Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Nguyễn Quang Hùng
Ngày phát hành/Issued date: 31/12/2016
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

Đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ lần đầu được đánh giá và công bố, đặc biệt nhóm động vật đáy cỡ lớn (hai mảnh bỏ, chân bụng). Kết quả khẳng định, vùng biển ven bờ có đa dạng thành phần loài cao so với vùng lộng và vùng khơi. Bổ sung vào danh mục nhiều đối tượng hải sản mới và cập nhật danh sách loài hải sản biển Việt Nam ngoài các hệ sinh thái đặc thù từ 941 loài lên 1.264 loài thuộc 592 giống và 235 họ hải sản. Xác định 289 loài hải sản đặc trưng (142 loài cá, 63 loài giáp xác, 26 loài hai mảnh vỏ, 51 loài chân bụng, 4 loài mực tuộc và 3 loài sam), phân bố hẹp ở vùng biển ven bờ và chưa bắt gặp ở vùng lộng, vùng khơi xa bờ. Bổ sung 200 mẫu tiêu bản chuẩn và dần hoàn thiện bộ mẫu vật tiêu bản các đối tượng hải sản kinh tế cho bảo tàng sinh vật biển Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và giáo dục cộng đồng.

Cấu trúc nguồn lợi hải sản khác nhau và mang đặc trưng cho từng vùng biển ven bờ: Vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ nhóm ưu thế gồm nhóm cá rạn, cá nổi và cá đáy; Đông và Tây Nam Bộ gồm nhóm mực - tuộc, cua - ghẹ chiếm ưu thế. Vùng biển ven bờ tập trung nhiều loài hải sản kinh tế, trong đó 69 loài ưu thế chiếm trên 1% sản lượng, có tính chất quyết định đến cấu trúc nguồn lợi của từng vùng biển. Đã xác định được đặc điểm sinh học cơ bản của 30 loài hải sản kinh tế quan trọng (20 loài cá, 3 loài mực, 4 loài tôm, 1 loài tôm tít và 2 loài ghẹ) ở vùng biển ven bờ, trong đó nhiều loài đặc trưng, điển hình quan trọng chưa được nghiên cứu và công bố trước đó.

Cung cấp thông tin cơ bản và dữ liệu về nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển ven bờ. Trữ lượng nguồn lợi ven bờ ước tính khoảng 46.000 tấn và khả năng khai thác cho phép ở vùng biển ven bờ ước tính khoảng 31 ngàn tấn Cùng với dữ liệu về nguồn lợi hải sản ở vùng lộng và vùng khơi, kết quả của dự án này đã góp phần hoàn thiện đầy đủ tổng thể bức tranh về hiện trạng trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác hải sản ở biển Việt Nam. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng phục vụ cho việc tư vấn quản lý nghề cá biển.

Bước đầu đánh giá được mối liên quan giữa nguồn lợi hải sản và các yếu tố môi trường. Mật độ nguồn lợi thường tập trung ở các khu vực có hàm lượng chlorophyll a, mật độ TVPD cao và nhiệt độ nước biển ấm. Các bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên nguồn giống thủy sản ở giai đoạn non có xu hướng dịch chuyển và chịu ảnh hưởng của dòng chảy vùng biển ven bờ.

Dữ liệu điều tra ở năm 2016 được sử dụng so sánh với năm 2015 để cung cấp thông tin khoa học, đánh giá về biến động nguồn lợi trước và sau sự cố môi trường ở vùng biển ven bờ 4 tỉnh Miền Trung. Kết quả chỉ rõ, nguồn lợi hải sản chịu ảnh hưởng lớn bởi sự cố môi trường, cấu trúc nguồn lợi biến động mạnh và bị suy giảm nghiêm trọng (37% mật độ). Tổng số lượng loài hải sản bắt gặp giảm (16 loài), nhiều loài không bắt gặp (66 loài) và xuất hiện các đối tượng ở vùng khác di cư vào (50 loài).

Lần đầu tiên các dữ liệu về hiện trạng nghề cá ven bờ nước ta được điều tra, đánh giá và công bố. Số lượng tàu thuyền khai thác dưới 20CV ở nghề cá ven bờ khoảng 46.538 chiếc chiếm tỷ lệ cao (khoảng 45%) trong tổng số lượng tàu của cả nước và tập trung chủ yếu ở vùng vịnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Năng suất khai thác của các loại nghề ven bờ đều thấp. Nghề cá ven bờ có vài trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng ngư dân nghèo ven biển.

Hiện trạng hoạt động khai thác xâm hại các loài hải sản kinh tế đang ở mức khá cao. Sản lượng khai thác chiếm tỷ lệ lớn số lượng cá thể còn non chưa tham gia sinh sản lần đầu. Công tác quản lý nghề cá và bảo vệ nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ còn nhiều hạn chế, công tác thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi chưa thực sự hiệu quả, các hình thức khai thác trái phép, hủy diệt vẫn đang xảy ra và tồn tại nhiều nơi.

Xác định được 5 vùng bảo vệ nguồn lợi tiềm năng với tổng số 18 khu vực ven biển.  Đề xuất cấm và hạn chế khai thác theo không gian và thời gian tại các khu bảo vệ nguồn lợi tiềm năng. Cấm các loại nghề, hình thức xâm hại nguồn lợi thủy sản còn non bao gồm: nghề đăng đáy biển, nghề rùng, rập xếp, te xiệp, nghề cào bay và các hình thức khai thác hủy diệt nguồn lợi. Hạn chế khai thác đối với nghề lưới kéo, pha xúc, chụp mực, vó mành, lưới vây từ tháng 3-6 ở vịnh Bắc Bộ; tháng 3-4 và tháng 7-8 ở Trung Bộ; tháng 4-5 và tháng 7-8 ở Đông Nam Bộ; tháng 5-7 và tháng 11-12 ở Tây Nam Bộ. Các kết quả điều tra, nghiên cứu này là tiền đề quan trọng, cung cấp cơ khoa học cho việc xác định 20 khu vực cấm, hạn chế khai thác và loại nghề cấm tại Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong triển khai Luật Thủy sản năm 2017 sửa đổi.

Trên cơ sở kết quả điều tra và nghiên cứu. dự án đã đề xuất 8 giải pháp bảo vệ nguồn lợi hải sản, trong đó nhấn mạnh và ưu tiên vào công tác rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định, các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thực thi pháp luật; thiết lập khu bảo vệ nguồn lợi; quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng và chuyển đổi nghề nghiệp; phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản kinh tế. Kiến nghị cần quan tâm và tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu về phát tán nguồn giống sau mùa sinh sản làm cơ sở khoa học cho việc xác định và tăng hiệu quả của các khu vực bảo vệ nguồn giống hải sản ở vùng biển ven bờ nước ta.