General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1. MỞ ĐẦU

Cá rạn san hô (RSH) được hiểu là “tất cả các loài cá có đời sống gắn liền với sinh cảnh của rạn san hô trong một giai đoạn nhất định hoặc toàn bộ vòng đời”. Cá RSH có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái rạn san hô thông qua việc tham gia vào chuỗi thức ăn. Một số loài cá rạn rất nhạy cảm với sự thay đổi của các yếu tố môi trường, nên chúng được coi như nhóm sinh vật chỉ thị gián tiếp cho sức khỏe của rạn san hô (Michael, 1995). Đây là một trong những cơ sở khoa học giúp cho các nhà quản lý có thể đánh giá nhanh phục vụ cho việc bảo vệ và quản lý bền vững hệ sinh thái rạn san hô. Ngoài ra, nhiều nhóm cá rạn có giá trị kinh tế cao, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng triệu ngư dân ven biển. Theo ước tính của Lauretta et al (2002), lợi nhuận thu được riêng từ thị trường xuất nhập khẩu cá rạn trên thế giới lên tới 2,4 tỷ USD/năm.

Tại Việt Nam, cho đến nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến cá rạn san hô (L.D. Phương, 2006). Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đây chủ yếu thống kê về thành phần loài và nêu một số đặc điểm sinh học, sinh thái cơ bản của một số loài có giá trị kinh tế. Trong bài viết này chúng tôi thông báo tóm tắt một số kết quả chủ yếu của đề tài thực hiện trong năm 2005-2006.      

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

• Phạm vi nghiên cứu: tại 8 vùng đảo dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển (KBTB) là: Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc.

• Phương pháp thu và phân tích mẫu: Sử dụng phương pháp lặn quan sát trực tiếp (English et al, 1997) kết hợp với thiết bị quay phim, chụp ảnh dưới nước để nghiên cứu nguồn lợi cá rạn san hô.

- Thu mẫu định lượng: Sử dụng thiết bị lặn (SCUBA diving) để lặn trong các vùng rạn san hô dọc theo dây mặt cắt, chiều dài mỗi mặt cắt là 100m, tầm quan sát ngang sang mỗi bên dây mặt cắt là 2,5m (tổng diện tích mỗi mặt cắt là 500 m 2). Mỗi năm khảo sát 2 chuyến vào mùa mưa và mùa khô, mỗi chuyến khảo sát tại mỗi đảo từ 8-10 mặt cắt.

- Xác định diện tích rạn san hô bằng phương pháp kéo mantatow kết hợp với máy định vị vệ tinh GPS (English et al, 1997). Ngoài ra, chúng tôi còn thử nghiệm xác định diện tích rạn san hô tại đảo Bạch Long Vĩ và Côn Đảo bằng công nghệ giải đoán ảnh vệ tinh IKONOS trên 7 kênh phổ màu với độ phân giải 4m.

- Thu mẫu định tính: Mẫu định tính được thu và ghi nhận trong quá trình lặn quan sát trực tiếp kết hợp quay phim và chụp ảnh dưới nước. Sử dụng lưới vây để vây quanh chân rạn thu thập mẫu cá làm tiêu bản và phục vụ phân loại tại phòng thí nghiệm. Ngoài ra, mẫu vật cá rạn còn được thu mua từ các cảng cá, bến cá và các chợ đầu mối. Mẫu được phân tích sơ bộ tại hiện trường và chụp ảnh, sau đó cố định bằng formaline 15%, ghi nhãn và đem về phân tích trong phòng thí nghiệm.

- Phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm: Toàn bộ mẫu vật thu được ngoài thực địa, ảnh chụp dưới nước, kết hợp với băng quay video được phân tích trong phòng thí nghiệm. Phân loại cá rạn theo khóa phân loại của các tác giả Lieske et al. (1996), Allen (2000) và cơ sở dữ liệu Fish Base (Froese & Pauly, 2004).

•Phương pháp xử lý số liệu:

- Chỉ số đa dạng loài H' Shannon Weaver (Krebs, 2001) được tính theo công thức:

Trong đó:

         ni: số lần bắt gặp loài i tại khu vực khảo sát

         N: là tổng số bắt gặp của tất cả các loài tại khu vực khảo sát

- Ước tính trữ lượng cá rạn san hô (Michael, 1995): Trữ lượng cá rạn san hô (Bv) được tính bằng tổng trữ lượng của các loài có trong vùng rạn nghiên cứu. Trữ lượng của loài i được tính theo công thức:

Bi = Ni*WTB

Trong đó:

Ni là tổng số lượng cá thể của loài i, được tính theo công thức:

              Trong đó:

              A:  tổng diện tích vùng rạn san hô,

              a : diện tích 1 mặt cắt khảo sát (500 m2),

              n: số mặt cắt khảo sát,

              x: tổng số cá thể của loài i trong n mặt cắt khảo sát.

WTB là khối lượng trung bình của các cá thể loài i.

Khối lượng cá thể (Wi) của loài i được tính dựa trên mối tương quan giữa chiều dài và trọng lượng của loài i:

Wi = a*Lb

        Trong đó :

                L: chiều dài toàn thân ước tính được bằng phương pháp
                    lặn quan sát trực tiếp 

                a, b: các tham số đã được tính toán trong Fish Base (2004).

3. TÓM TẮT MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đặc điểm cấu trúc thành phần loài cá rạn san hô

Kết quả nghiên cứu trong 2 năm 2005- 2006 đã thống kê được tổng số khoảng 340 loài thuộc 115 giống, 47 họ phân bố tại 8 vùng dự kiến thiết lập KBTB. Trong đó, các họ có số lượng loài chiếm ưu thế (trên 20 loài) theo thứ tự từ cao đến thấp là họ cá thia Pomacentridae (73 loài), họ cá bàng chài Labridae (57 loài), họ cá bướm Chaetodontidae (22 loài). Các họ có số lượng loài dưới 20 loài là họ cá mó Scaridae (19 loài), họ cá mú Serranidae (19 loài), họ cá lượng Nemipteridae(13 loài), họ cá hồng Lutjanidae (13 loài), họ cá sơn Apogonidae (12 loài), họ cá đuôi gai Acanthuridae (11 loài), họ cá bướm gai Pomacanthidae (9 loài), họ cá sơn đá Holocentridae (7 loài), họ cá phèn Mullidae (7 loài), họ cá hè Lethrinidae (6 loài), họ cá bống trắng Gobiidae (5 loài) và họ cá bò Monacanthidae (5 loài). Các họ cá rạn còn lại đều có số lượng loài thấp dưới 4 loài.

3.2. Đặc trưng phân bố nguồn lợi cá rạn san hô

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cấu trúc thành phần loài cá rạn san hô phân bố không đồng đều giữa các vùng địa lý với xu hướng tăng dần số lượng loài từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy ó sự chênh lệch về phân bố số họ, số giống và số loài giữa các đảo và giữa các vùng biển nghiên cứu là khá lớn. Tại khu vực Côn Đảo có số lượng loài lớn nhất (159 loài) và thấp nhất tại đảo Bạch Long Vĩ (33 loài). Vùng biển Đông Nam Bộ có số lượng loài phân bố cao nhất (204 loài), sau đó là vùng Tây Nam Bộ, vùng vịnh Bắc Bộ và thấp nhất là vùng biển Trung Bộ (113 loài).

Sự chênh lệch về số lượng loài cá rạn giữa các vùng rạn san hô và theo vùng địa lý có thể lý giải là do có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, môi trường, đặc biệt là có sự khác nhau về cấu trúc rạn san hô và các hợp phần nền đáy rạn giữa các vùng biển nghiên cứu (Michael, 1995; N. C. Hoàn, 2006). Do vậy, nhiều nhóm loài có đặc tính thích nghi sinh thái, chỉ phân bố ở vùng biển phía Nam hay chỉ phân bố ở vùng biển phía Bắc hoặc chỉ phát hiện phân bố ở vùng đảo này mà lại không phát hiện thấy phân bố ở vùng đảo kia (Đ. D. Thu, 2006).

