General Information

Author:
Issued date: 02/08/2006
Issued by:

Content


1. Mở đầu

Khai thác hải sản quá mức bằng những phương pháp đánh bắt mang tính huỷ diệt không những phá vỡ cân bằng sinh học của hệ sinh thái mà còn nguy hại hơn vì huỷ hoại nơi cư trú của các loài hải sản. Từ những năm 1970 trở lại đây, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và sử dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm phục hồi nơi cư trú và tăng cường nguồn lợi của các loài hải sản. Một trong những giải pháp đang được các nhà bảo vệ nguồn lợi, môi trường cũng như nhà quản lý quan tâm là việc thiết lập các vùng rạn nhân tạo và xác định tính hiệu quả của nó trong việc quản lý và tăng cường nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, việc thiết lập và áp dụng thả các rạn nhân tạo phải dựa trên những căn cứ về sinh thái học cũng như tìm hiểu các điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng trong lĩnh vực bảo tồn biển của mỗi quốc gia.

Nguồn lợi hải sản được tăng cường trong vùng rạn có thể chia thành các nhóm khác nhau như nhóm sống bám cố định (san hô, sinh vật đáy, rong biển, động thực vật sống bám) và nhóm sống không cố định trong vùng rạn (tôm, cá, cua, mực) (Nguyễn Quang Hùng, 2004). Trên thế giới, phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước như Nhật Bản, Philippin, Malaixia, Thái Lan, Italia, Pháp, Tây Ban Nha và đã đạt được kết quả tương đối tốt, khả năng phục hồi nguồn lợi tự nhiên tại khu vực thả rạn nhân tạo đáng tin cậy (Anucha Songjitsawat, 2003)ở Việt Nam, việc thả các rạn nhân tạo đã được tiến hành thử nghiệm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy việc phục hồi quần xã san hô bằng phương pháp thả các rạn nhân tạo là một hướng đi mới, có nhiều triển vọng nhằm phục hồi nguồn lợi tự nhiên trong điều kiện Việt nam. Tuy nhiên, việc thả rạn nhân tạo ở Việt Nam mới chỉ thực hiện mang tính thăm dò trong thời gian ngắn, với quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc phục hồi quần xã san hô chứ chưa được thực sự quan tâm đến việc phục hồi và tăng cường nguồn lợi sinh vật biển khác (Nguyễn Quang Hùng, 2005).

2. Vai trò của rạn nhân tạo trong việc bảo tồn biển

Rạn nhân tạo là các nhóm hay tập hợp của bất kỳ các chất hay vật liệu nào được thả xuống đáy biển nhằm tăng cường hoặc bổ sung nơi cư trú cho cá và các loài hải sản khác sinh sống.

Ở những vùng bị đe doạ do khai thác quá mức, rạn nhân tạo là một trong những biện pháp của các nhà quản lý nhằm ngăn ngừa và hạn chế các phương tiện đánh bắt vùng gần bờ làm phá hoại hệ sinh thái như lưới rê, lưới kéo, lưới vây. Có rất nhiều dạng vật liệu được dùng để cấu thành nên rạn nhân tạo như lốp cao su cũ, cấu kiện bê tông, xác tàu đắm, xe đạp hỏng...Những kiểu rạn nhân tạo này đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới với các mục đích sử dụng khác nhau như: thu hút nguồn lợi cá, giàn nuôi nhuyễn thể, hạn chế đánh bắt bằng lưới kéo, lưới rê khai thác vùng gần bờ, tạo nơi sinh cư mới cho tôm hùm, câu giải trí, lặn thể thao, tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi, tăng năng xuất sinh học ở vùng cấm đánh bắt tại rạn nhân tạo, tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi thay thế các rạn san hô bị phá hủy,.v.v...

Rạn nhân tạo còn là nơi trú ẩn cho ấu trùng và sinh vật biển trưởng thành, là điểm tập trung, nơi kiếm ăn và bãi đẻ của nhiều loài hải sản. Ngoài ra rạn nhân tạo còn đóng vai trò đẩy mạnh việc phục hồi các rạn tự nhiên vì tạo ra các giá thể mới cho ấu trùng san hô bám và nơi cư trú cho các nhóm sinh vật khác. Các vật liệu nhựa PVC của rạn nhân tạo là giá thể cho nhóm động vật chân tơ chiếm cứ chỉ 4 tháng sau khi thiết lập thả rạn. Bên cạnh đó, san hô mềm Dendronephthya spp cũng có khả năng xuất hiện tại các rạn nhân tạo này. Theo số liệu thống kê cho thấy, sản lượng khai thác cá bình quân trong một năm tại một số rạn nhân tạo cao hơn rõ rệt so với các rạn tự nhiên hoặc trong các rạn san hô. Tuy nhiên, việc thiết lập các rạn nhân tạo có chi phí và giá thành cao so với việc khoanh vùng bảo vệ tạo ra các khu dự trữ/bảo tồn biển.

