Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Nguyễn Phi Toàn
Ngày phát hành/Issued date: 15/08/2023
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An, đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững

2) Cấp quản lý: Cấp tỉnh Nghệ An

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Nguyễn Phi Toàn

5) Thành viên tham gia chính:

- TS. Nguyễn Phi Toàn

- TS. Vũ Việt Hà

- ThS. Phan Đăng Liêm

- ThS. Phạm Văn Tuấn

- ThS. Lại Huy Toản

- ThS. Lê Văn Bôn

- ThS. Trần Văn Cường

- ThS. Mai Công Nhuận

- ThS. Nguyễn Văn Hải

- TS. Nguyễn Văn Giang

- TS. Nguyễn Văn Hướng

- TS. Nguyễn Duy Thành

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

* Mục tiêu tổng quát: Đánh giá được hiện trạng nguồn lợi thuỷ sản và hoạt động nghề cá ở vùng biển ven bờ và vùng lộng; đề xuất giải pháp bảo vệ nguồn lợi và khai thác bền vững ngành thuỷ sản của tỉnh Nghệ An.

* Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá được hiện trạng nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản, xác định được các khu vực bảo vệ nguồn giống thủy sản tiềm năng ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An.

- Đánh giá được hiện trạng khai thác và mức độ xâm hại của các loại nghề khai thác hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An.

- Phân vùng khai thác và sắp xếp lại cơ cấu đội tàu khai thác hải sản phù hợp với trữ lượng nguồn lợi ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An.

- Đề xuất được các giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách phát triển đội tàu khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An. 

7) Kết quả thực hiện:

a) Đã đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi, nguồn giống thủy sản và các yếu tố môi trường cơ bản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng:

- Trữ lượng nguồn lợi tức thời ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An khoảng 45.365 tấn. Trong đó, nhóm cá nổi nhỏ chiếm 94,9% nhóm cá đáy chiếm 5,1%. Trữ lượng vùng ven bờ là 13.541 tấn (chiếm 29,8%), vùng lộng là 31.824 tấn (chiếm 70,2%).  Sản lượng khai thác bền vững tối đa của toàn vùng biển là 27.285 tấn, trong đó cá nổi nhỏ là 25.839 tấn (chiếm 94,7%), cá đáy là 1.446 tấn (chiếm 5,3%).

- Bãi đẻ, bãi giống tự nhiên của các loài hải sản: vào mùa gió Đông Bắc khu vực tập trung trứng cá cao ở khu vực phía Nam của vùng biển Nghệ An gần biển Cửa Hội và hòn Mắt; mùa gió Tây Nam, mật độ trứng cá cá con trung tâm ở vùng lộng phía bắc của biển Cửa Lò, vùng ven bờ phía nam của cửa Lạch Quèn, vùng ven bờ Hòn Mắt, Cửa Hội; vùng tập trung cá con được mở rộng và có sự dịch chuyển ra xa bờ, trải dài từ phía Lạch Quèn đến Cửa Hội và vùng phía bắc giáp Nghi Sơn (Thanh Hóa).

- Mùa sinh sản tập trung của các nhóm đối tượng thủy sản kinh tế ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Nghệ An từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch.

- Dòng chảy vào mùa giá Đông Bắc trung bình khoảng 0,24 m/s và mùa gió Tây Nam là 0,22 m/s; Hàm lượng Chlorophyll a giao động từ 0,97µg/l và 0,84µg/l; Độ đục giao động từ 0 FTU đến 10 FTU.

b) Đã đánh giá hiện trạng khai thác hải sản và tình hình kinh tế xã hội nghề cá:

- Tổng số tàu thuyền khai thủy sản (không bao gồm các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá) ở vùng ven bờ và vùng lộng Nghệ An là 3.000 chiếc, trong đó đội tàu <6 m 1.471 chiếc (chiếm 49,0 %); đội tàu 6-<12 m 1.026 chiếc (chiếm 34,2 %) ; đội tàu 12-<15 m với 503 chiếc (chiếm 16,8%) tổng số tàu khai thác ở vùng biển. Toàn tỉnh hiện có 215 tàu chưa được cấp giấy đăng ký tàu cá, tập trung ở nghề lưới kéo, lưới rê, lồng bẫy, lưới chụp và nghề khác.

- Tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2022 ở vùng ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An ước đạt 35.922 tấn; trong đó sản lượng khai thác tại vùng bờ là 21.402 tấn (chiếm 59,6 %), sản lượng vùng lộng là 14.520 tấn (chiếm 40,4 %).

- Lao động khai thác hải sản tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 31 - 50, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề khai thác hải sản của địa phương. Trình độ học vấn của lao động tương đối thấp, chủ yếu là học hết cấp 1 và cấp 2.

- Lợi nhuận của đội tàu dao động từ 58,7 - 559,7 triệu đồng/tàu/năm. Hầu hết lao động nghề cá đều có mức thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) của toàn tỉnh.

- Nghề lồng bát quái và nghề lưới kéo có mức xâm hại cao đến nguồn lợi hải sản, đặc biệt vào mùa vụ sinh sản.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ngư trường khai thác và quy định kích thước mắt lưới tại bộ phận tập trung cá vẫn diễn ra trong thực tế.

c) Đã đề xuất được hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và xây dựng các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản ở vùng ven bờ và vùng lộng:

- Tổng số tàu cần phải cắt giảm ở vùng ven bờ là 547 chiếc, trong đó đội tàu < 6 m giảm 446 chiếc, đội tàu 6 -< 12 m giảm 101 chiếc.

- Hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đề xuất ở vùng biển ven bờ và vùng lộng Nghệ An là 1.475 giấy phép, trong đó vùng bờ là 948 giấy phép, vùng lộng là 527 giấy phép.

d) Đã đề xuất được các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi hải sản:

- Đề xuất được 4 khu vực cấm khai thác có thời hạn, gồm: 1) Khu vực Lạch Cờn - Lạch Quèn; 2) Khu vực vịnh Diễn Châu; 3) Khu vực tiếp giáp giữa vùng biển ven bờ và vùng lộng và 4) Khu vực giữa vùng lộng. Thời gian cấm khai thác từ tháng 4 đến hết tháng 6 dương lịch hàng năm.

- Đề xuất được 05 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ: 1) Giải pháp quản lý hoạt động khai thác: Tăng cường công tác quản lý, thực thi pháp luật về khai thác hải sản; Nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất; 2) Giải pháp về cơ chế, chính sách; 3) Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân; 4) Giải pháp về Khoa học công nghệ; 5) Giải pháp về nguồn vốn.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 10/2021 - 06/2023.

9) Kinh phí thực hiện: 3.800 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 3.800 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng.