1.Hiện trạng sử dụng rong biển khu vực Cát Bà và Cô Tô

Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết nguồn lợi rong biển thuộc vùng biển Cát Bà và Cô tô đều bị bỏ phí và hầu như không sử dụng đến. Mặt khác, nếu muốn sử dụng cũng gặp rất nhiều khó khăn do tập quán sử dụng rong biển trong nhân dân chưa nhiều, nếu có sử dụng thì mới chỉ dùng làm phân bón (với các nhóm có trữ lượng tự nhiên lớn như Sargassum, Colpomenia…Hiện tại, nếu muốn sử dụng nguồn lợi tự nhiên này cũng gặp nhiều khó khăn vì phần lớn các loài rong biển đã từng phát hiện được tại hai vùng này hầu như không thấy nữa nhất là nhóm các loài có kích thước lớn đặc biệt tại Cát Bà).

Riêng vùng Cô Tô, nguồn lợi rong biển hầu như bị bỏ phí. Nhóm các loài có sinh lượng lớn như: Sargassum, Spatoglosum, Chnoospora…. vẫn phát triển và tàn lụi theo mùa vụ. Hầu hết nguồn lợi này bị sóng đánh dạt vào bờ và thối rữa.

2.Những mối đe doạ chính hiện nay đến nguồn lợi rong biển khu vực Cát Bà – Cô Tô:

2.1.Các tác động từ thiên nhiên:

Do vùng biển Cát Bà nằm sát vịnh Hạ Long nên ảnh hưởng của tự nhiên và con người tới rong biển vùng này rất lớn. Địa hình vùng bờ tây vịnh Bắc Bộ nói chung và phía trong là Vịnh Hạ Long nói riêng tương đối bằng phẳng làm cho vật lơ lửng càng khó phát tán. Thêm vào đó, vùng này có nhiều cửa sông lớn (Cửa Bạch Đằng, cửa Cấm, cửa Lục…) thường xuyên đưa nguồn nước ngọt từ lục địa vào càng làm cho độ đục của nước biển vùng này ngày càng cao hơn. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến việc quang hợp của rong biển và kéo theo sự phân bố của chúng theo mực thuỷ triều cũng ảnh hưởng theo. Phần lớn các loài không thể phân bố được ở vùng dưới triều nên nơi cư trú bị thu hẹp đáng kể.

Hơn nữa, vùng Cát Bà nằm trọn trong vùng có chế độ nhật chiều điển hình với biên độ dao động rất lớn (cao nhất đạt 3,8m) nên bãi triều thường bị phơi nắng suốt cả ngày khi thuỷ triều rút. Khi nước lên, sóng nam có biên độ và cường độ lớn làm bật gốc các loài có mặt trên vùng triều. Trong khi đó, phần lớn các loài rong biển phân bố trên vùng triều nên chịu ảnh hưởng không nhỏ. Điều này làm cho rong biển tại phần lớn địa điểm nghên cứu sẽ bị chết và tạo nên tính mùa vụ rất rõ rệt . Nhìn chung, rong biển tại vùng biển Cát Bà và lân cận chỉ phát triển được vào thời kỳ từ tháng 11 dến tháng 4 năm sau. Thời gian còn lại hầu như không có rong biển.

Ngoài ra, các cơn bão nhiệt đới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới rong biển khu vực này. Đây là những tác động bất lợi tới sự đa dạng sinh học rong biển vùng nghiên cứu.

Vùng biển Cô Tô thì lại khác hẳn, ít chịu tác động từ nguồn nước ngọt từ lục địa vào mùa mưa và các chất lơ lửng trong môi trường nước biển ảnh hưởng đến quang hợp của rong biển nên những tác động từ tự nhiên đến rong biển cũng hạn chế rất nhiều nên nguồn lợi tự nhiên còn khá lớn.

2.2. Các tác động từ con người

+ Khai thác hải sản bằng lưới, chất nổ làm ảnh hưởng đến nền đáy, phá huỷ nơi cư trú của rong biển. Đặc biệt trong những năm 1990, số lượng người khai thác nguồn lợi hải sản bằng chất nổ và chất độc tại các vùng biển này khá lớn.

+ Khai thác cạn kiệt tài nguyên do phần lớn người dân sống trong các khu vực này thường xuyên khai thác nguồn lợi ngoài rong trên các rạn san hô làm ảnh hưởng đến môi trường sống của rong biển.

+ Môi trường ô nhiễm do các hoạt động của con người như khai thác mỏ (kim loại nặng, độ đục); các hoá chất bảo vệ thực vật (nông nghiệp, lâm nghiệp); chất độc (khai thác hải sản bằng thuốc độc); ô nhiễm các chất hữu cơ (du lịch), tốc độ đô thị hoá lớn làm thay đổi cảnh quan …

+ Tập quán khai thác và sử dụng rong biển phục vụ đời sống của nhân dân quanh cùng còn nhiều hạn chế.

+ Sự quan tâm đến phát triển, bảo vệ và khai thác bền vững tài nguyên của các cấp chính quyền chưa rõ ràng, chưa có các biện pháp kịp thời và hữu hiệu.

* Đề xuất các giải pháp khai thác hợp lỹ, bảo vệ nguồn lợi rong biển

Để quản lý và bảo vệ nguồn lợi rong biển cho khu vực Cát Bà và Cô Tô, cần có kế hoạch cụ thể là:

+ Ngăn chặn nghề lưới vét khai thác hải sản ở vùng ven bờ trong đó có rong biển

+ Xây dựng chương trình quản lý rong biển trên cơ sở quản lý cộng đồng, trang bị các kiến thức cơ bản về sinh thái rong biển và công tác quản lý, bảo tồn cho cán bộ địa phương nhất là các cơ quan chức năng thuộc hai địa phương có vùng biển này là Hải Phòng và Quảng Ninh.

+ Các cơ quan có trách nhiệm quản lý ở địa phương (Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Quảng Ninh và Hải Phòng, Sở Thuỷ sản Quảng Ninh và Hải Phòng) cần xác định rõ khu vực bãi rong biển và cắm mốc chỉ giới cho khu bảo vệ rong biển ở vùng đông nam Cát Bà và Cô Tô.

+ Xây dựng chương trình quản lý chất thải như dầu mỡ, hoá chất, chất thải sinh hoạt … đổ ra vùng biển Cát Bà – Cô Tô và đổ vào các bãi rong biển nói riêng.

+ Ngăn chặn việc phá rừng đầu nguồn để hạn chế nước mưa đổ xuống vùng ven biển Cát Bà làm giảm độ muối, tăng độ đục gây bất lợi cho rong biển phát triển.

+ Cấm triệt để việc khai thác các loài sinh vật biển và neo tàu thuyền trong khu bảo vệ rong biển nghiêm nhặt.

+ Có biện pháp chuyển đổi ngay nghề khai thác hải sản bằng lưới vét ven bờ sang các nghề khác.

+ Điều tra lại một cách cơ bản hệ sinh thái rong biển, xây dựng bản đồ phân bố rong biển cho vùng biển Cát Bà và Cô Tô.

+ Lựa chọn một số địa điểm trồng phục hồi một số nhóm rong kinh tế (Colpomenia, Sargassum, Ulva).

Đỗ Văn Khương, Đinh Thanh Đạt, Đàm Đức Tiến

Trích bài “Đặc điểm khu hệ rong biển khu vực Cát Bà – Cô Tô”, trong Tuyển tập các công trình nghiên cứu “nghề cá biển”, Viện Nghiên cứu Hải Sản, Tập 3 - 2005