Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Hoàng Đình Chiều
Ngày phát hành/Issued date: 06/10/2023
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài động vật có vú ở biển Việt Nam

2) Cấp quản lý: Bộ NN&PTNT

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Hoàng Đình Chiều

5) Thành viên tham gia chính:

- ThS. Lưu Xuân Hòa

- KS. Phạm Trần Đình Nho

- ThS. Lê Văn Bôn

- ThS. Trần Văn Hướng

- ThS. Bùi Minh Tuấn

- TS. Đỗ Anh Duy

- CN. Nguyễn Văn Thành

- ThS. Nguyễn Kim Thoa

- ThS. Phan Đăng Liêm

- ThS. Phạm Văn Tuấn

- KS. Nguyễn Thành Công 

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

* Mục tiêu chung: Góp phần bảo vệ được các loài động vật có vú ở biển Việt Nam và đáp ứng một số yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Thủy sản.

Mục tiêu cụ thể:

- Rà soát, đánh giá được thực trạng các nghiên cứu liên quan, các quy định về quản lý, cứu hộ động vật có vú ở biển Việt Nam và đề xuất hướng hoàn thiện bổ sung để phù hợp với các quy định quốc tế liên quan.

- Đánh giá được mức độ ảnh hưởng, tỷ lệ khai thác không chủ ý của các nghề khai thác thủy sản đến một số loài động vật có vú ở biển Việt Nam nhằm góp phần đáp ứng một số yêu cầu đối với xuất khẩu sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác.

Đánh giá được tình trạng mắc cạn và cứu hộ các loài động vật có vú ở một số vùng biển ven biển Việt Nam.

- Đề xuất được các giải pháp bảo vệ và giảm thiểu ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác đến các loài động vật có vú ở biển Việt Nam

- Xây dựng được tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài động vật có vú ở vùng biển Việt Nam.

7) Kết quả thực hiện:

Đa dạng thành phần loài: Kết quả tổng hợp thành phần loài thú biển từ các nghiên cứu trước đây và kết quả phân loại của Nhiệm vụ bằng hình ảnh và mẫu vật thu thập từ năm 2000 - 2022 đã định danh được tổng số 35 loài/nhóm loài thú biển thuộc 08 họ, 03 bộ ở vùng biển Việt Nam. Trong đó, có 30 loài được định danh chính xác đến loài, còn lại một số nhóm loài chỉ được định danh đến giống hoặc họ. Trong tổng số 25 loài/nhóm loài thú biển, đã định danh được tổng số 21 loài/nhóm loài cá heo thuộc 02 họ (Họ cá heo Delphinidae và họ cá heo chuột Phocoenidae); 11 loài/nhóm loài cá voi thuộc 04 họ (Họ cá voi Balaenopteridae, họ cá nhà táng Kogiidae, họ cá nhà táng Physeteridae và họ cá voi mõm khoằm Ziphiidae); 01 loài bò biển (Dugong dugon) thuộc họ bò biển (Dugongidae) và 02 loài hải cẩu (hải cẩu đốm Phoca largha, hải cẩu xám Halichoerus grypus).

Đặc điểm phân bố thành phần loài: Khu vực Miền Trung được nhận định có số lần ghi nhận bắt gặp thú biển nhiều nhất, tiếp theo là khu vực Đông Nam Bộ, khu vực Tây Nam Bộ. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận định là khu vực số lần ghi nhận các loài thú biển nhiều nhất, tiếp theo là tỉnh Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định và Hà Tĩnh. Cá heo và cá voi được ghi nhận xuất hiện ở toàn vùng biển Việt Nam; Dugong chỉ được ghi nhận xuất hiện ở Côn Đảo và Phú Quốc; Hải cẩu chỉ được ghi nhận xuất hiện ở Miền Trung.

Tình hình mắc cạn và cứu hộ (từ 2000 - 2022): Các trường hợp thú biển mắc cạn chiếm 29,93% và các trường hợp thú biển chết, trôi dạt chiếm 23,87% trong tổng số lần ghi nhận. Khu vực Miền Trung được nhận định có nhiều trường hợp mắc cạn và chết, trôi dạt nhất. Khu vực Đông Nam Bộ được nhận định có các trường hợp bắt bơi tự do nhiều nhất. Một số vùng được ghi nhận có tỉ lệ mắc cạn, chết trôi dạt cao như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Trong các phương án cứu hộ, phương án để con vật bơi tự nhiên chiếm ưu thế (42,58%), tiếp theo phương án xử lý chôn cất (17,42%), phương án cứu hộ thành công (10,32%), phương án cứu hộ, sau đó chết (8,39%), bị giết làm thực phẩm (10,32%), làm tiêu bản nghiên cứu (1,61%).

