Thông tin chung

Tác giả/Author: ThS. Nguyễn Viết Nghĩa
Ngày phát hành/Issued date: 31/12/2015
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

* Về điều tra, đánh giá nguồn lợi

1) Đã phân tích và cập nhật được thành phần loài hải sản ở biển Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015, với 941 loài hải sản, thuộc 462 giống thuộc 191 họ hải sản (trong đó, vùng biển Đông Nam Bộ: 619 loài; vùng biển Trung Bộ: 457 loài, vùng biển vịnh Bắc Bộ: 430 loài và vùng Giữa Biển Đông: 129 loài).

2) Các loài chiếm ưu thế về sản lượng khai thác có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng biển (vùng biển vịnh Bắc Bộ: cá nục sồ, cá sòng nhật, mực ống Trung Hoa, cá bánh đường, cá mối thường, cá sơn phát sáng; vùng biển Trung Bộ: cá nục sồ, cá hố, cá úc, cá sơn phát sáng, cá bánh đường; vùng biển Đông Nam Bộ: cá mối hoa, cá mối vạch, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ, cá mối thường, mực ống, mực nang, cá ngát, cá sạo, cá lượng, cá bạc má; vùng biển Tây Nam Bộ: cá bạc má, cá ba thú, cá nục sồ, cá cơm, cá nóc, cá liệt, cá đù đầu to, cá phèn khoai, mực nang, mực ống, tôm đất, cá sòng gió, mực lá; vùng Giữa Biển Đông: cá ngừ vằn, cá vền, cá ngừ chù, cá ngừ ồ, cá ngừ chấm, cá ngừ phương đông, cá ngừ bò, cá thu ngàng, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá nục heo, mực đại dương).

3) Tổng trữ lượng trung bình các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu ở biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, thấp hơn (12,9%) so với giai đoạn 2000-2005. Trữ lượng nguồn lợi nhóm cá nổi nhỏ 2,65 triệu tấn (60,7%); nhóm hải sản tầng đáy 643 ngàn tấn (14,7%); nhóm giáp xác 38,1 ngàn tấn (0,9%); nhóm cá rạn san hô 2,6 ngàn tấn (0,1%); nhóm cá nổi lớn 1.031 ngàn tấn, (23,6%). Trữ lượng trung bình nguồn lợi ở vịnh Bắc Bộ ước tính khoảng 757 ngàn tấn (17,3%); Trung Bộ là 868 ngàn tấn (19,9%); Đông Nam Bộ là 1.119 ngàn tấn (25,6%); Tây Nam Bộ là 584 ngàn tấn (13,4%) và Giữa Biển Đông là 1.036 ngàn tấn (23,7%).

* Về hoạt động nghề cá thương phẩm

4) Tổng số tàu thuyền khai thác hải sản của cả nước tính đến tháng 5/2014 là 113.557 chiếc (theo thống kê của các tỉnh ven biển). Trong đó, vùng vịnh Bắc Bộ có 34.574 chiếc (chiếm 30,4% tổng số); vùng Trung Bộ có 47.607 chiếc (chiếm 41,9% tổng số); vùng Đông Nam Bộ có 16.155 chiếc (chiếm 13,4% tổng số); và vùng Tây Nam Bộ có 15.221 chiếc (chiếm 13,4% tổng số).

