Ước tính, nước ta có gần 370 nghìn ha diện tích các loại đất cát ven biển. Đây là loại đất cát có thành phần cơ giới nhẹ, độ phì thấp, khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng kém. Sản xuất nông, lâm nghiệp phải đầu tư lớn, nhưng năng suất cây trồng rất thấp. Vì thế, nuôi tôm trên cát là giải pháp có sức hấp dẫn mạnh đối với đông đảo người dân. Phương thức này có các ưu điểm: khai thác được những vùng đất hoang hoá, có thể chủ động nuôi được 2 vụ/năm theo quy trình thâm canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một ha nuôi tôm trên cát có thể đem lại doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm, cho lợi nhuận xấp xỉ 135 triệu đồng, được coi là loại hình sử dụng đất hiệu quả nhất.

Năm 1999, lần đầu tiên mô hình nuôi tôm trên cát dùng nilông làm vật liệu chống thấm khi xây dựng ao nuôi mới thử nghiệm thành công. Lúc đó tại tỉnh Ninh Thuận mới chỉ có một hộ áp dụng mô hình này với một ao nuôi tôm trên cát diện tích 0,5 ha. Diện tích nuôi tôm trên cát tăng lên rất nhanh tại một số tỉnh miền Trung. Năm 2002 ở Ninh Thuận đã có tới 200 ha, Quảng Ngãi 60 ha, Thừa Thiên - Huế 16 ha, Quảng Bình 14 ha...Năng suất nuôi tôm bình quân mỗi vụ dao động từ 1,72 tấn/ha ở Bình Định, 3 tấn/ha ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đến 6 tấn/ha ở Ninh Thuận. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm tại các tỉnh miền Trung đã tăng lến đến gần 1.100 ha, với tổng sản lương khoảng 5.000 tấn tôm thịt/năm. Nuôi tôm trên cát đã nhanh chóng biến những mảnh đất nghèo miền Trung thành những miền quê trù phú, sôi động. Đâu đâu cũng nghe người dân nói về con tôm nuôi trên cát, kỳ diệu như chuyện thần tiên. Các nhà đầu tư từ nơi khác cũng đổ về vùng duyên hải tính chuyện làm ăn lớn. Đất đai trước kia bỏ hoang nay bỗng trở nên “có giá”. Một số dự án quy mô lớn (hơn 100 ha mỗi dự án), đang và sắp được triển khai. Đặc biệt, có hai dự án tập trung nuôi tôm trên cát rất lớn, là dự án 2000 ha tại hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và dự án 2.800 ha tại hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình).

Nhưng mặt trái của phương thức nuôi tôm trên cát đã bắt đầu lộ dạng, gây tác hại lớn đến môi trường. Đặc điểm của mô hình này là sử dụng rất nhiều nước (cả nước mặn và nước ngọt). Theo tính toán, mỗi ha nuôi tôm trên cát nếu thay nước 3 lần/vụ thì chỉ riêng lượng nước ngọt đã cần tới 50.000 mét khối nước/năm. Một dự án quy mô 100 ha cần tới 5 triệu khối nước/năm, còn với 2.000 ha ao nuôi tôm của dự án lớn tại Quảng Bình sẽ tiêu tốn tới 100 triệu mét khối nước, một con số khổng lồ đối với vùng ven biển, nơi vốn không dồi dào nguồn nước ngọt. Để có được lượng nước lớn này, người ta thường dùng biện pháp khoan nước ngầm. Theo các nhà khoa học, việc khoan giếng khai thác nước ngọt ngầm cho nuôi tôm một cách ồ ạt như hiện nay dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, như phá vỡ hệ sinh thái vùng cát, làm cạn kiệt nhanh nguồn nước ngầm, tăng hiện tượng sụt lún địa tầng và xói mòn đất cát ven biển, ảnh hưởng tới nguồn nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt và các như cầu thiết yếu khác trong tương lai. Sự sụt giảm nguồn nước ngọt ngầm ven biển có thể dẫn đến khô kiệt bề mặt các vùng đất nằm sâu bên trong đất liền, làm mất cân bằng áp lực khiến cho nước mặn từ biển ngấm sâu vào các vùng đất bên trong. Từ đó có thể gây ra hạn hán và hoang mạc hóa cục bộ, làm giảm năng suất, thậm chí làm mất mùa trên những diện tích rộng lớn. Sự xâm nhập mặn đã xảy ra nhiều nơi khiến hơn 100 cơ sở sản xuất tôm giống ven biển, trước đây sử dụng nước ngọt ngầm khai thác tại chỗ, thì nay đã bị nhiễm mặn đến mức không thể sử dụng được nữa, phải chuyển nước ngọt từ nơi khác về. Thiếu nước, những khoảnh rừng phòng hộ vốn đã ít ỏi do bị ao tôm xâm lấn đã bắt đầu chết khô, dẫn đến hiện tượng cát bay, cát chảy và bão cát. Tại vùng ven biển Ninh Thuận đã quan sát được hiện tượng rừng cây phi lao phòng hộ bị chết do hậu quả của việc khai thác quá mức nước ngầm.

Lượng chất thải từ nuôi tôm rất lớn, ước tính mỗi năm 1 ha thải ra tới 8 tấn chất thải rắn, gồm vỏ tôm lột, thức ăn thừa. Các hóa chất xử lý ao nuôi như vôi, thuốc tím, clorin tan trong nước, tích tụ dưới đáy ao. Đa số nước thải của các trại tôm trên cát được thải trực tiếp ra bên ngoài, không hề qua xử lý. Ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi hiện nay còn xả trực tiếp nước thải và bùn ao ngay trên khu vực đất cát cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm và mặn hoá nguồn nước ngầm. Ở quy mô nhỏ, có thể chưa có những ảnh hưởng rõ rệt trong thời gian đầu. Nhưng ở diện tích nuôi lớn, tập trung và việc phát thải diễn ra trong thời gian dài đã bắt đầu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn tới dịch bệnh lây lan giữa các trại nuôi tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trước mắt và lâu dài. Do đó, chi phí đầu tư cho ao tôm cứ tăng dần, vụ sau cao hơn vụ trước, rủi ro đến với con tôm cũng tăng. Thực tế, ba năm trở lại đây đã ghi nhận hiện tượng các hộ nuôi tôm ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ bị thất bại liên tiếp.

Có thể thấy nuôi tôm trên cát là phương thức chưa bảo đảm tính bền vững, tuy mang lại lợi ích trước mắt trong một số năm, nhưng về lâu về dài có thể gây những tác hại to lớn. Vì thế, cần phải hết sức thận trọng trong công tác đánh giá tác động môi trường đối với những dự án trong lĩnh vực này, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn. Các nhà đầu tư đến thuê đất, đầu tư vài chục triệu USD, tạo ra vài trăm chỗ làm, đóng góp cho ngân sách địa phương vài ba tỷ đồng mỗi năm. Nhưng đến khi đã hết hạn thuê đất, nhà đầu tư ra đi, đem theo cả vốn và lãi, bắt cư dân sống lâu đời ở vùng cát phải gánh chịu lâu dài những hậu quả môi trường nặng nề. Liệu những đóng góp ít ỏi của họ cho địa phương có đủ để khắc phục hậu quả ấy ?

Nguyễn Huy Cường (theo Báo điện tử Bộ Tài Nguyên và Môi trường)