3.3. Chỉ số đa dạng loài Shannon Weaver (H’)

Chỉ số đa dạng loài H’ trung bình ở các vùng biển dao động khá lớn (từ 0,64 đến 1,70) và cũng thể hiện xu hướng tăng dần từ Bắc đến Nam. Tại vùng biển Côn Đảo có chỉ số H’ cao nhất (1,70), sau đó vùng biển đảo Lý Sơn, Phú Quốc, Phú Quý, Cù Lao Chàm, Bạch Long Vĩ và thấp nhất là vùng biển đảo Cô Tô (0,64).

Tại vùng biển đảo Cô Tô và Bạch Long Vĩ, số lượng loài bắt gặp trên các mặt cắt khảo sát thấp và đặc biệt có sự phân bố ưu thế của một số loài với mật độ cao như loài Siganus canaliculatus, Thalassoma lunare, Cirrhilabrus temminckii,..., do vậy, chỉ số H’ thấp hơn hẳn so với các vùng biển đảo khác. Mặt khác, tại vùng biển đảo Cô Tô, hiện trạng san hô năm 2005 - 2006 đã bị suy thoái nghiêm trọng kéo theo môi trường bị ô nhiễm do san hô chết, độ phủ san hô sống chỉ còn khoảng 1-5%, điều này đã làm mất dần nơi sinh cư và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài cá rạn san hô (N.C.Hoàn, 2006)

3.4. Hiện trạng nguồn lợi cá rạn san hô

Mật độ cá rạn san hô: Mật độ cá rạn san hô có sự dao động lớn giữa các mặt cắt khảo sát (từ 10-1.432 cá thể/500m2) và giữa các đảo với nhau (từ 132-626 cá thể/500m2). Điều này thể hiện rất rõ sự phân bố mật độ cá rạn phụ thuộc vào tính thích nghi sinh thái theo cấu trúc rạn san hô và độ gồ gề của nền đáy rạn giữa các mặt cắt hoặc giữa các vùng rạn khác nhau (N.V.Quân, 2006). Ngoài ra, tại một số đảo có mật độ phân bố cá rạn san hô cao là do sự chiếm ưu thế của một số loài như tại đảo Bạch Long Vĩ (loài Cirrhilabrus temminckii có khi lên tới 988 cá thể/500m2).

Phân bố theo nhóm chiều dài: Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm cá có kích thước nhỏ (chiều dài toàn thân TL ( 10cm) chiếm tỷ lệ khá cao ở hầu hết các đảo nghiên cứu. Nhóm cá có kích thước nhỏ được ghi nhận chủ yếu thuộc các họ cá bướm (Chaetodontidae), họ cá thia (Pomacentridae), cá sơn (Apogonidae), cá bướm gai (Pomacanthidae), cá bàng chài (Labridae), cá thù lù (Zanclidae), cá bống trắng (Gobiidae), và cá con của một số loài cá kinh tế khác như cá mú (Serranidae), cá lượng (Nemipteridae), cá hồng (Lutjanidae). Trong khi đó, nhóm cá có kích lớn hơn 21 cm chiếm tỷ lệ thấp ở hầu hết các đảo. Nhóm cá có kích thước lớn chủ yếu là các nhóm có giá trị làm thực phẩm như cá miền (Caesionidae), cá lượng (Nemipteridae), cá mú (Serranidae), cá sơn đá (Holocentridae), cá hồng (Lutjanidae), cá hè (Lethrinidae). Riêng ở vùng biển Cô Tô nhóm cá có kích thước lớn hơn 21 cm hầu như không còn phát hiện thấy trên các mặt cắt khảo sát. Điều này phản ánh thực trạng khai thác quá mức và ảnh hưởng của hiện tượng san hô chết hàng loạt từ năm 2004-2006 (N.C. Hoàn, 2006).

Nguồn lợi cá rạn san hô theo giá trị sử dụng: Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng họ của nhóm cá kinh tế phân bố tại các vùng nghiên cứu chiếm tỷ lệ (54%) cao hơn so với số họ của nhóm cá cảnh (32%) và số họ của các nhóm cá khác (14%). Tuy nhiên, số lượng cá thể của các loài thuộc nhóm cá kinh tế lại chiếm tỷ lệ (15%) thấp hơn so với số lượng cá thể của nhóm cá cảnh (75%) và số lượng cá thể của các nhóm cá rạn khác (10%).

