Những đợt thủy triều đỏ xuất hiện tại khu vực ven biển Đồ Sơn, Cát Hải, Cát Bà (Hải Phòng) đang khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản lao đao. Ngao chết bắt đầu từ cuối tháng 3-2012, đến đầu tháng 4 rộ trắng bãi.

Bà Tô Thị Phúc (ở thôn Trấn, xã Đồng Bài, huyện Cát Hải) kể: “Năm rồi gia đình gom vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng mua ngao giống nuôi trên diện tích 3,5ha. Nếu thành công thì tỉ lệ thu lời ít nhất là “một ăn một”, tức là đầu tư 1 tỉ đồng thì lãi 1 tỉ đồng. Ai ngờ chưa tới kỳ thu hoạch mà 70% số ngao ngoài bãi chết bất thường”. Ông Nguyễn Văn Huynh, người đầu tư chung với gia đình bà Phúc, nói như mếu: “Nếu được thu hoạch thì đống ngao này lớn tiền lắm, nhưng rủi là toàn ngao chết nên đã không thu được vốn lại còn phải mất thêm tiền thuê lao động dọn bãi”.

Ngao nuôi trong bãi rộng 1,5ha của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh (xã Đồng Bài) đang chết bất thường. Tỉ lệ chết gần 100% diện tích bãi nên cả bãi trắng xóa vỏ ngao - Ảnh: Xuân Long

Tại xã Phù Long (huyện Cát Hải), tình trạng ngao chết bất thường cũng rộ lên từ đầu tháng 4, khi những hộ nuôi ngao trong xã vừa mới gượng dậy sau đợt ngao chết hàng loạt xảy ra giữa tháng 11-2011. Ông Bùi Đình Như (thôn Ngoài, xã Phù Long) cho biết tại thời điểm giữa tháng 11-2011, bãi ngao của gia đình có tỉ lệ chết lên tới 40%. Đến đầu tháng 4, tình trạng ngao chết tái diễn.

Ông Nguyễn Hoài Giao, chủ tịch UBND xã Phù Long, cho biết theo thống kê, trong số 40 hộ nuôi ngao của xã có tới 50% số hộ có hiện tượng ngao chết. “Sau khi có hiện tượng mặt nước biển ngả sang màu đỏ thì ngao bắt đầu chết rải rác, còn chỗ nào có nguồn nước đỏ đọng lại trên mặt bãi thì ngao tại bãi đó chết 100%” - ông Giao cho hay.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hiện tượng nước biển có váng màu hồng đỏ chính là sự xuất hiện của thủy triều đỏ. Trong khoảng thời gian chưa đến một năm trở lại đây đã có ít nhất ba đợt “bùng phát” thủy triều đỏ tại các vùng ven biển Hải Phòng và đều có tác nhân từ các loại tảo gây hại.

“Loài tảo Noctiluca không sinh độc tố và không nguy hiểm đối với người nhưng chúng có thể gây chết động vật thủy sản. Noctiluca làm cạn oxy và cản trở hô hấp, đồng thời ăn toàn bộ thực vật phù du làm cạn kiệt nguồn thức ăn. Điều nguy hiểm là chúng có khả năng tích tụ amoniac với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước. Vì vậy, không ngạc nhiên nếu tỉ lệ ngao chết tăng lên, thậm chí chết hết khi lớp váng nước này đọng lại ở khu vực bãi nuôi ngao” - tiến sĩ Nguyên phân tích.

Theo: tuoitre.vn