Hội thảo được tổ chức từ ngày 19-20/10/2023 tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Hội thảo có sự tham gia của trên 200 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đến từ các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trong cả nước và quốc tế.

Tại Hội thảo, Viện nghiên cứu Hải sản đã tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu các sản phẩm khoa học và công nghệ là kết quả các công trình nghiên cứu, các sản phẩm từ ứng dụng các kết quả khoa học công nghệ vào sản xuất của Viện trong 10 năm trở lại đây.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan gian hàng của Viện nghiên cứu Hải sản

Mang đến Hội thảo, gian hàng trưng bày của Viện nghiên cứu Hải sản gồm:

1) Các sản phẩm là ấn phẩm, tạp chí, sách chuyên khảo khoa học công nghệ như Tuyển tập các Công trình nghiên cứu Nghề cá biển (từ tập I đến tập VI); Tạp chí khoa học NN&PTNT chuyên đề Nghề cá biển (từ năm 2011-2022, mỗi năm 1 số); Ấn phẩm KH&CN Nghề cá biển (từ năm 2017-2022, mỗi năm 4 số); Các sách chuyên khảo như: Cơ sở khoa học của việc bảo tồn đa dạng sinh học vùng biển Tây Nam Bộ, Đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Việt Nam, Đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam, Atlas cá rạn san hô thường gặp ở biển Việt Nam; Bộ poster Atlas cá biển Việt Nam; Bộ poster giới thiệu các quy trình công nghệ, các sản phẩm giá trị gia tăng…

2) Các bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích: Bằng độc quyền sáng chế (02): Quy trình công nghệ dự báo ngư trường khai thác theo nghề xa bờ hạn ngắn, Quy trình sản xuất cá tra đóng hộp không thanh trùng. Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (08): Quy trình sản xuất Tetrodotoxin từ vi sinh vật, Quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật dùng để sinh hương nước mắm truyền thống, Quy trình tạo mô sẹo dạng sợi trong nuôi cấy mô rong sụn Kappaphycus alvarezii, Quy trình sản xuất surimi từ mực đại dương Symplectoteuthis oualaniensis, Quy trình sản xuất thực phẩm chức năng sirô từ cá nóc không độc Lagocephalus wheeleri, Quy trình sản xuất bột nêm dinh dưỡng từ cá nục (Decapterus sp.), Quy trình sản xuất bột nêm từ con moi Acetes sp., Quy trình sản xuất đồ uống từ hàu.

3) Các sản phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản như Cốm, viên nang và bột vi tảo Nannochloropsis oculata; Bột nêm dinh dưỡng từ moi và cá nục; Viên nang dinh dưỡng Nutrient capsules; Viên nang LW- Protein và Protein Syrup từ dịch chiết cá nóc không độc Lagocephalus wheeleri; Nước sốt bào ngư; Dầu hàu; Rượu hàu; Nước uống rong biển…

4) Các sản phẩm giống rong biển từ nuôi cấy mô (các kích cỡ khác nhau), là sản phẩm của đề tài KHCN cấp Bộ NN&PTNT: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và công nghệ trồng rong cho năng suất, chất lượng carrageenan cao ở miền Trung”.

5) Hệ thống thiết bị công nghệ ánh sáng trong nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (đơn vị hợp tác nghiên cứu với Viện nghiên cứu Hải sản).

Thông qua gian hàng tại Hội thảo toàn quốc về KHCN, ĐMST & TBKT lĩnh vực thủy sản, Viện nghiên cứu Hải sản đã giới thiệu đến các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm nghiên cứu có triển vọng, có tính khả thi trong ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị.

Đỗ Anh Duy