Biển và vùng ven bờ của nước ta, cũng còn nhiều vấn đề không đơn giản về môi trường. Biển nước ta chiếm một vị trí quan trọng, chiều dài bờ biển (không kể bờ các đảo) trên 3.000 km, diện tích đường bờ biển trên 300 ngàn km2, có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp và vùng đặc quyền kinh tế khoảng trên 1.200.000 km2 cùng với trên 3.000 đảo lớn nhỏ và vùng thềm lục địa rộng lớn. Biển Việt Nam là một bộ phận thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ghi nhận những trang sử hào hùng về các cuộc chiến tranh giữ nước và lịch sử dựng nước của dân tộc. Đối diện với biển, bao thế hệ đã dũng cảm khai hoang, lấn biển để phát triển nông nghiệp, dũng cảm tiến ra biển khơi để bắt hải sản, kiếm sống. Biển nhiều tiềm năng nhưng luôn là một thế giới đầy bí ẩn; hoạt động trên biển dễ gặp rủi ro. Làm kinh tế biển phải có đầu óc, phải có tư duy tầm cỡ, phải có kế hoạch dài hơi. Đó là chưa nói đến vị trí địa chính trị rất quan trọng của biển Việt Nam trên bình diện thế giới do nằm giữa tuyến hàng hải quốc tế lớn từ ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Vùng biển nước ta hiện có chừng 11 ngàn loại sinh vật, trong đó có khoảng 6 ngàn loài động vật đáy, hơn 2 ngàn loài cá, hơn 6 trăm loài rong, hơn 1 ngàn loại động vật và thực vật phù du, trên 200 loài tôm, 15 loài rắn, 5 loài rùa, 12 loài thú biển và 43 loài chim nước.

Trong vùng biển Việt Nam có khoảng trên 1 ngàn km2 rạn san hô với khoảng trên 300 loài san hô đá, phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 20% loài thuộc mức tốt và rất tốt. Sống quanh quẩn trong các vùng rạn san hô có trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá. Đây là vùng có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, nguồn lợi sinh vật biển và nguồn giống hải sản tự nhiên.

Rừng ngập mặn còn lại khoảng trên 250.000 ha, tập trung chủ yếu ở ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Sống gắn bó với rừng ngập mặn, có 1.600 loài sinh vật, trong đó có nhiều thủy đặc sản.

Các thảm cỏ biển ở độ sâu từ 0 đến 20 m, tập trung nhiều ở ven biển đảo Phú Quốc, Trường Sa, Côn Đảo và một số cửa sông miền Trung. Đây cũng là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, là nguồn cung cấp thức ăn cho các loài hải sản, đặc biệt là rùa biển, thú biển và cá biển. Số loài cư trú trong vùng thảm cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài từ 2 đến 8 lần.

Nằm trong đới chuyển tiếp giữa lục địa và biển, ba hệ sinh thái nhiệt đới san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển có quan hệ tương hỗ; khi một hệ suy thoái thì hai hệ còn lại nhất định bị ảnh hưởng.

Đa dạng sinh học và ba hệ sinh thái nói trên đã cung cấp nguồn lợi hải sản to lớn cho nền kinh tế nước ta. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới. Thời gian qua lượng thủy sản khai thác được từ vùng biển ven bờ đã đáp ứng khoảng gần một nửa lượng protêin cho người dân, xuất khẩu đạt mốc kim ngạch 2 tỷ USD, đứng thứ ba trong số mặt hàng xuất khẩu của cả nước.

Ngoài tài nguyên sinh vật trong tầng nước biển, ta còn thấy ở ven bờ, ở phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiềm chứa một nguồn tài nguyên khoáng to lớn, đặc biệt là dầu khí, vật liệu xây dựng, sa khoáng và các hoá chất lấy từ nước biển.

Dầu khí đã được khai thác ở khu vực thềm lục địa phía Nam. Sản lượng dầu thô khai thác tăng 30% mỗi năm. Năm 1994 khai thác đạt 7 triệu tấn, xuất khẩu thu được 1 tỷ USD. Đến năm 2001, khai thác được 17 triệu tấn dầu thô, xuất khẩu thu được trên 3 tỷ USD, thu gom đưa vào bờ hơn 1,7 tỷ m3 khí đồng hành, cung ứng cho những nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy chế biến khí Dinh Cố. Kết quả khai thác đó đã đưa ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và luôn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Sa khoáng biển - ven biển là loại hình mỏ có chứa chủ yếu các khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý như titan, ziacôn và xeri đã được phát hiện ở một số nơi trên bờ biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hoà, Vũng Tàu).