5) Tổng sản lượng khai thác của nghề cá biển Việt Nam (từ tháng 7/2014 đến tháng 6/2015) ước tính khoảng 3,72 triệu tấn, trong đó vịnh Bắc Bộ khoảng 652 ngàn tấn (17%); Trung Bộ khoảng 1,45 triệu tấn (39%); Đông Nam Bộ 924 ngàn tấn (25%); Tây Nam Bộ khoảng 699 ngàn tấn (19%); Sản lượng khai thác của các đội tàu <90CV là 647,95 ngàn tấn và từ 90CV trở lên là 3,07 triệu tấn. Sản lượng khai thác của nghề lưới kéo đôi khoảng 1,49 triệu tấn (40%); nghề lưới vây 857 ngàn tấn (23%) nghề lưới kéo đơn 601 ngàn tấn (16%); nghề chụp 286 ngàn tấn (8%); các nghề lưới rê, câu và vó mành chiếm tỉ lệ từ 3-5% tổng sản lượng. Sản lượng khai thác của nhóm cá nổi khoảng 1,35 triệu tấn (chiếm 36,3%); nhóm cá lợn (23,3%); nhóm cá xô (12,3%); nhóm cá rạn (5,2%); nhóm cá đáy (7,6%); nhuyễn thể chân đầu (10,5%); nhóm giáp xác (3,3%); nhóm hải sản khác (1,5%).

6) Kích thước khai thác của các loài chiếm ưu thế trong sản lượng khai thác ở hầu hết các vùng biển đều khá nhỏ, chưa đạt đến chiều dài thành thục sinh dục. Tỷ lệ cá thể chưa thành thục sinh dục ở vịnh Bắc Bộ trung bình chiếm khoảng 58%; Trung Bộ khoảng 64%; Đông Nam Bộ khoảng 40% va Tây Nam Bộ khoảng 44%.

7) Hệ số khai thác ở một số loài chủ yếu ở các vùng biển khá lớn, phản ánh tình trạng khai thác quá mức đối với các quần đàn ở các vùng biển. Các loài đang bị khai thác quá mức ở các vùng biển: vịnh Bắc Bộ (cá bạc má, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch); Trung Bộ (mực ống Trung Hoa, mực ống Ấn Độ, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ); Đông Nam Bộ (cá ngừ ồ, cá bạc má, cá nục sồ, cá mối thường); Tây Nam Bộ (cá mối ngắn).

8) Hầu hết các loài hải sản ở biển Việt Nam sinh sản rải rác quanh năm, tuy nhiên tháng 3-5 và tháng 7-8 là các thời điểm sinh sản rộ của nhiều loài hải.

9) Các bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên chính, nơi có mật độ tập trung cao của trứng cá, cá con, phân bố ở 4 khu vực chính, bao gồm: các vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh tới Nam Định; từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh; từ Vũng Tàu đến Bạc Liêu; và từ Cà Mau đến Kiên Giang.

* Đề xuất các giải pháp quản lý nghề cá

10) Điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp của từng vùng biển phù hợp với hiện trạng nguồn lợi theo hướng tăng sản lượng khai thác của nhóm cá nổi nhỏ và cá nổi lớn; giảm thiểu sản lượng đối với nhóm cá đáy, giáp xác.

11) Điều chỉnh cơ cấu sản lượng phù hợp giữa vùng biển ven bờ và vùng biển xa bờ.

* Đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn lợi

(12) Xem xét đề xuất các khu vực bảo vệ nguồn lợi (các vùng hạn chế khai thác, cấm khai thác), bao gồm:

- Vùng biển ven bờ từ Hải Phòng tới Thanh Hóa, trọng điểm ở khu vực Long Châu - Cửa Ba Lạt, khu vực Hòn Nẹ;

- Vùng biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, trọng điểm là khu vực cửa Sót (Hà Tĩnh), cửa Tùng (Quảng Trị) và khu vực Sơn Trà;

- Vùng biển ven bờ từ Vũng Tàu đến Bạc Liêu;

- Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, tập trung ở khu vực Hòn Khoai và khu vực bãi bồi Ngọc Hiển.

(13) Đề xuất cấm hoặc hạn chế khai thác vào mùa vụ sinh sản chính, khoảng tháng 3 đến tháng 5;

(14) Gia tăng kích thước mắt lưới, hoặc áp dụng biện pháp thoát cá con của một số nghề khai thác chủ động (lưới kéo đáy, lưới vây, chụp, vó mành) để giảm thiểu đánh bắt các nhóm cá thể chưa trưởng thành.