Bệnh mù mắt ở cá bớp khiến người nuôi rất lo lắng. Ảnh: Kim Sơ

Những năm gần đây, bệnh mù mắt ở cá bớp thường xuyên xuất hiện, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nha Trang đã thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả bảo hộ của vacxin bất hoạt trong việc phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp nuôi tại Khánh Hòa”.

Đề tài do TS. Trần Vĩ Hích, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản làm Chủ nhiệm, đã được Hội đồng KH-CN Trường Đại học Nha Trang nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất vacxin phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp.

Trần Vĩ Hích cho biết : Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu xác định tác nhân vi khuẩn gây bệnh mù mắt ở cá bớp do Streptococcus iniae gây ra.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã thu và phân tích ngẫu nhiên 64 đàn cá bớp nuôi tại huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Kết quả cho thấy tỷ lệ cá bớp bị bệnh mù mắt là 17,19%, trong đó tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn lên đến 72,73%.

Cá nuôi nhiễm liên cầu khuẩn có các biểu hiện bệnh lý như miệng bị hoại tử, mắt đục hay lồi, xơ vây, cụt đuôi, xuất huyết nhẹ ở vây, nắp mang hoặc miệng, xuất huyết hậu môn, phình bụng và bị cong thân. Giải phẫu nội quan bên trong cơ thể thấy gan có màu nhợt nhạt, xuất huyết, thận sau sưng to…

Để người nuôi cá bớp phát triển bền vững, cần sử dụng vacxin để phòng bệnh mù mắt. Ảnh: Kim Sơ

Do đó, để phòng bệnh mù mắt ở cá bớp do vi khuẩn gây ra, nhóm đã nghiên cứu tạo ra vacxin bất hoạt, với kết quả thí nghiệm bước đầu đạt yêu cầu. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã chọn 40 con cá bớp có chiều dài thân trung bình từ 10 - 12cm, chưa nhiễm liên cầu khuẩn. Sau đó, nhóm đã tiêm vacxin này trên cá để kiểm định tính an toàn.

Theo đó, 20 con được tiêm vacxin vào xoang bụng và 20 con đối chứng được tiêm dung dịch nước muối sinh lý.

Kết quả, sau 28 ngày khi tiêm vacxin lần đầu tiên, cá bớp được tiêm nhắc lại một lần nữa. Sau 30 ngày, tất cả cá được tiêm vacxin đều khỏe mạnh, không có bất kì dấu hiệu bất thường nào. Điều này chứng tỏ vacxin bất hoạt không làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cá được thí nghiệm. Cũng như đồng nghĩa sản phẩm vacxin bất hoạt là an toàn với cá bớp.

Trần Vĩ Hích chia sẻ thêm, nhóm nghiên cứu ghi nhận 100% huyết thanh của cá tiêm vacxin đều có kháng thể đặc hiệu kháng lại vi khuẩn Streptococcus iniae. Vacxin bất hoạt có tác dụng bảo vệ cá bớp kháng lại bệnh mù mắt do Streptococcus iniae gây ra với hệ số bảo vệ đạt 85,19%. Tuy nhiên hiện tại kết quả nghiên cứu còn rất hạn chế bởi chỉ tiến hành thử nghiệm trên chính chủng gốc tạo vacxin.

Liệu chủng gốc này có mang các kháng nguyên đại diện cho các chủng liên cầu khuẩn gây bệnh ở cá bớp không? Điều này chưa được nghiên cứu. Vì thế không có gì đảm bảo để có thể thử nghiệm vacxin trên một diện rộng. Do đó, nhóm nghiên cứu sẽ tìm kiếm nguồn kinh phí để tiếp tục thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu đưa sản phẩm thử nghiệm trực tiếp trên cá nuôi.

Trần Vĩ Hích cho biết, hầu hết vacxin sử dụng trong nuôi trồng thủy sản chủ yếu nhập từ nước ngoài về. Do đó, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất vacxin phòng bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra ở cá bớp. Với kết quả nghiên cứu trước mắt của đề tài sẽ được Trung tâm Nghiên cứu giống và dịch bệnh thủy sản sử dụng để sản xuất những đàn giống kháng bệnh cung cấp cho người nuôi tại địa phương.

Kim Sơ