Vật liệu xây dựng ở biển bao gồm cát, cuội, sỏi, đá vôi, vỏ sò ố c, phân bổ chủ yếu ở các vùng ven biển, ven đảo, đáy các vũng, vịnh và trong trầm tích thềm lục địa. Trong số đó, vật liệ u dồi dào nhất là cát. Cát thường giàu chất thạch anh, ít tạp chất. Gần đây, ta phát hiện thấy một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng đến trên 100 tỷ tấn. Tuy nhiên khai thác vật liệu xây dựng ở vùng ven biển phải hết sức thận trọng, đặc biệt phải có kế hoạch chống xói lở.

Ngoài ra vùng ven biển của ta còn có trên 100 mỏ khoáng sản khác.

Nói đến lợi thế của bờ biển Việt Nam ta còn phải tính đến tiềm năng phát triển du lịch. Đó là những yếu tố thuận lợi như vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo, khí hậu nhiệt đới gió mùa, bãi biển đẹp, giàu đa dạng sinh học, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều di tích lịch sử ven biển. Năm 1994, vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; năm 2003, vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất hành tinh.

Ta đã xác định được dọc theo ven biển cả nước có đến 126 bãi cát biển, trong đó có khoảng 20 bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là chưa kể đến hàng trăm bãi nhỏ, đẹp, nằm tĩnh lặng ven các vịnh, vũng, ven các đảo hoang ở vịnh Bắc Bộ và miền Nam Trung Bộ, rất hợp với loại hình du lịch píchníc, thích hợp với nhu cầu thưởng ngoạn của những nhóm khách nhỏ.

Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan thiên nhiên biển - đảo, hang động ngầm, các vùng rạn san hô lộng lẫy kỳ thú, cùng với các giá trị văn hoá của những di tích lịch sử ven biển đã tạo nhiều lợi thế cho phát triển du lịch biển. Một số hình thức du lịch đặc biệt như du lịch sinh thái, du lịch lặn, du lịch bổ dưỡng chữa bệnh đã hình thành và phát triển tốt, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước ta.

Dọc bờ biển Việt Nam, cứ khoảng 20 km lại có một cửa sông lớn. Các vũng, vịnh ven bờ chiếm khoảng 60% đường bờ biển, được coi là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cảng và hàng hải ở nước ta. Đến nay, nước ta đã có 8 cảng tổng hợp quan trọng thuộc các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu và Sài Gòn với năng lực bốc xếp trên 10 triệu tấn/năm.

Ưu thế của khu vực biển và vùng ven bờ của ta là vậy song mức sống, cách sống của con người, tình trạng môi trường và sự bảo tồn đa dạng sinh học ở nơi đây thì quả là không tương xứng.

Cư dân sống lâu đời ở vùng ven biển nghèo túng, làm ăn với biển theo kiểu “tay làm hàm nhai”, không có thói quen tích luỹ, trình độ học vấn bị hạn chế lại luôn luôn phải đối mặt với bao rủi ro trên biển cả. Họ sống giản đơn, mặc cho số phận, ít suy nghĩ về trách nhiệm gìn giữ môi trường. Trong lúc đó, một số khu vực ven biển xây dựng đô thị; nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nuôi thuỷ sản xuất hiện; những hoạt động cảng biển hàng hải, du lịch sôi nổi, đông dân cư, thu hút các nơi khác tràn về ngày càng đông. Hoàn cảnh mới giúp cho cư dân địa phương có thêm công ăn việc làm thuận lợi, song cũng nảy sinh sự xung khắc về phong tục tập quán và phong cách sống; đồng thời cũng làm cho tình hình môi trường thêm phức tạp.

Chất thải sinh hoạt, chất thải của các khu sản xuất, chế biến, thức ăn thừa của vùng nuôi thuỷ sản, của vùng làng nổi ngư dân ngày càng nhiều và cứ dần dà dồn hết ra biển, cùng với hàng trăm triệu tấn phù sa kéo theo biết bao chất thải độc hại từ hàng trăm con sông đổ ra, làm cho môi trường nước và không khí ở đây thật đáng lo ngại. Lượng dầu không ít lan vào nước biển do các loại tàu thuyền thải ra, hoặc rò rỉ, do sự cố tràn dầu, do hoạt động của các cơ sở khai thác dầu khí,... Từ năm 1994 đến năm 2002 đã có đến trên 40 vụ tràn dầu với số lượng dầu tràn lên đến trên 4.000 tấn. Đầu năm 2003, có 2 vụ tràn dầu Đánh mìn - hủy hoại môi trường sống của sinh vật biển

khá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, nhất là những vùng nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay nước ta có khoảng 340 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Ngoài việc rò rỉ hoặc tràn dầu, trung bình mỗi năm những cơ sở trên còn thải ra khoảng 5.600 tấn rác thải, trong đó có gần 30% là chất thải rắn nguy hại.

Hiện tượng thủy triều đỏ do ô nhiễm sinh học thường xuất hiện từ đầu tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm ở vùng biển Nam Trung Bộ, tạo nên những khối nhầy màu xám, bao quanh một số loài vi tảo biển, làm cho nước biển đặc quánh, có nơi như cháo. Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận là 3 địa phương bị nạn thuỷ triều đỏ này tàn phá nặng nề nhất.

Rạn san hô đã và đang bị khai thác quá mức để làm vôi, làm đồ vật lưu niệm; thậm chí nguy hại hơn là khai thác bằng phương pháp huỷ diệt như đánh mìn, sử dụng hoá chất độc để bắt hải sản sống trong rạn.

Hiện nay có đến 80% rạn san hô nằm trong tình trạng bị đe dọa, trong đó có 50% thuộc diện nguy cấp. Chính Viện Tài nguyên thế giới đã hai lần cảnh báo về tình trạng xấu của rạn san hô Việt Nam.

Rừng ngập mặn cũng ngày càng bị thu hẹp diện tích do sức ép của các hoạt động phát triển. Chỉ trong vòng 15 năm (từ năm 1985 đến năm 2000) mà rừng ngập mặn mất khoảng 75.000 ha.

Tất cả những hiện tượng đó đã ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ con người, đến sức sinh sản và phát triển của các loài dưới biển, đến năng suất nuôi trồng và đánh bắt hải sản, đến vẻ đẹp lộng lẫy và trong lành của cảnh quan vùng biển. Nhiều vùng biển ven bờ có nguy cơ bị thiếu ôxy trên diện rộng, giảm khả năng quang hợp của một số sinh vật biển; có nơi có biểu hiện bị a xít hoá do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi, hàm lượng amoniăởc ở một vài cửa biển vượt mức cho phép; do đó nguồn giống hải sản tự nhiên cũng bị suy giảm trông thấy: Nhiều chủ trại tôm và cá mú trong vùng bị ảnh hưởng của thuỷ triều đỏ, trắng tay do sản phẩm bị chết hết, xác sinh vật biển bị vật lên bờ từng đống, từng đống. Nguy cơ tổn thất lớn về đa dạng sinh học, nguy cơ bị diệt chủng của nhiều loại hải sản đã được báo động trên các sách báo trung ương và địa phương.

Nhà nước ta, kể cả một số cấp lãnh đạo địa phương và các ngành chức năng đã thấy được những vấn đề của biển và vùng ven bờ. Một ủy ban cấp quốc gia đã được thành lập. Các chính sách và luật pháp về quản lý biển và vùng ven bờ như Luật Thuỷ sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Hàng hải, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản,... các văn bản về Chiến lược bảo tồn và Quản lý đất ngập nước quốc gia, về Bảo tồn đa dạng sinh học và ứng cứu sự cố tràn dầu đã được ban hành. Hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia và ở một số địa phương ven biển đã được thiết lập và đưa vào hoạt động. Công cụ đánh giá tác động môi trường đối với việc thực hiện các dự án phát triển ở vùng bờ cũng đã được đưa vào sử dụng.


Một số mô hình quản lý tài nguyên, môi trường biển thành công đã xuất hiện và đang được nhân lên, như Khu Bảo tồn biển Rạn Trào, mấy khu rừng ngập mặn ở Khánh Hoà, Hải Phòng, Khu Bảo tồn rùa ở Ninh Thuận, nhất là Khu Bảo tồn rừng ngập mặn Cần Giờ. Bài học kinh nghiệm lớn nhất ở đây là dựa vào sức mạnh của cộng đồng và tinh thần tự quản của nhân dân địa phương.

Rừng ngập mặn là nơi nuôi dưỡng nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm biển, cua, cá bớp, sò, ngao, ốc hương..., là nơi cư trú và kiếm ăn của nhiều loài chim nước, bò sát quý hiếm như cá sấu, kỳ đà hoa,... Rừng ngập mặn còn là bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và tác hại của bão lụt; là hàng rào hấp thụ một phần những chất ô nhiễm, các kim loại nặng từ các sông đổ ra... Nhưng cũng do lợi ích trước mắt, do chưa ý thức được đầy đủ về giá trị của hệ sinh thái, một số địa phương đã phá rừng ngập mặn để lấy đất nuôi tôm, làm ảnh hưởng đến đời sống của dân nghèo, đến sự bảo tồn đa dạng sinh học, đến chiến lược kinh tế biển. Vào giữa thế kỷ XX, cả nước ta có đến trên 400 ngàn ha rừng ngập mặn với độ che phủ rừng rất lớn. Đến nay, chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo điều tra sơ bộ một số nơi thì độ che phủ rừng ngập mặn hiện nay chẳng còn là bao.

