GIỚI THIỆU

Hải sâm cát (Holothuria scabra) là một trong số 16 loài hải sâm kinh tế được khai thác tại vùng Tây Nam Sulawesi (Tuwo & Conand, 1996). Chu kỳ sinh sản của hải sâm cát được nghiên cứu ở nhiều nơi khác nhau, nhưng các nghiên cứu không có sự thống nhất về các thời kỳ đẻ trứng. Một số tác giả mô tả chu kỳ sinh sản nửa năm hoặc hai đợt sinh sản một năm (Ong Che & Gomez, 1985). Nghiên cứu này tập trung vào chu kỳ sinh sản và đưa ra kết luận về thời kỳ đẻ trứng của Holothuria scabra ở, Inđônêxia

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Mẫu Holothuria scabra được thu thập định kỳ hàng tháng trong thời gian một năm ở đảo Saugi, quần đảo Spermonde, South Sulawesi, Inđônêxia. Mỗi đợt thu 30 mẫu.

Thí nghiệm tiến hành đo chiều dài thân (TL), trọng lượng thân tươi bỏ nội quan (BW) và trọng lượng tuyến sinh dục tươi (GW). Kiểm tra sự hình thành giao tử bằng cách quan sát mô học. Giai đoạn thành thục cá thể được xác định theo giai đoạn thành thục của ống dẫn trội (ống dẫn trứng hoặc ống dẫn tinh) trong tuyến sinh dục. Tỷ lệ phần trăm của các giai đoạn thành thục khác nhau được tính toán cho mỗi lần thu mẫu. Chỉ số sinh dục (GI) được tính bằng công thức:

GI = (GW x 100)/BW

Trong đó:    GI: Chỉ số sinh dục

                 GW: Trọng lượng tuyến sinh dục tươi

                 BW: Trọng lượng thân tươi bỏ nội quan

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Đo bằng kính hiển vi cho thấy, các đặc điểm cơ quan sinh sản của cả hải sâm cát đực và cái đều giống với các loài hải sâm khác (Tanaka, 1956; Tuwo & Conand, 1992). ở cá thể cái, ống dẫn trứng đang thành thục chứa các tế bào trứng tiền noãn hoàng và noãn hoàng (previtellogenic and vitellogenic oocytes) (hình 1A và 1B), và ở cá thể đực, ống dẫn tinh chứa tinh bào và tinh trùng (hình 1E và 1F). ống sinh sản đã thành thục ở cá thể cái chỉ chứa tế bào trứng (hình 1C) và ở cá thể đực chỉ chứa tinh trùng (hình 1G). Quan sát tuyến sinh dục sau khi đã sinh sản thấy có sự hiện diện của tế bào trứng còn sót lại ở cá thể cái (hình 1D) và tinh trùng sót lại ở cá thể đực (hình 1H).

Các cá thể thành thục (giai đoạn III) được quan sát thấy từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau. Các cá thể đang trong thời kỳ sinh sản (giai đoạn IV) được tìm thấy quanh năm. Những cá thể sau đẻ trứng (giai đoạn V) được phân chia rõ ràng trong 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là vào đầu mùa khô, từ tháng 3 - tháng 7, khi nhiệt độ tăng. Thời kỳ thứ hai là vào đầu mùa mưa, từ tháng 11 - tháng 1, khi nhiệt độ giảm (hình 2). Hai giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục phân biệt rõ rệt. Giai đoạn thứ nhất tăng dần từ tháng 6 - tháng 10 và từ tháng 2 – tháng 4. Giai đoạn thứ hai giảm dần từ tháng 4 – tháng 6 và từ tháng 10 – tháng 2 năm sau.

Theo nghiên cứu của Conand (1993) ở New Caledonia, hải sâm cát (Holothuria scabra)ở đảo Saugi có 2 thời kỳ đẻ trứng hoặc một chu kỳ sinh sản kéo dài nửa năm. Cũng như quan sát của Ong Che và Gomez (1985) tại Calatangan, Batangas, Philipin cho thấy: ở giai đoạn thành thục (giai đoạn III), một cá thể có thể có vài ống sinh sản thành thục, do vậy việc vài ống sinh sản thành thục tham gia vào một lần đẻ trứng có thể thấy ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.


Hình 1. Đặc điểm quan sát qua kính hiển vi về các giai đoạn thành thục khác nhau của buồng trứng và tinh hoàn của hải sâm cát (Holothuria scabra)

Giai đoạn III (sớm), (A) cái, (E) đực

Giai đoạn III (muộn), (B) cái, (F) đực

Giai đoạn IV, (C) cái, (G) đực

Giai đoạn V, (D) cái, (H) đực

L: khoang (lumen); O: tế bào trứng; PO: tế bào trứng tiền noãn hoàng; RO: tế bào trứng sót lại; RS: tinh trùng sót lại; SS: tinh bào; SZ: tinh trùng; VO: tế bào trứng noãn hoàng.

KẾT LUẬN

Quần đàn hải sâm cát ở đảo Saugi có 2 thời kỳ đẻ trứng. Tuy nhiên, có thể quan sát thấy một số cá thể đẻ trứng quanh năm.

Hình 2. Nhiệt độ không khí trung bình hàng tháng

Hình 3. Hải sâm cát ở các giai đoạn khác nhau tính trung bình theo tháng

Hình 4. Chỉ số tuyến sinh dục của Holothuria scabra trung bình hàng tháng

Ambo Tuwo

N.T.Tỉnh dịch (Nguồn: spc.int)