Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu tham gia quá trình đàm phán gia nhập WTO từ tháng 7/2004. Vụ Hợp tác Quốc tế được Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan xây dựng các phương án đàm phán và trực tiếp tham gia đàm phán. Trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ TNMT, quá trình đàm phán và cam kết chủ yếu lien quan đến ngành môi trường, cụ thể là đối với dịch vụ môi trường, giải thích và cung cấp thong tin về chính sách lien quan đến quản lý sinh vật biến đổi gen và các sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen (GMO), và quản lý phế liệu (Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23 tháng 1 năm 2006). Bộ cũng nhận được một số yêu cầu làm rõ chính sách quản lý đối với lĩnh vực khoáng sản.

1. CÁC CAM KẾT VỀ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG

Các đối tác chính có ngành công nghiệp môi trường phát triển quan tâm và yêu cầu đàm phán bao gồm EU, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand. Theo Hệ thống Phân loại sản phẩm chủ yếu của Liên Hiệp Quốc (CPC), ngành dịch vụ môi trường được định nghĩa bao gồm:

(A) Dịch vụ nước thải (CPC9401)

(B) Dịch vụ xử lý chất thải (CPC9402)

(C) Dịch vụ vệ sinh và các dịch vụ tương tự (CPC 9403); và

(D) Các dịch vụ môi trường khác

Đàm phán dịch vụ môi trường được thực hiện trong khuôn khổ các phiên đàm phán song phương với các đối tác nêu trên. Các đối tác khi đưa ra yêu cầu thường đòi hỏi mở cửa tối đa, không hạn chế đối với tất cả các phân ngành dịch vụ môi trường. Có những đối tác đưa ra yêu cầu đàm phán gây khó khăn cho Việt Nam (ví dụ như EU yêu cầu đàm phán trên cơ sở phân ngành dịch vụ riêng của EU; hoặc New Zealand yêu cầu đàm phán một ngành dịch vụ môi trường không nằm trong danh mục thong thường được sử dụng phổ biến trong WTO). Sau quá trình kiên trì giải thích, thuyết phục và đàm phán, các thỏa thuận đạt được là phù hợp tập quán chung được chấp nhận trong WTO, phạm vi và mức độ đòi hỏi không cao so với các nước mới gia nhập (Trung Quốc, Campuchia) Tên gọi các ngành và phân nghành cam kết với WTO nói chung và đối với riêng ngành môi trường áp dụng theo CPC.

Tổng hợp các cam kết đã thoả thuận về dịch vụ môi trường bao gồm:

Phạm vi mở cửa thị trường:

· Dịch vụ xử lý nước thải (CPC 9401)

· Dịch vụ xử lý rác thải (CPC 9402)

· Dịch vụ làm sạch khí thải (CPC 9404)

· Dịch vụ xử lý tiếng ồn (CPC 9405)

· Dịch vụ đánh giá tác động môi trường (thuộc phân ngành CPC 9409)

Hạn chế chung:

Hạn chế về địa lý đối với một số dịch vụ môi trường tại một số địa điểm vì lý do an ninh.

Hạn chế tiếp cận thị trường:

· Các dịch vụ được coi là dịch vụ công ích ở cấp trung ương hoặc địa phương có thể nằm trong phạm vi độc quyền nhà nước hoặc đặc quyền giao cho các doanh nghiệp tư nhân.

· Đối với dịch vụ xử lý nước thải, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chỉ được phép thu gom rác thải tại các địa điểm tập trung rác thải do chính quyền địa phương chỉ định.

· Các doanh nghiệp nước ngoài được phép tham gia liên doanh 51% tại thời điểm VN gia nhập WTO và đươc lập công ty 100% vốn nước ngoài sau 4 năm kể từ thời điểm gia nhập.

· Không phân biệt đối xử đối với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Cam kết bổ sung

Đối với dịch vụ xử lý nước thải, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được tham gia dưới hình thưc xây dựng — vận hành — chuyển giao BOT hoặc xây dựng — chuyển giao — vận hành BTO.

2. VẤN ĐỀ SINH VẬT BIẾN ĐỔI GEN

Trong các phiên đàm phán song phương, Việt Nam đã đưa ra Chương trình thực hiện Hiệp định SPS, cam kết thực hiện mọi quy định của Hiệp định này sau khi gia nhập

Tuy nhiên, tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2005/QD-TTg về Quy chế Quản lý GMO. Theo đó, các sản phẩm hang hóa GMO khi nhập khẩu, xuất khẩu hoặc lưu hành trên thị trường Việt Namphải dán nhãn và ghi rõ: “Sản phẩm có sử dụng công nghiệp biến đối gen”. Một số nước thành viên Ban công tác đã tỏ ý lo ngại qui định này sẽ gây cản trở cho việc nhập khẩu và lưu hành các sản phẩm GMO tại Việt Nam và có nguy cơ vi phạm các quy định của WTO về tư do hóa thương mại (bao gồm Hiệp định SPS).

3. DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, LƯU THÔNG THEO QUI ĐỊNH CỦA CÁC BỘ CHUYÊN NGÀNH.

Ngày 23/01/2006, Chính phủ ban hành nghị định 12 qui định chi tiết thi hành luật Thương mại về hoạt động mua bán hang hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua bán, gia công và quá cảnh hang hóa với nước ngoài. Nghị định 12 là một trong các văn bản quan trọng hướng dẫn thi hành Luật Thương mại mà các thành viên WTO rất quan tâm.

Theo Nghị định này, Bộ TNMT chịu trách nhiệm xây dựng văn bản hướng dẫn (có thể dưới hình thức Thông tư) đối với: (i) thiết bị làm lạnh có sử dụng CFC, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, xuất khẩu; (ii) phế liệu, thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý của các bộ chuyên ngành.

Dự thảo lần 3 Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu và hoàng hóa thuộc quản lý của Bộ TNMT đã được hoàn tất và dự kiến sẽ được ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng.

4. CÁC LĨNH VỰC KHÁC

Trong quá trình đàm phán song phương và đa phương, Việt Nam cũng nhận được một số câu hỏi của các thành viên về Luật Khoáng sản sửa đổi bổ sung và việc cấp giấy phép đầu tư (quy trình, thủ tục và thẩm quyền ) cho các cán nhân, tổ chức nước ngoài muốn tham gia đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng; sự liên quan giữa giấy phép đầu tư và giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, một số câu hỏi giải thích về Luật Đất đai mới.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường