳ sản xuất cuả phần lớn các trại nuôi cá ngừ từ 3 đến 9 tháng, phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thị trường. Sản lượng trung bình của mỗi trại khoảng từ 100 đến 1000 tấn/vùng nuôi, nhiều trại có nhiều hơn 1 vùng nuôi.

Phần lớn các trại nuôi sử dụng hệ thống lồng bè nổi có lưới sâu 20-25 m, treo trên các ống đai nổi đơn hoặc kép, được chế tạo bằng polyethylen cường lực cao, được bịt bằng foam. Một số trại sử dụng hệ thống lưới chống chim ăn thịt mắc vào các ống nổi. Các hệ thống nuôi này có thể tích khoảng 20-40.000 m3. Tuy nhiên, tại Ðịa Trung Hải cũng có một số hệ thống nuôi lớn đến khoảng 140.000 m3.

Mật độ thả nuôi là 2-5 kg/m3, tuỳ thuộc vào kích thước và loài cá ngừ. Cá ngừ được cho ăn bằng nhiều loại cá mồi tươi hoặc đông lạnh khác nhau thường là cá trích, cá thu, cá nục, mực ống với tỷ lệ 3-10% trọng lượng cơ thể/ngày, tuỳ theo giai đoạn nuôi vỗ.

Mặc dù ngành công nghiệp nuôi cá ngừ còn khá mới, nhưng do có rất nhiều cải tiến trong việc quản lý trại, quản lý cá nuôi và kỹ thuật cho ăn nên nhiều trại đã đạt hệ số thức ăn 1,5-4,1. Mức tăng trọng có thể đạt đến 30% trọng lượng cá nuôi ban đầu, thậm chí nhiều trại nuôi quy mô nhỏ ở Mêhicô đạt đến 90% trong những năm gần đây.

Cá ngừ vây xanh

Năm 2002, cá ngừ vây xanh cung cấp cho thị trường sashimi của Nhật đã tăng 50%, trong đó 80% tăng từ cá nuôi. Người ta ước tính 1/3 số cá ngừ tại thị trường Nhật hiện nay là cá nuôi.

Giá cá biến động từ 20-50 USD/kg, phụ thuộc vào các yếu tố như loài cá, kích cỡ, chất lượng cơ thịt và hàm lượng mỡ. Mặc dù thị trường vẫn còn có những thời điểm đạt giá đỉnh cao, nhưng việc phát triển nuôi cá ngừ trên thế giới và việc cung cấp ổn định cá ngừ quanh năm đã khiến cho cơ cấu giá ổn định hơn.

Những nghiên cứu then chốt

Trong những năm gần đây, đã tập trung nỗ lực vào hai lĩnh vực có ý nghĩa trọng yếu nhất đối với ngành nuôi cá ngừ: nghiên cứu khép kín vòng đời và sản xuất thức ăn nhân tạo.

Năm 2002, các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Nghề cá Trường đại học Kinki ở Nhật Bản đã thành công trong việc khép kín vòng đời của cá ngừ vây xanh, sản xuất được trên 800.000 ấu thể. Những cố gắng tương tự cũng được thực hiện tại Ôxtrâylia và vùng Ðịa Trung Hải, nơi những đàn cá bố mẹ đã được gia hoá. Từ năm 1996, Uỷ ban Cá ngừ nhiệt đới liên Mỹ (IATTC) đã duy trì được một đàn cá ngừ vây vàng bố mẹ sinh sản trong phòng thí nghiệm của họ tại Panama.

Sản xuất thức ăn nhân tạo đã trở thành một hướng nghiên cứu ưu tiên ở Ôxtrâylia từ năm 1995. Năm 2001 và 2002, các thử nghiệm thức ăn viên thương mại đầu tiên đã được tiến hành tại một trại nuôi cá ngừ lớn tại đó. Việc chuyển đổi từ thức ăn là cá mồi sang thức ăn viên nhân tạo đang là cốt lõi cho ngành nuôi cá ngừ, là điều kiện cần thiết để ngành này phát triển và có vị thế tốt hơn trong cuộc cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường.

Một lĩnh vực khác cũng đang được tập trung là quản lý sức khoẻ cá ngừ nuôi. Trừ ngành nuôi cá ngừ Nam Ôxtrâylia, nhiều trại có chương trình quản lý sức khoẻ riêng biệt, nhưng vẫn chưa có chương trình chung cho toàn ngành. Ngành cá ngừ của thế giới đang tăng trưởng và kinh nghiệm từ những việc đang tiến hành ở Ôxtrâylia sẽ được chuyển giao sang cho các nước khác.

Thị trường

Mặc dù thị trường ban đầu của cá ngừ là Nhật Bản, nhưng không thể xem thường thị trường đang mở rộng rất nhanh tại Mỹ. Các số liệu thống kê chính xác tuy còn hạn chế, nhưng chỉ tính riêng tại Mỹ, hiện đang có nhu cầu khoảng 45.000 tấn cá ngừ sản xuất sushi, sashimi và steak. Cũng còn có trách nhiệm quốc gia trong việc mở rộng hoạt động nuôi và một ngành đang rất mới là nuôi cá đại dương để hỗ trợ nó. Cá ngừ đang chứng tỏ là một đối tượng nuôi có tiềm năng rất lớn để mở rộng nghề nuôi đại dương, nhất là ở vùng biển phía Tây nước Mỹ.

Nguyễn Hữu Dũng dịch

Global Aq. Advocate, No2/2005