Hình 1. Thả rạn nhân tạo tại Nhật Bản

 

Hình 2. Thả rạn nhân tạo tại Thái Lan

Hình 3.Nguồn lợi hải sản được tăng cường sau 1 năm thả rạn nhân tạo tại Thái Lan (Anucha Songjitsawat, 2003)

3. Tình hình thả rạn nhân tạo tại Việt Nam

Ở Việt nam, việc thả rạn nhân tạo mới được tiến hành thử nghiệm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong đó, thử nghiệm thả rạn nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam là ở Vạn Ninh-Khánh Hoà (Rạn Trào), đây là dự án hợp tác với IMA với mục tiêu bảo tồn nguồn lợi dựa trên cơ sở cộng đồng. Đến năm 2003-2004, Viện Nghiên cứu Hải sản tiến hành thử nghiệm thả rạn nhân tạo tại khu vực Cát Bà với mục đích phục hồi hệ sinh thái rạn san hô. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy việc thả rạn nhân tạo là một hướng đi mới, có nhiều triển vọng nhằm bảo vệ và phục hồi nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, việc thả rạn nhân tạo ở Việt Nam mới chỉ thực hiện mang tính thăm dò trong thời gian ngắn, với quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc thử nghiệm phục hồi quần xã san hô chứ chưa được thực sự quan tâm đến việc phục hồi và tăng cường các nguồn lợi sinh vật biển khác.

Kết quả thử nghiệm thả rạn nhân tạo tại vùng biển Cát Bà cho thấy, tốc độ bám của san hô lên rạn nhân tạo khá nhanh đặc biệt là trong khoảng thời gian sau khi thả rạn từ tháng 5 đến tháng 8. Có thể giải thích đây là thời kỳ nước ấm thuận lợi cho san hô sinh sản và phát triển. Cấu trúc thành phần loài và số lượng các loài sinh vật biển đến sinh sống trong vùng rạn nhân tạo sau 1-2 năm thả rạn đã tăng lên rõ rệt so với trước khi thả rạn: rong biển (tăng từ 4 loài – 10 loài), cá biển (tăng từ 13 loài – 21 loài), ngoài ra còn có các loài thuộc nhóm hải sâm, sao biển, cầu gai, xoang trang và nhuyễn thể đến sinh cư trong vùng rạn (số lượng tăng trung bình gấp 2-3 lần sau 2 năm thả rạn). Đặc biệt là sự xuất hiện của các nhóm cá kinh tế cao như một số loài cá thuộc họ cá mú, cá hồng, cá rô biển.

4. Nhận xét và đề xuất ý kiến

Tổng kết tình hình nghiên cứu của các nước trong khu vực và trên thế giói đã khẳng định việc thả rạn nhân tạo là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, phục hồi và tăng cường nguồn lợi hải sản.

Trước thực trạng suy giảm nguồn lợi và sự suy thoái của các hệ sinh thái điển hình ven bờ biển Việt Nam. Việc nghiên cứu, thiết kế và thả rạn nhân tạo với qui mô lớn dọc theo vùng ven biển là rất cần thiết, nhằm kịp thời bảo tồn, phục hồi và tăng cường nguồn lợi thuỷ sản đang bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Hùng, 2004. Vai trò của rạn nhân tạo trong việc khôi phục và bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản. Proceeding of the 2nd Regional Workshop on Enhancing Coastal Resources. Training Department, SEAFDEC/TD, Thailand. Trang 34-38.

2. Nguyễn Quang Hùng, 2005. Bảo tồn đa dạng sinh học và vấn đề tăng cường nguồn lợi thuỷ sản ở Việt Nam. Proceeding of the 3th Regional Workshop on Enhancing Coastal Resources. Training Department, SEAFDEC/TD, Thailand. Trang 71-76.

3. Songjitsawat A., 2003. Artificial Reef and stationary fishing gear design and construction and marine protected area in Thailan. Proceeding of the 1st Regional Workshop on Enhancing Coastal Resources. Training Department, SEAFDEC/TD, Thailand. Page: 87-92.

ThS. Nguyễn Quang Hùng.


Download