Một số tổ chức quốc tế như FAO, IUCN,... đã khuyến cáo tình trạng suy thoái tài nguyên và môi trường do phá rừng ngập mặn để làm đầm nuôi tôm. Một số nước có nhiều kinh nghiệm cũng đã giúp ta ý kiến có ích trong vấn đề này. Các chuyên gia của ta lên tiếng, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng đã nêu lên vấn đề một cách tích cực. Các cấp quản lý đã thấy rõ vấn đề, do đó hiện tượng phá rừng ngập mặn được ngăn chặn và một phong trào phục hồi rừng ngập mặn đang được dấy lên mà điểm sáng là khu sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nói là điểm sáng là xét đến kết quả cuối cùng tốt đẹp trong việc phục hồi rừng chứ quá trình phục hồi của nó vẫn còn nhiều gian nan.


Khu rừng này có diện tích 4 vạn ha nằm trong huyện Duyên Hải, thành phố Hồ Chí Minh. Thập kỷ 60 của thế kỷ trước, người Mỹ đã thả xuống đây rất nhiều bom napan và chất độc hoá học làm cho khu rừng tan nát. Sang thập kỷ 70, diện tích rừng chỉ còn khoảng 4.500 ha chà là, 1 vạn ha đất trống, bùn khô nứt nẻ, trên 5.000 ha đất lâm nghiệp; diện tích còn lại là thảm thực vật xơ xác với những lùm bụi ít cây giá trị; các cây gỗ có giá trị như đước, vẹt không còn nữa. Năm 1978, lâm trường Duyên Hải được thành lập với nhiệm vụ phục hồi rừng. Nhưng do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm quản lý nên việc trồng cây nông công nghiệp không thành công. Cuối năm 1989, nhiều đơn vị xin trả lại đất và rừng. Khó khăn chồng chất nhưng các đồng chí lãnh đạo ở đây không nản, đã họp nhau lại rút kinh nghiệm, mời các chuyên gia về góp ý kiến, tập hợp vận động nhân dân quanh vùng nhận khoán giữ rừng, trồng rừng theo kế hoạch mới và được hưởng quyền lợi thỏa đáng. Trầy trật một thời gian, nhưng rồi rừng ngập mặn Cần Giờ cũng được phục hồi, bảo vệ được và phát triển tốt. Đầu năm 2000, Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc/Bộ phận bảo tồn sinh quyển UNESCO/MAB đã công nhận khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và tiếp sau đó các tổ chức, đoàn thể xã hội trong nước, các tổ chức phi chính phủ thế giới... quan tâm giúp đỡ tích cực. Một hệ thống pin năng lượng mặt trời cấp điện cho 155 hộ lao động giữ rừng và 14 tiểu khu bảo vệ rừng được trang bị. Nước ngọt dự trữ được tăng cường, trạm y tế, tổ tín dụng thương mại được thành lập, giúp cho mọi cư dân ở đây có đời sống lao động được bảo đảm. Rừng Cần Giờ hiện nay đã là một khu rừng ngập mặn phục hồi lớn nhất nước với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, động thực vật phong phú, đa dạng. Có thể nói, lượng hải sản ở Cần Giờ lúc này đã ỏ tới gấp gần 20 lần trước đây và tên tuổi rừng Cần Giờ đã được nhiều nơi, không chỉ trong nước, mà cả ngoài nước biết đến.


Để cho sức sống của biển ngày càng mạnh mẽ và phát triển bền vững, chúng ta hãy đến với biển, sống với biển, khai thác biển với một tinh thần làm chủ và một thái độ thân thiện, khoa học. Xin đừng bao giờ quên: Hãy nghiêm túc bảo toàn chức năng của các hệ sinh thái biển và vùng ven bờ; găởng sức xoá đói giảm nghèo cho cư dân ven biển, cân bằng quyền lợi giữa người dân với Nhà nước, giữa trước mắt và lâu dài; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật một cách đúng đắn vào các hoạt động khai thác biển, đặc biệt trong việc khai thác biển xa và nuôi thâm canh các loài thủy hải sản; giữ gìn môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong mọi quan hệ với biển.

Nguồn www.dwrm.gov.vn/forum/post.asp?method=ReplyQuote&REPLY_ID=44&TOPIC_ID=27&FORUM_ID=10