General Information

Author:
Issued date: 24/11/2009
Issued by:

Content


1. Mở đầu

Nghề câu tay cá ngừ đại dương quanh các cụm chà thả ở ngư trường có độ sâu lớn đã được ngư dân Philippin ứng dụng thành công, hiệu quả khai thác thu được khá cao. Đối với ngư dân Việt Nam nghề này còn xa lạ và mới mẻ, vì thế để nghiên cứu ứng dụng nghề câu tay cá ngừ đại dương quanh chà ở ngư trường có độ sâu lớn trên vùng biẻn của Việt Nam, đề tài “Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong nghề câu cá ngừ đại dư­ơng ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ” đã thực hiện các nghiên cứu về cải tiến chà và thả chà ở ngư trường có độ sâu lớn để tập trung cá ngừ đại dương và nghiên cứu cải tiến ngư cụ, phương pháp khai thác. Từ nghiên cứu thử nghiệm, bước đầu đề tài đã ứng dụng kỹ thuật câu cá ngừ quanh chà vào điều kiện thực tế của biển Việt Nam

2. Các phương pháp câu quanh chà

Phương pháp câu tay: Dùng tàu mẹ chở theo các thúng và người ngồi trên thúng để câu tay quanh chà ở các ngư trường có độ sâu từ 20 - 250m. Thường câu vào lúc hừng đông từ 4h00 - 8h00 và lúc xẩm tối từ 16h00 - 20h00.

Phương pháp câu buộc chà: Buộc nhiều đường dây câu cố định xung quanh chà với các độ sâu thay đổi từ 20 -250m, theo phương pháp này có thể câu suốt cả ngày (24/24h).

Phương pháp câu vàng quanh chà: Thả trôi vàng câu có chiều dài khoảng 5.000m bao quanh chà phía trên hướng nước chảy so với phao chà, thường câu vào lúc hừng đông từ 4h00 - 8h00 và lúc xẩm tối từ 16h00 - 20h00.

3. Sản lượng và năng suất khai thác

Sản lượng khai thác:

Sản lượng cá ngừ đại dương và các loài cá khác câu được ở quanh các cụm chà được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1. Sản lượng khai thác cá quanh chà

Phương pháp câu

Cá ngừ
vây vàng

Cá ngừ
mắt to

Cá khác

Tổng sản lượng (kg)

Số
 con
(con)

Sản
lượng (kg)

Số con
(con)

Sản
lượng (kg)

Số
con
(con)

Sản
lượng (kg)

Câu tay

44

433,0

8

32,5

72

218,7

684,2

Câu buộc chà

23

159,5

7

28,0

13

61,0

248,5

Câu vàng quanh chà

79

578,0

12

99,0

4

94,5

771,5

Tổng

146

1.170,5

27

159,5

89

374,2

1.704,2

Kết quả của 6 chuyến thử nghiệm đã câu được 1.330kg cá ngừ đại dương, trong đó cá ngừ vây vàng là 1.170,5kg chiếm 88,01% và cá ngừ mắt to là 159,5kg chiếm 11,99%. Tuy nhiên có đến 89,90% cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có khối lượng cá thể nhỏ hơn 20kg/con, rất ít cá ngừ có khối lượng cá thể lớn trên 30kg/con.

Năng suất khai thác:

Do cá ngừ đại dương chỉ tập trung ăn câu vào lúc hừng đông và lúc xẩm tối, cho nên thời gian câu cá quanh chà chủ yếu vào hai thời điểm trên, năng suất khai thác 1 mẻ câu được tính theo thời gian câu tay với khoảng thời gian từ 4 giờ đến 4,5 giờ; thời gian câu 1 mẻ của câu buộc chà là 3 giờ - 4 giờ, thời gian câu 1 mẻ của câu vàng quanh chà từ 0,5 giờ đến 5 giờ. Năng suất khai thác cá ngừ đại dương và các loài cá khác nêu trong bảng 2. Như vậy, câu vàng quanh chà cho năng suất khai thác cá ngừ đại dương đạt 25,07kg/mẻ còn câu tay chỉ đạt 4,75kg/mẻ.