Tình hình mắc ngư cụ và cứu hộ (từ 2000 - 2022): Nghề lưới kéo đôi, trong số các tàu có cá heo mắc lưới thì tỷ lệ cá heo còn sống là 16,7%, đã chết là 83,3%; nghề lưới rê, tỷ lệ các tàu có cá heo mắc lưới còn sống là 54,2%, đã chết là 45,8% ; nghề lưới vây, tỷ lệ các tàu khảo sát có cá heo mắc lưới còn sống là 89,2%, đã chết là 10,8%; nghề lưới kéo đơn và nghề câu tay cá ngừ đại dương không ghi nhận cá heo mắc lưới và mắc câu. Đa số các tàu khi phát hiện cá heo mắc ngư cụ còn sống thì thường thả trở lại biển. Đối với cá voi và dugong, chỉ ghi nhận có 4 cá thể cá voi mắc ngư cụ, loại ngư cụ cá voi thường mắc quấn là lưới rê. Đối với dugong, chỉ có 8 cá thể ghi nhận mắc ngư cụ.

Tỷ lệ khai thác không chủ ý (bycatch): Tỷ lệ khai thác không chủ ý của cá heo ở nghề lưới kéo đôi là 0,00007, nghề lưới rê là 0,00157, nghề lưới vây là 0,00302, nghề câu vàng tầng đáy là 0,00047. Tỷ lệ này theo vùng biển thì vùng biển vịnh Bắc Bộ với tỷ lệ 0,00036, vùng biển miền Trung tỷ lệ là 0,00038, vùng biển Đông Nam Bộ tỷ lệ 0,00262 và vùng biển Tây Nam Bộ tỷ lệ 0,00162. Tỷ lệ khai thác không chủ ý cá voi là 0,00003 và của dugong là 0,00005.

Mức độ ảnh hưởng các loại nghề khai thác và biện pháp giảm thiểu: Các loại nghề có khả năng khai thác không chủ ý gồm: nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây và nghề câu. Trong đó, nghề lưới vây là loại nghề có tỷ lệ khai thác không chủ ý cao nhất. Biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng đến thú biển có hiệu quả nhất là dùng thiết bị xua đuổi cá heo. Một số biện pháp khác cũng được sử dụng như: sử dụng âm thanh xua đuổi, sử dụng đèn xua đuổi, tàu dừng kéo lưới, thay đổi hướng thả lưới. Trong đó, thiết bị xua đuổi cá heo hiện nay chỉ mới sử dụng trên tàu lưới vây (11,1%) và tàu câu tay cá ngừ đại dương (28,9%). Các nghề khai thác còn lại ít sử dụng thiết bị hạn chế khai thác không chủ ý thú biển.

Lựa chọn địa điểm tiềm năng xây dựng trạm cứu hộ: Kết quả đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đã chọn được các địa điểm tiềm năng gồm: KBTB Bạch Long Vĩ, VQG Cát Bà đại diện cho phía Bắc, KBTB Cù Lao Chàm, KBTB Vịnh Nha Trang đại diện cho miền Trung, KBTB Phú Quốc đại diện cho miền Nam.

Xây dựng quy trình cứu hộ thú biển Việt Nam: Nhiệm vụ đã phân tích, đánh giá cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học từ kết quả nghiên cứu đã đề xuất được quy trình cứu hộ thú biển phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam. Các bước kỹ thuật chính của quy trình cứu hộ gồm: (1) Tiếp nhận thông tin từ người dân bắt gặp; (2) Kiểm tra, đánh giá sức khoẻ của cá voi; (3) Lựa chọn phương án và tiến hành cứu hộ Cứu hộ cá voi sống có thể thả luôn; (4) Báo cáo đánh giá gửi cơ quan chức năng. Quy trình cũng được xây dựng thành bộ tài liệu hướng dẫn để xuất bản dưới dạng sổ tay gọn nhỏ, thuận tiện cho tuyên truyền và đào tạo cho người dân.

Đề xuất bộ giải pháp bảo vệ, cứu hộ và giảm thiểu khai thác không chủ ý: Nhiệm vụ đã đề xuất 01 bộ giải pháp đầy đủ gồm các giải pháp kỹ thuật; giải pháp quản lý, chính sách; giải pháp tăng cường nguồn lực; giải pháp truyền thông, giáo dục và đào tạo; giải pháp hợp tác quốc tế.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2021 - 12/2022

9) Kinh phí thực hiện: 3.300 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 3.300 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng