Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu môi trường biển Southern California Mỹ (SCWR) thì nạn ô nhiễm rác thải nhựa tại vùng biển Thái Bình Dương hiện nay đang lên mức báo động, nó không chỉ làm cho môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các loài sinh vật biển.

Một trong số những địa danh được xem là ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất là vùng biển Hawai, nó đã được các nhà khoa học đặt cho biệt danh là Easter Garbage Patch (vùng rác thải phía Đông, gọi tắt là EGP), tại đây người ta phát hiện thấy nhiều rác thải kéo dài hàng dặm. Theo ông Charles Moore - cựu sinh viên, người đã từng tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam những năm 70 ở thế kỷ trước và hiện đang là giám đốc Quỹ nghiên cứu Hải dương học Alglite (ARF) - cho biết, vùng rác thải EGP hiện nay đang có chiều hướng tăng dần về diện tích và đa dạng về chủng loại, chủ yếu là các loại chai nhựa polycarbonate, túi chứa thực phẩm plastic, các loại cốc và hộp nhựa (polystyrene), gói đồ ăn nhanh, vỏ bánh kẹo bằng màng nhựa vv…

Con rùa khi nhỏ vướng phải chiếc vòng nhựa nay phát triển cơ thể chia làm đôi

Đây là những loại vật liệu rất khó phân hủy và khi động vật biển ăn phải rất nguy hiểm, ví dụ có những con chim hải âu lớn khi ăn quá nhiều đồ vật này không tiêu được đã chết và lộ nguyên hình trong bụng toàn chai lọ, cốc nhựa; hoặc có những con rùa khi còn nhỏ vướng phải chiếc vòng nhựa ở giữa, khi trưởng thành cơ thể chia làm đôi giống như chiếc kính, gây biến dạng thảm thương; hoặc có những con chim biển được các nhà khoa học phát hiện khi chết trong bụng có chứa trên 1.603 vật dụng bằng nhựa plastic hoặc có những loài vật bị chết do mắc vào túi nhựa không thoát ra được. Theo số liệu thống kê của ARF, hàng năm có trên 1 triệu con chim biển, 100.000 động vật có vú và nhiều loại cá ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương bị chết do ăn phải thức ăn rác thải nhựa.

Theo KHPT, www.agenda21.monre.gov.vn