Môi trường nước tại khu vực cá chết bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, biểu hiện là nước có màu vàng nhạt, nhiều vẩn đục. Hàm lượng DO, đặc biệt tại tầng đáy, thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép (5,0mg/l) theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT và thấp hơn nhiều so với tháng 5/2019. Hàm lượng N-NH4+ vượt giới hạn cho phép (0,1mg/l) nhiều lần và P-PO43- tăng hơn so với đợt quan trắc tháng 5/2019, trong khi hàm lượng COD cao bất thường.

Trầm tích ở khu vực cá chết thể hiện dấu vết của ô nhiễm hữu cơ, mẫu trầm tích có mùi hôi thối, hàm lượng COD, N tổng số và P tổng số cao hơn so với đợt quan trắc tháng 5/2019 và những năm trước.

Mẫu cá ở khu vực cá chết có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn cao: Các mẫu cá mú, cá chẽm và cá chim ở khu vực xẩy ra hiện tượng cá chết đều bị nhiễm các loài ký sinh trùng quả dưa nước mặn (Cryptocaryon irritans), sán lá đơn chủ (Pseudorhabdorynchus sp.) và rận cá (Isopoda sp.). Trong đó 100% mẫu cá đều nhiễm sán lá đơn chủ với cường độ cao. Tỷ lệ và cường độ nhiễm ký sinh trùng quả dưa nước mặn và rận cá thấp hơn (67% và 50%). Kết quả phân tích cũng cho thấy 100% mẫu cá ở khu vực cá chết có dấu hiệu nhiễm khuẩn (lở loét, xuất huyết) và dương tính với vi khuẩn Vibrio gây bệnh như V. damselea, V. anguilarum, V. marynus, V. vulfinicus.

Thời điểm cá chết nhiều nhất trùng với những ngày có biên độ triều thấp dẫn tới tình trạng mức độ khuếch tán chất ô nhiễm rất hạn chế, có thể đã dẫn đến tình trạng ứ đọng cục bộ chất ô nhiễm trong thủy vực. Điều này không những giảm sức đề kháng của cá mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển dẫn đến hiện tượng cá chết kéo dài nhiều ngày.

Từ kết quả đánh giá, nhận định về hiện tượng cá chết nêu trên, Viện nghiên cứu Hải sản đề xuất một số giải pháp giúp địa phương ổn định sản xuất và phát triển nghề nuôi cá biển bằng lổng bè như sau:

- Để khắc phục hậu quả, một số giải pháp trước mắt: Cần thực hiện các biện pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng môi trường vùng nuôi: tăng cường sục khí, vệ sinh lồng nuôi để tăng lưu thông nước; Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh đối với các nhóm bệnh trên, tăng sức đề kháng của đối tượng nuôi; Thực hiện nghiêm việc thu gom và xử lý cá chết theo quy định, kiểm soát chặt để tránh lây lan bệnh sang các khu vực khác; Tiếp tục quan trắc, khảo sát để xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết.

- Về lâu dài, cần rà soát và thực hiện tốt quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo đúng sức tải môi trường, đồng thời thực hiện các biện pháp giám sát thường xuyên chất lượng môi trường, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm, sự cố môi trường tại khu vực.

Viện nghiên cứu Hải sản