Công nghệ Sinh học (CNSH - biotechnology), theo nghĩa rộng, bao gồm các ứng dụng lâu đời như lên men rượu, bia, phomat, và cả các kỹ thuật cao cấp ngày nay. Theo cách quan niệm này thì CNSH đã xuất hiện cách đây hơn 100 thế kỷ.

Theo nghĩa hẹp, CNSH liên quan đến các kỹ thuật hiện đại nhất như công nghệ di truyền và các kỹ thuật cao cấp khác như: cố định enzym, tạo dòng vi khuẩn tổng hợp protein người, tạo các kháng thể đơn dòng ...

Thuật ngữ công nghệ sinh học lần đầu tiên được kỹ sư Karl Ereky người Hungary nêu ra vào năm 1917 để chỉ quá trình nuôi heo với thức ăn và củ cải đường lên men. Tuy nhiên, thuật ngữ này ít được nhắc đến trong hơn 50 năm và chỉ được sử dụng rộng rãi trở lại sau phát minh ra kỹ thuật di truyền vào đầu thập niên 1970.

Bản thân thuật ngữ CNSH gồm hai vế: công nghệ (technology) và sinh học (bio). Trong đó thuật ngữ công nghệ được hiểu là sự phát triển và ứng dụng; sinh học được hiểu bao gồm các lĩnh vực liên quan đến sự sống.

Công nghệ sinh học (CNSH) có thể phân ra 3 cấp độ khác nhau:

CNSH truyền thống như các hoạt động chế biến thực phẩm (rượu, giấm, sữa chua, dưa chua, cà muối, pho-mát, tương, nước mắm, men bánh mì...), ủ phân, phơi ải đất, diệt khuẩn và ức chế vi sinh vật có hại...

CNSH cận đại với việc sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm của công nghệ lên men, công nghệ vi sinh vật (cồn, bia, dung môi hữu cơ, bột ngọt và các axit amin khác, axit citric và các axit hữu cơ khác, chất kháng sinh, nhiều vitamin, các loạin vaccin, kháng độc tố, các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học...).

CNSH hiện đại chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây. CNSH hiện đại sử dụng các kỹ thuật trao đổi, sửa chữa, tổ hợp hoặc cải tạo vật chất di truyền ở mức độ phân tử để tạo ra những loại vi sinh vật mới hoặc “bắt” các sinh vật này tạo ra các protein hay các sản phẩm khác mà vốn dĩ chúng ta không tạo ra được. CNSH hiện đại bao gồm các lĩnh vực Công nghệ di truyền (Genetic engineering, Công nghệ tế bào (Cell engineering), Công nghệ vi sinh vật/Công nghệ lên men (Microbial engineering/Fermentation engineering), Công nghệ enzym/protein (Enzym/Protein engineering) và CNSH môi trường (Environmental biotechnology).

Tóm lại, Công nghệ sinh học có thể hiểu đơn giản là công nghệ sử dụng các quá trình sinh học của các tế bào vi sinh vật, động vật và thực vật tạo ra thương phẩm phục vụ lợi ích con người.

                                                                  Phòng Công nghệ sinh học biển

                                                                       (tổng hợp- phần 1)