Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Phạm Quốc Huy
Ngày phát hành/Issued date: 30/11/2022
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Khảo sát nguồn lợi hải sản ở khu vực thực hiện dự án cảng biển tổ hợp hóa dầu Long Sơn và lân cận tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu

2) Cấp quản lý: Hợp đồng KHCN với Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn

3) Tổ chức chủ trì: Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam

4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Phạm Quốc Huy

5) Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Đánh giá được hiện trạng nguồn lợi hải sản tầng đáy, nguồn giống hải sản (trứng cá cá con), động vật phù du và thực vật phù du ở khu vực khảo sát và lân cận.

- Đánh giá được hiện trạng nghề nuôi thủy sản ở khu vực khảo sát và lân cận.

- Đề xuất được định hướng phát triển nghề cá an toàn, hiệu quả và vì lợi ích cộng đồng ở khu vực nghiên cứu.

6) Kết quả thực hiện:

* Về nguồn lợi hải sản tầng đáy và đặc điểm sinh học:

- Đã bắt gặp 121 loài thuộc 95 giống, 54 họ, phong phú nhất là nhóm cá có 71 loài (chiếm 58,7%), tiếp theo là nhóm giáp xác 39 loài (chiếm 32,2%), nhóm nhuyễn thể 10 loài (chiếm 8,3%) và thấp nhất là nhóm sam bắt gặp 1 loài.

- Năng suất khai thác trung bình đối với cả hai loại lưới kéo cá và kéo tôm là 21,15 ± 32,6 kg/giờ, dao động từ 1,4 kg - 215,1 kg/giờ (đối với lưới kéo cá) và từ 1,6 kg - 54,9 kg/giờ (đối với lưới kéo tôm).

- Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở vùng biển nghiên cứu ước tính khoảng 2.168 kg. Trong đó, nhóm cá nổi nhỏ cao nhất đạt 807 kg, tiếp theo là nhóm cá đáy 627 kg, nhóm cá rạn 276 kg, nhóm tôm 177 kg và các nhóm khác là 281 kg.

- Bước đầu đã xác định được đặc điểm sinh học của 24 loài hải sản ở vùng biển Long Sơn về chiều dài cơ thể, tương quan chiều dài - khối lượng và tỉ lệ giới tính.

* Về nguồn giống trứng cá cá con:

- Nguồn giống trứng cá cá con đã xác định được 27 loài thuộc 17 giống, 14 họ. Thành phần loài trứng cá cá con bắt gặp tương đối ít, chủ yếu là các loài có giá trị kinh tế thấp, những loài cá có giá trị kinh tế cao ít bắt gặp.

- Mật độ trung bình đạt 937 trứng cá/1000m3 và 583 cá con/1000m3.

* Về động - thực vật phù du:

- Đã xác định được 69 loài/nhóm loài động vật phù du thuộc 6 ngành (trong đó ngành chân khớp Arthropoda chiếm ưu thế) và thực vật phù du xác định được 97 loài, thuộc 2 ngành tảo là Silic (Bacillariophyta) và tảo giáp (Pyrrophyta).

- Mật độ động vật phù du trung bình là 3.346 cá thể/m3 và sinh khối trung bình là 1,25 mgC/m3. Mật độ của thực vật phù du là khá cao, trung bình đạt 148.888 tb/m3.

- Chỉ số đa dạng sinh học của động thực vật phù du ở vùng biển Long Sơn và lân cận, phản ánh vùng biển có chỉ số đa dạng sinh học ở mức cao.

* Về hiện trạng nuôi trồng thủy sản:

- Hộ nuôi lồng bè ở đây đa số là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, đầu tư thấp, hệ thống nuôi và kết cấu công trình lồng bè nuôi còn thô sơ, chưa đáp ứng khả năng an toàn khi có sóng to, gió lớn.

- Vùng quy hoạch chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường nuôi và xung đột lợi ích với nhiều ngành nghề kinh tế khác.

- Sự cố ô nhiễm môi trường ở khu vực nuôi thường xuyên xảy ra, nhất là vào thời điểm cuối tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, gây nên cá nuôi lồng chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

* Nguy cơ và tác động đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi:

- Hệ sinh thái ở khu vực thực hiện dự án ít chịu tác động từ các hoạt động của con người hay biến đổi khí hậu. Đồng thời thành phần loài ở khu vực điều tra có cấu trúc tương đồng với khu vực lân cận.

- Trong vùng thực hiện điều tra được xác định là không thuộc phạm vi, hoặc lân cận các ngư trường khai thác chính, hay các bãi đẻ, bãi ương nuôi và các vùng bảo tồn, tái tạo nguồn lợi.

- Các sự cố có thể xảy ra gây ô nhiễm môi trường nước như: ô nhiễm muối dinh dưỡng, kim loại nặng, dầu, hoá chất … sẽ tác động tiêu cực tới hệ sinh thái như làm mất đa dạng sinh học, suy giảm mật độ, thay đổi phân bố.

Nhiệm vụ đề xuất vai trò cho 03 cơ quan có liên quan là Chính quyền địa phương, Các cơ quan chuyên môn và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn. Nếu các cơ quan này thường xuyên quan tâm, phối hợp thì sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển nghề cá theo hướng an toàn, hiệu quả, vì lợi ích cộng đồng ở khu vực sản xuất tại Long Sơn.

7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 05/2022 - 11/2022

8) Kinh phí thực hiện: 1.569,629 triệu đồng