Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản 
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)

PV: Nguồn lợi cá cũng như các nhóm hải sản khác ở Biển Đông đang ngày càng suy giảm. Xin ông cho biết về thực trạng suy giảm nguồn lợi hải sản ở Biển Đông nói chung và các vùng biển ở Việt Nam nói riêng?

Nguồn lợi hải sản hiện tại đã suy giảm rất nhiều so với trước đây. Số liệu điều tra của chúng tôi cho thấy giai đoạn 2011 – 2015, trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam đã giảm khoảng 14 - 15% so với giai đoạn 2000 – 2005. Và hiện tại vẫn tiếp tục xu hướng suy giảm.

Các vùng biển khác nhau ở nước ta có mức độ suy giảm nguồn lợi hải sản khác nhau, khác nhau cả về nhóm đối tượng. Ví dụ so sánh giữa hai giai đoạn nêu trên, các nhóm hải sản chính như các nhóm cá nổi nhỏ, cá nổi lớn có xu hướng giảm nhẹ nhưng hải sản tầng đáy thì lại có mức độ suy giảm mạnh từ 1.174 ngàn tấn xuống còn khoảng 684 ngàn tấn (giảm 42%). Trong đó vùng biển vịnh Bắc Bộ giảm khoảng 15%; Trung Bộ giảm 57%; Đông Nam Bộ giảm 25% và Tây Nam Bộ khoảng 41%. Bên cạnh việc giảm năng suất khai thác thì chất lượng nguồn lợi hải sản suy giảm rất nhiều, tỷ lệ cá tạp ngày càng tăng trong thành phần sản lượng khai thác.

Cán bộ Viện nghiên cứu Hải sản đang phân tích mẫu trên tàu nghiên cứu tại vùng biển Việt Nam

PV: Thưa ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn lợi hải sản suy giảm ở Biển Đông?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi hải sản suy giảm nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính. Thứ nhất do nhu cầu hải sản cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa ngày càng cao dẫn đến áp lực khai thác tăng cao (bao gồm cả số lượng tàu thuyền, công suất máy, năng lực khai thác, máy móc thiết bị). Thứ 2 là vấn đề ngư cụ khai thác có mức độ tận diệt, xâm hại nguồn lợi cao như lưới kéo đáy, lờ bát quái, điện.

Nguyên nhân thứ 3 là tình trạng khai thác vào khu vực bãi đẻ, bãi ương, vào mùa sinh sản. Thêm nữa, các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn suy giảm độ phủ và diện tích so với trước đây. Và nguyên nhân thứ 5 là vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

PV: Xin ông cho biết hải sản có ý nghĩa ra sao với người dân ven biển cũng như kinh tế nói chung? Và khi lượng cá cũng như các hải sản khác ở Biển Đông suy giảm, nền kinh tế nói chung và đời sống ngư dân bị ảnh hưởng ra sao?

Mặc dù nghề khai thác hải sản rất vất vả nhưng đối với hàng triệu người dân ven biển, hải sản mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình họ. Vai trò của hải sản là rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Tổng sản lượng khai thác hải sản trong những năm gần đây khoảng 3,3 – 3,5 triệu tấn. Trong đó chỉ một phần không lớn có thể xuất khẩu đã mang lại giá trị hàng tỷ đô la.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu từ hải sản khoảng 3 tỷ USD. Nếu tính tổng giá trị hải sản tươi, đông lạnh và chế biến (đóng hộp, làm khô, bột cá, nước mắm) tiêu thụ trong nước chắc chắn là con số rất lớn, đây là nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho người dân chúng ta.

Chính vì hải sản có tầm quan trọng như vậy nên khi nguồn lợi hải sản suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của không chỉ ngư dân mà đối với cả nền kinh tế của đất nước. Khi nguồn lợi suy giảm đến một mức nào đó, sản phẩm đánh bắt không đủ để bù chi phí cho chuyến đi biển, người dân sẽ không thể ra khơi bám biển được nữa.

Dù cho nguồn lợi hải sản là nguồn lợi tái tạo, có khả năng phục hồi tương đối nhanh đối với vùng biển nhiệt đới như chúng ta nhưng nếu quá cạn kiệt sẽ không có cơ hội để phục hồi nữa.

PV: Thưa ông, đâu là giải pháp đang được áp dụng để bảo tồn nguồn lợi hải sản và quản lý hợp tác nghề cá ở Biển Đông?

Để có giải pháp cho việc bảo tồn nguồn lợi hải sản cần có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, lực lượng chấp pháp trên biển, bà con ngư dân, cơ quan khoa học, …

Chúng ta đã có cơ sở pháp lý quan trọng là luật thủy sản có hiệu lực từ năm 2019 để chuyển từ nghề cá mở (hay nghề cá nhân dân) sang nghề cá có trách nhiệm. Đây là cơ sở để mỗi bên liên quan xác định nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong triển khai thực hiện. Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra giám sát của các lực lượng chấp pháp trên biển, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho ngư dân khi thực thi luật thủy sản.

Trong lộ trình điều chỉnh giảm cường lực khai thác, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có sinh kế mới. Chẳng hạn chuyển đổi từ hoạt động khai thác tận diệt sang hoạt động du lịch, nuôi trồng hay các nghề khai thác ít xâm hại nguồn lợi.

PV: Xin ông cho biết những thách thức gặp phải trong quá trình quản lý bền vững nguồn lợi hải sản ở Biển Đông?

Có rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện quản lý bền vững nguồn lợi hải sản nhưng tư tưởng, nhận thức của bà con ngư dân là vấn đề cốt lõi. Khi sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, các ngư cụ bị cấm như điện, chất nổ, người dân đều biết tác hại của chúng đến việc suy giảm nguồn lợi. Tuy nhiên với tư tưởng “nếu mình không đánh bắt thì người khác cũng đánh bắt mất”, vì lợi ích trước mắt này mà đa số sẵn sàng khai thác tận diệt, hủy hoại cả tương lai của cộng đồng, gia đình và tương lai con cháu mình.

Vì lẽ đó nên sau khi giáo dục tuyên truyền về tác dụng của công tác bảo vệ nguồn lợi và các quy định trong hoạt động khai thác cho cộng đồng ngư dân thì công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật cần được thực hiện hết sức nghiêm túc, trách nhiệm để có tính răn đe mạnh mẽ.

Thách thức thứ hai có thể liên quan đến cạnh tranh ngư trường giữa các nghề khai thác khác nhau, kể cả ở một số vùng chồng lấn, nhạy cảm. Từ đó có thể dẫn đến những xung đột trên biển hoặc vấn đề vi phạm các vùng biển, tuyến biển theo quy định.

Vấn đề thứ ba là lực lượng chấp pháp trên biển cần tăng cường hơn nữa để bên cạnh việc kiểm tra giám sát còn giúp đỡ, bảo vệ tốt hơn cho bà con ngư dân khi hoạt động khai thác ở các vùng biển khơi, xa bờ.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

Sản lượng cá ở Biển Đông đang sụt giảm mạnh. Theo một nghiên cứu của Mỹ, hiện một số loài cá sản lượng giảm xuống còn 5% so với năm 1950. Một số loài thì sản lượng sụt giảm nghiêm trọng từ 70-75%, một số loài khác thì sụt giảm hơn nữa.

Việc sản lượng cá suy giảm ảnh hưởng đến một bộ phận lớn các ngư dân. Nghiên cứu thống kê cho thấy có tới vài trăm triệu người dân ở các nước ven bờ Biển Đông phụ thuộc vào nghề cá hoặc trực tiếp đi đánh bắt cá hoặc sống bằng các nghề phát sinh từ khai thác cá. Cá là nguồn sống chủ yếu của họ.

(Tiến sĩ Hà Anh Tuấn, viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam)