General Information

Author:
Issued date: 30/07/2008
Issued by:

Content


Đánh giá một số mẫu lưới kéo đôi dùng cho cỡ tàu trên 90 cv ở Việt Nam (Phần 2)

1.Mở đầu

Hiện nay ở Việt Nam có nhiều hình thức đa dạng khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo như: nghề lưới kéo đôi, nghề lưới kéo đơn; nghề lưới kéo tôm, nghề lưới kéo cá hoặc nghề lưới kéo đáy; nghề lưới kéo tầng giữa v.v…Nghề lưới kéo có vị trí khá quan trọng trong khai thác hải sản. Tuỳ thuộc vào từng vùng biển và khả năng cũng như kinh nghiệm của ngư dân mà sự phát triển và quy mô của đội tàu lưới kéo ở mỗi vùng có khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến nghề lưới kéo đôi của các đôi tàu có công suất > 90 cv/chiếc, hiện đang được sử dụng ở Việt Nam.

2.Tài liệu và phương pháp

Báo cáo này được hoàn thành dựa vào nguồn tài liệu của nhiều chuyến điều tra tại nhiều bến cá, trên nhiều tàu cá của một số tỉnh từ năm 1996 đến nay.

Bằng phương pháp khảo sát thực tế và đo đạc cụ thể nhiều mẫu lưới kéo đôi đang được các đội tàu sử dụng để khai thác hải sản và thông qua việc phỏng vấn các chủ tàu, các thuyền trưởng để thu thập số liệu về sản lượng và các dữ liệu khác của ngư cụ và phương tiện. Các số liệu thu được là cơ sở để đánh giá và so sánh.

3.Kết quả nghiên cứu

3.1.Vài nhận xét về nghề lưới kéo đôi ở một số vùng biển

- Vùng biển Vịnh Bắc Bộ

Trước năm 1996, ở vùng biển này có nhiều tàu công suất từ 90 – 1000cv hoạt động khai thác hải sản, trong đó các tàu có công suất từ 200 – 1000cv thường sử dụng lưới kéo đơn để khai thác tôm, cá. Các tàu có công suất từ 90 – 135cv khi đánh tôm thường sử dụng hình thức kéo đơn, nếu đánh cá thường sử dụng hình thức kéo đôi. Nhìn chung các tàu này đều do các xí nghiệp nhà nước quản lý và sử dụng. Đầu những năm 1980 đội tàu này dần chuyển sang nhiệm vụ khác, có những xí nghiệp khai thác thuỷ sản vẫn tồn tại nhưng không có tàu tham gia khai thác thuỷ sản.

Từ năm 1997 đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình khai thác hải sản xa bờ của Nhà nước, tình hình khai thác hải sản ở khu vực này có nhiều thay đổi cả về quy mô tàu thuyền và cơ cấu đội tàu. Riêng tàu lưới kéo đã có thêm gần 300 chiếc công suất từ 90 – 500cv, khai thác hải sản chủ yếu bằng nghề lưới kéo đôi.

- Vùng biển miền Trung

Do điều kiện tự nhiên của vùng biển này có địa hình đáy biển dốc và có độ sâu lớn ngay vùng gần bờ nên ngư trường cho lười kéo hoạt động thường hẹp. So với các nghề khác như lưới rê, lưới vây, nghề lưới kéo ở khu vực này kém phát triển hơn và chủ yếu là lưới kéo đơn khai thác tôm ven bờ. Số tàu làm nghề lưới kéo đôi của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khành Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận v.v... có số lượng không lớn khoảng 80 chiếc (công suất > 90cv). Các tàu kéo đôi của các tỉnh này thường di chuyển ra vịnh Bắc Bộ và vùng biển đông tây Nam Bộ để khai thác hải sản. Một đặc trung khác của tàu thuyền làm nghề lưới kéo ở khu vực này là thường hoạt động kiêm nghề giữa lưới kéo với câu mực hoặc giữa kéo tôm với kéo cá.

- Vùng biển Đông và Tây Nam Bộ

Nghề lưới kéo phát triển hơn rất nhiều so với 2 vùng biển trên cả về số lượng và quy mô tàu thuyền. Độ tàu lưới kéo có công suất > 90cv gồm 2987 chiếc (tính đến tháng 6/2000 - nguồn do Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản các tỉnh cung cấp).

Nhiều địa phương sử dụng nghề lưới kéo là nghề chủ yếu khai thác hải sản như xã Phước Tỉnh, thành phấo Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và thị xã Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) v.v…Một số tỉnh có lượng tàu thuyền làm nghề lưới kéo chiếm từ 35% - 40% trong tổng số tàu thuyền hoạt động khai thác hải sản.

Đây là vùng biển có điều kiện ngư trường rất thuận lợi cho nghề lưới kéo nói chung và nghề lưới kéo đôi nói riêng phát triển, do đáy biển bằng phẳng, độ sâu không lớn và nguồn lợi hải sản phong phú. Tính đến tháng 6/2000, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 700 chiếc tàu công suất > 90cv; tỉnh Kiên Giang có 682 chiếc tàu có công suất > 90 cv trong đó có 672 chiếc công suất > 300cv làm nghề lưới kéo đôi.

Đánh giá về trình độ kỹ thuật chúng ta nhận thấy, trình độ ở đây dần dần được hoàn thiện từ kỹ thuật khai thác đến việc sử dụng tốc độ dắt lưới và sử dụng các thiết bị phụ của lưới phù hợp với đối tượng đánh bắt, ngư trường và mùa vụ khai thác. Vì vậy hiệu quả khai thác của các đôi tàu lưới kéo đôi ở vùng này rất cao.

Nguyễn Văn Kháng và ctv

Trích: Tuyển tập các công trình nghiên cứu "Nghề cá biển", Viện nghiên cứu hải sản, Tập 2


Download