Ước tính trữ lượng tức thời nguồn lợi cá rạn san hô: Dựa trên kết quả tính toán diện tích rạn san hô và sinh khối cá rạn trên mỗi mặt cắt khảo sát, tổng trữ lượng cá rạn ước tính ban đầu tại 8 vùng dự kiến thiết lập KBTB khoảng 843,2 tấn. Trong đó, đảo Bạch Long Vĩ có trữ lượng lớn nhất (248,6 tấn), sau đó là đến đảo Lý Sơn (225,0 tấn), Côn Đảo (135,0 tấn), Phú Quí (122,0 tấn), Phú Quốc (53,1 tấn), Cồn Cỏ (37,3 tấn) và trữ lượng cá rạn thấp nhất tại Cô Tô (11,1 tấn) và Cù Lao Chàm (11,1 tấn).

4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

- Bước đầu đã xác định được hiện trạng cấu trúc thành phần loài cá rạn san hô tại 8 vùng dự kiến thiết lập KBTB bao gồm 340 loài, thuộc 115 giống và 47 họ. Số lượng họ, giống và số lượng loài cá rạn san hô có sự dao động khá lớn giữa các khu vực đảo nghiên cứu và giữa các vùng biển phân chia theo giới hạn địa lý, với xu hướng tăng dần từ các đảo phía Bắc đến phía Nam. Giá trị chỉ số đa dạng loài (H’) của quần xã cá rạn san hô cũng có xu hướng tương tự, H’ tăng dần từ các đảo phía Bắc (tại đảo Cô Tô, H’ = 0,64) đến phía Nam (tại Côn Đảo, H’ = 1,70). Mật độ cá rạn san hô có sự dao động lớn giữa các mặt cắt khảo sát ngay tại mỗi đảo và giữa các vùng đảo nghiên cứu (từ 10 – 1.432 cá thể/500m2). Mật độ cá rạn có mối quan hệ phụ thuộc vào cấu trúc các rạn san hô, độ gồ ghề của nền đáy rạn và sự phân bố của một số nhóm loài chiếm ưu thế. Hiện trạng nguồn lợi cá rạn san hô tại 8 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển hầu hết là các cá thể có kích thước nhỏ (TL (10 cm, chiếm trung bình khoảng 63%). Số lượng cá thể của các loài cá kinh tế (15%) chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nhóm cá cảnh (75%) và các nhóm cá khác (10%). Trữ lượng tức thời của cá rạn san hô tại 8 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển ước tính đạt khoảng 843,2 tấn/tổng diện tích rạn san hô (5.495 ha).

- Đề xuất: Bộ Thủy sản cần có biện pháp chỉ đạo, thúc đẩy các hoạt động thiết lập và quản lý các khu bảo tồn biển nhằm bảo vệ kịp thời các rạn san hô đang bị suy thoái và có kế hoạch quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi cá rạn san hô.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Duy Phương, 2006. Tổng quan tình hình nghiên cứu về nguồn lợi cá rạn san hô ở biển Việt Nam. Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo quốc gia về cá rạn san hô và nguồn lợi dốc thềm lục địa Việt Nam, tháng 12/2006. Tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hải sản.

2. Đào Duy Thu, 2006. Một số kết quả nghiên cứu về đặc trưng sinh thái học cá rạn san hô tại một số vùng dự kiến thiết lập KBTB. Báo cáo chuyên đề tại Hội thảo quốc gia về cá rạn san hô và nguồn lợi dốc thềm lục địa Việt Nam, tháng 12/2006. Tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hải sản.

3. Michael King, l995. Fisheries Population Dynamic. Fisheries Biology, Assessement and Management, the fishing new books. Blackwell science LTD. ISBN 85238-2235. 340pp.

Nguồn lợi cá rạn san hô tại Côn Đảo

Nguồn lợi cá rạn san hô tại đảo Phú Quý

Lại Duy Phương
Đỗ Văn Khương
Nguyễn Quang Hùng

Bản tin số 4 Viện Nghiên cứu Hải Sản


Download