Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Nguyễn Quang Hùng
Ngày phát hành/Issued date: 31/12/2015
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

Đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ và 3 hệ sinh thái đặc thù ven biển (HST rạn san hô ven bờ, HST bãi triều và HST thảm cỏ biển) lần đầu được điều tra, đánh giá và công bố. Kết quả khẳng định, vùng biển ven bờ có đa dạng thành phần loài cao so với 507 loài hải sản ở vùng biển ven bờ (384 loài cá, 84 loài giáp xác, 19 loài chân đầu, 19 loài chân bụng và 1 loài sam) và 1.369 loài hải sản ở 3 HST đặc thù ven biển (412 loài cá rạn san hô, 288 loài san hô, 285 loài ĐVTM, 118 loài giáp xác, 39 loài da gai, rong biển 151 loài, 11 loài cỏ biển và 65 loài giun nhiều tơ). Xác định 140 loài hải sản đặc trưng có phân bố hẹp và tập trung chủ yếu ở vùng biển ven bờ mà chưa bắt gặp ở vùng khơi xa bờ gồm: cá 88 loài, giáp xác 31 loài, chân đầu 3 loài, nhuyễn thể 17 loài, sam 1 loài. Bổ sung 220 mẫu tiêu bản chuẩn các đối tượng hải kinh tế ở cho bảo tàng sinh vật biển Việt Nam.

Cấu trúc nguồn lợi hải sản khác nhau và mang đặc trưng riêng cho từng vùng biển và từng HST đặc thù. Ở vùng biển ven bờ, nhóm nguồn lợi ưu thế ở vịnh Bắc Bộ là cá nổi tiếp đến cá đáy; ở Trung Bộ là cá đáy và cá nổi; ở Đông Nam Bộ là giáp xác và động vật chân đầu; ở TNB là nhóm cá đáy và giáp xác. Nguồn lợi cá phân bố tập trung ở ngư trường ven bờ Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhóm động vật chân đầu (mực, tuộc) phân bố tập trung ở ven biển từ Vũng Tàu đến Bạc Liêu. Nguồn lợi cua-ghẹ tập trung ở vùng ven biển Phan Thiết đến Bến Tre. Nguồn lợi tôm tập trung ở các ngư trường khai thác truyền thống như Cô Tô - Thanh Lân, Long Châu - Cát Bà, Hòn Nẹ, ven bờ các tỉnh Nghệ An, Bình Định, Bến Tre - Sóc Trăng và mũi Cà mau. Ở 3 HST đặc thù ven biển, nhóm nguồn lợi ưu thế là nhóm ĐVTM và da gai, nhóm rong biển và ĐVTM ở HST bãi triều và nhóm ĐVTM và rong cỏ biển ở HST thảm cỏ biển.

Vùng biển ven bờ đã xác định được 46 loài hải sản kinh tế chủ đạo chiếm trên 1% sản lượng và có tính chất quyết định đến cấu trúc nguồn lợi của từng vùng biển, trong đó gồm: 31 loài cá, 5 loài mực/tuộc, 4 loài tôm, 3 loài tôm tít và 3 loài ghẹ. Ở HST đặc thù ven biển có 85 loài hải sản kinh tế quý hiếm, trong đó có 9 loài giáp xác, 26 loài thân mềm, 6 loài da gai, 16 loài cá rạn san hô và 28 loài rong biển. Đề xuất bổ sung 7 loài hải sản quý hiếm bắt gặp ở 03 HST đặc thù ven biển (1 loài giáp xác, 4 loài thân mềm và 2 loài da gai) vào danh lục sách đỏ Việt Nam cần bảo vệ ở mức VU (sẽ nguy cấp).

Cung cấp thông tin cơ bản và dữ liệu về nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển ven bờ và nguồn lợi hải sản tại 03 hệ sinh thái đặc thù. Trữ lượng nguồn lợi ven bờ ước tính khoảng 46.000 tấn và tại 3 HST đặc thù ven biển ước tính khoảng 1.076.000 tấn. Khả năng khai thác cho phép ở vùng biển ven bờ ước tính khoảng 31 ngàn tấn và ở 3 HST đặc thù khoảng 523 ngàn tấn. Kết quả điều tra, đánh giá bước đầu đã góp phần hoàn thiện đầy đủ tổng thể bức tranh về hiện trạng trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác hải sản ở biển Việt Nam, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng phục vụ cho việc tư vấn quản lý nghề cá biển.

Đặc điểm môi trường, hải dương và thủy sinh vật ở vùng biển ven bờ được điều tra, đánh giá và cập nhật bổ sung cho cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển ở nước ta. Vùng biển ven bờ có đa dạng thành phần loài TVPD khá phong phú. Tổng số đã bắt gặp và xác định được 458 loài TVPD thuộc 7 ngành tảo và 177 loài ĐVPD thuộc 77 giống, 54 họ, 5 ngành. Bước đầu có những nhận định về môi trường ở khu vực điều tra mang đặc trưng riêng biệt và khác hẳn so với vùng biển ngoài khơi xa bờ. Vịnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng bởi gió mùa, nhiệt độ tầng mặt và tầng đáy chênh lệch khoảng 10oC. Do ảnh hưởng của nước lục địa đổ ra, độ muối dao động mạnh, đặc biệt tại các vùng cửa sông ở vịnh Bắc bộ và Đông - Tây Nam Bộ có nơi độ muối xuống thấp nhất quan trắc được là 14,9‰. Hàm lượng Chlorophyll a tăng dần theo hướng bắc-nam và thường đạt giá trị lớn tại các vùng cửa sông. Hình thế chung của trường dòng chảy ở vùng biển ven bờ là tồn tại nhánh dòng chảy dọc theo ven bờ từ vịnh Bắc Bộ đến Trung bộ và Đông Nam bộ, tốc độ dòng chảy cũng tăng dần theo hướng bắc-nam. HST bãi triều có chất lượng môi trường kém nhất, nhiều vùng bãi triều ở khu vực Nam Bộ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng với chỉ số RQtt > 1 ở mức ảnh hưởng tai biến môi trường. Chất lượng môi trường ở HST thảm cỏ biển và rạn san hô ven bờ nhìn chung ở mức an toàn (RQtt <0,75), tuy nhiên một số vùng trong HST thảm cỏ biển có nguy cơ ô nhiễm về dinh dưỡng và kim loại.

Hiện trạng quản lý nghề cá và bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ được đánh giá còn nhiều hạn chế, hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ nguồn lợi chưa cao, các hình thức khai thác trái phép và hủy diệt vẫn tồn tại nhiều nơi. Trên cơ sở dữ liệu điều tra giai đoạn sớm, đã xác định được 5 vùng bảo vệ nguồn lợi tiềm năng cho từng vùng biển ven bờ và 4 vùng bảo vệ đa dạng sinh học ở 3 HST đặc thù ven biển (RSH ven bờ Vũng Rô, bãi triều Cù Mông, bãi triều Rạch Giá, thảm cỏ biển Vân Phong).