Bảng 2. Năng suất khai thác cá quanh chà

Phương pháp câu

Năng suất khai thác (kg/mẻ)

Cá ngừ đại dương

Cá khác

Câu tay

4,75

2,23

Câu buộc chà

3,23

1,05

Câu vàng quanh chà

25,07

3,50

4. Tập tính cá ngừ đại dương quanh chà

Độ sâu ăn mồi của cá quanh chà

Qua thực tế đánh bắt thử nghiệm cho thấy cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ăn câu nhiều ở độ sâu 20 - 60m nước. Đặc biệt câu thử nghiệm bắt được khá nhiều cá ngừ vây vàng ở độ sâu 40 - 60m (chiếm 54,86% tổng sản lượng khai thác).

Thời gian cá ăn mồi quanh chà

Kết quả khai thác thử nghiệm cho thấy: Thời điểm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ăn mồi nhiều nhất là lúc 4h30 - 5h30 và từ 17h30 - 18h30. Các loài cá khác như cá cam, cá nục heo, cá cờ,… thường ăn câu đều vào các thời điểm từ 4h00 - 20h00.

Vị trí đàn cá tập trung quanh chà

- Cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ăn mồi ở vị trí cách chà từ 0 - 4.000m. Cá tập trung chủ yếu ở vị trí cách chà từ 0 - 600m. Càng ra xa chà cá ngừ càng ít ăn câu hơn.

- Cá ngừ đại dương loại nhỏ từ 2 - 5kg thường tập trung thành đàn, nổi sát mặt nước ở vị trí cách chà từ 10 - 100m.

5. Kỹ thuật câu cá ngừ quanh chà

5.1. Câu tay

- Chuẩn bị mồi câu:

Mồi chính: Dùng mồi mực đại dương, trọng lượng mồi từ 200 - 500g.

Mồi phụ: là mực đại dương cắt thành những lát nhỏ. Một con mực đại dương có trọng lượng 200g, có thể cắt thành 10 - 12 mảnh mồi nhỏ.

Túi mực: Dùng mực của các con mực thật và đựng trong các túi nilon nhỏ và buộc chung với lưỡi câu và đá.

Các viên đá nhỏ

Cách mắc mồi câu: Móc lưỡi câu vào con mực đại dương, móc túi mực vào đốc câu, đặt mồi câu và túi mực lên hòn đá có khối lượng 400 - 500g, sau đó dùng dây câu quấn 3 - 4 vòng quanh hòn đá để cố định con mực vào hòn đá, tiếp theo đặt 2 - 3 miếng mực thái nhỏ lên hòn đá và quấn chặt 4 - 5 vòng vào hòn đá, tiếp tục đặt 2 - 3 miếng mực còn lại và quấn vào hòn đá, sau đó chập đôi dây câu lại và luồn đầu chập vào các vòng quấn để cố định dây câu không tuột khỏi hòn đá và cũng đảm bảo sao cho khi giật mạnh dây câu, đá và những miếng mồi nhỏ sẽ bung ra, và que tre nhỏ buộc vào dây câu chính sẽ tụt khỏi túi mực để mực loang ra ngoài vùng có lưỡi câu.

- Thả câu:Kỹ thuật câu tay cá ngừ đại dương được các thủy thủ thực hiện như sau: Khi lưỡi câu đã được mắc mồi câu xong, người câu sẽ thả lưỡi câu xuống nước (thả nhẹ nhàng, tránh giật cục sẽ làm hòn đá bung ra), nới dây câu cho mồi câu chìm xuống độ sâu cần câu (20 - 250m), dùng tay giật mạnh dây câu nhiều lần cho đến khi hòn đá bung khỏi dây câu, các miếng mồi nhỏ cũng sẽ tung ra, khi hòn đá bung ra sẽ kéo theo que tre tuột khỏi túi mực và nước mực sẽ phụt ra khỏi túi giống như là con mực đang chạy để tăng khả năng hấp dẫn cá ngừ.

Người ta có thể câu tay trên các thúng câu và câu trên tàu. Khi câu tay trên thúng, nếu có dòng chảy mạnh, các thúng câu phải buộc cố định vào chà để câu. Sơ đồ bố trí thúng câu như hình 1. Độ sâu hoạt động của lưỡi câu sẽ được thay đổi trong suốt quá trình câu.

Hình 1. Thúng buộc vào chà câu

- Ngâm câu: Khi thả câu xong là thời gian ngâm câu, thời gian ngâm thường từ 5 - 10 phút (có khi 20 – 30 phút), nếu không có cá ăn sẽ thu lưỡi câu lên và thay mồi khác.

- Thu câu: Kéo dây câu nhịp nhàng thu câu để tránh dây câu không bị rối, khi thu chì ta phải để riêng ra.

Thu chì xong ta thu tiếp đến lưỡi câu và mồi câu, kiểm tra mồi câu nếu còn đủ độ tươi thì sử dụng làm mồi câu tiếp, tháo bỏ túi mực và mắc túi mực mới.

Ghi chú: Nếu sóng gió to thì tàu buộc vào phao chà để câu và chỉ tiến hành câu trên tàu.

Khi có cá ăn câu, nếu câu trên tàu thì 2 thủy thủ thay nhau kéo dây câu để bắt cá. Do cá mới ăn câu còn rất khoẻ nên khi kéo dây câu phải rất thận trọng, khi cá lặn sâu xuống hoặc chạy loăng quăng thì phải nới dây câu để tránh cá giật mạnh bứt lưỡi câu khỏi miệng cá, lúc cá có xu hướng bơi nổi trồi lên thì phải thu nhanh dây câu, khi kéo cá lên còn cách mạn tàu từ 1 - 2m, một thuỷ thủ dùng khấu tre móc chính xác vào mang cá (tránh móc vào thân cá sẽ làm xây sát cá), đối với cá to thì phải dùng 2 khấu tre để kéo cá lên tàu.

Câu ở dưới thúng, nếu cá to ăn câu thì thủy thủ báo cho tàu chạy đến hỗ trợ bắt cá, cá nhỏ thì thu dây câu lên và dùng khấu tre để bắt cá.

5.2. Câu vàng quanh chà

- Thả câu:

Chuẩn bị thả câu: Chuẩn bị phao cờ, đèn chớp, phao đầu câu, sắp xếp rổ câu đựng dây câu chính, rổ câu đựng dây thẻo, phao ganh và dây phao ganh; chuẩn bị mồi câu.

Kỹ thuật thả câu: Khi công việc chuẩn bị hoàn tất, thuyền trưởng điều khiển tàu lên phía trên nước so với chà, cách chà một khoảng 10 – 20m (bên trái phao chà) tăng tốc độ tàu đến tốc độ thả câu theo hướng thả đã định trước (hướng thả câu là hướng song song và ngược với hướng nước chảy, câu được thả theo hình chữ U, tốc độ thả câu thường từ 5,5 - 6,8 hải lý/h). Thuyền trưởng ra lệnh thả câu, vàng câu quanh chà được thả theo thứ tự sau: thả phao cờ ( thả dây câu chính ( bấm móc kẹp liên kết giữa dây phao ganh, dây thẻo và dây câu chính ( thả lưỡi câu và mồi câu, dây thẻo. Thuyền trưởng cần căn cứ vào số lượng lưỡi câu dự định thả để thay đổi hướng thả câu đảm bảo sau khi thả câu xong, đường câu có dạng hình U.

- Ngâm câu: Đây là thời gian hoạt động của vàng câu, câu ngâm thường từ 2 - 4 giờ tuỳ thuộc vào thời điểm cá ăn câu và tốc độ trôi của vàng câu. Trong thời gian ngâm câu tàu thường xuyên nổ máy quan sát sự hoạt động của vàng câu, nếu phát hiện lưỡi câu nào có cá ăn câu thì chạy tàu tới thu cá lên tàu.

- Thu câu:

Chuẩn bị thu câu: Chuẩn bị rổ đựng dây câu chính, rổ đựng dây thẻo câu (1 rổ câu đựng dây câu chính và 1 rổ câu đựng dây thẻo), lắp dây curoa vào tời thu câu, chuẩn bị khấu tre để bắt cá, nếu thả ban đêm thì phải nổ máy phát điện để thắp sáng.

Kỹ thuật thu câu: Khi vàng câu trôi cách phao chà khoảng 1 – 2 hải lý, thuyền trưởng điều khiển tàu tới phao cờ, một thủy thủ dùng khấu tre thu phao cờ lên tàu. Vàng câu được thu theo thứ tự: thu phao cờ ( thu dây câu chính ( tháo móc kẹp liên kết các dây phao ganh, dây thẻo và dây câu chính ( thu dây phao ganh, phao ganh (thu thẻo câu, lưỡi câu và bắt cá.

5.3. Câu buộc chà

- Chuẩn bị thả câu: Cần chuẩn bị đầy đủ mồi câu, đá câu, bộ câu tay.

- Buộc dây câu vào chà: Xung quanh phao chà buộc các đường dây câu có độ sâu từ 30 – 250m, khoảng cách giữa hai đường dây câu từ 30 – 65m. Mỗi đường dây câu được nối với một phao ganh ống.

- Cách mắc mồi câu vào lưỡi câu: Dùng cước mảnh buộc đá câu (độ mảnh của cước đảm bảo khi giật mạnh sẽ đứt) và tạo khuyết để móc vào lưỡi câu. Móc lưỡi câu vào con mực đại dương, móc túi mực vào đốc câu, móc đầu khuyết buộc hòn đá vào lưỡi câu, dùng que tre nhỏ đâm thủng túi mực. Sau đó sẽ thả mồi câu và đá câu xuống độ sâu cần câu, khi đã thả hết dây câu người câu sẽ giật mạnh dây câu nhiều lần cho đến khi dây cước buộc hòn đá đứt khỏi lưỡi câu.

- Ngâm câu và thay mồi câu : Thời gian ngâm câu từ 3 – 4 giờ, ngâm câu ban ngày sẽ có 2 thủy thủ trực trên tàu luôn quan sát phao ganh hoặc câu vào ban đêm thì dùng đèn pha quét các phao ganh, nếu phát hiện có cá ăn câu sẽ báo cho thuyền trưởng chạy tàu tới bắt cá. Sau 3 – 4 giờ, sẽ có 4 thủy thủ xuống 2 thúng để thay mồi câu ở các đường câu và bắt cá nếu cá ăn câu, thời gian thay mồi câu khoảng 30 phút. Vào thời điểm hừng đông (4h00 – 8h00) và xẩm tối (16h00 – 18h00) thì sau 1 – 2 giờ sẽ thay mồi câu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Bôn và Nguyễn Phi Toàn, 2005. Báo cáo kỹ thuật khai thác nghề câu (câu tay) cá ngừ đại dương ở Philippin.

2. Nguyễn Long và ctv, 2007. Báo cáo tổng kết khoa học và kỹ thuật đề tài “Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng công nghệ mới trong nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển miền Trung và Đông Nam Bộ”.

3. Edgardo A.Togonon, 2002. Tuna Handline Fishing in Tuna Productivity Enhancemnent Program (TPEP) Reserve Area.

Lê Văn Bôn
Nguồn: Bản tin số 7 Viện Nghiên cứư Hải sản


Download