Trong tháng 5, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá (do nhu cầu của thị trường tăng); Thời tiết ngư trường khai thác biển thuận lợi cho khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 782,8 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng, tổng sản lượng ước đạt 3.267,7 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Sản lượng khai thác thủy sản tháng 5 ước đạt 365,8 nghìn tấn, tăng 1,5%; Lũy kế 5 tháng đạt 1.580,8 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác biển đạt 1.510,2 nghìn tấn, tăng 1,5%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5 ước đạt 417,0 nghìn tấn, tăng 6,7%; Lũy kế 5 tháng đạt 1.686,9 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng cá tra ước đạt 523,9 nghìn tấn, tăng 2,8%; Sản lượng tôm đạt 253,6 nghìn tấn, tăng 6,0% (tôm sú ước đạt 85,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; tôm thẻ chân trắng ước đạt 167,8 nghìn tấn, tăng 8,4%).

Thị trường tiêu thụ trong nước

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản (đặc biệt những địa phương có những nông sản đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã (1) Tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản; (2) Theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương chuẩn bị vào vụ thu hoạch nông sản, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương triển khai kế hoạch tiêu thụ (3) Chủ động tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; (4) Đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU, Hoa Kỳ, Nga, Brazil... tháo gỡ khó khăn, phòng vệ thương mại tại thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Trung Quốc).

Trong tháng 5/2021, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ do nhập khẩu cá tra tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nga và các thị trường khu vực Nam Mỹ có xu hướng tăng sản phẩm phile size lớn, trong khi tồn kho nhà máy và nguồn cung ở mức không cao. Thị trường tôm nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 5 có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào.

Xuất, nhập khẩu

5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu (NK) ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0%; xuất siêu khoảng 3.27 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 5, kim ngạch XK ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020, tăng 1,3% so với tháng 4/2021; Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD. Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020; Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%. Nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng; Trong đó, mặt hàng cá tra và tôm tăng giá trị chủ yếu là nhờ khối lượng: cá tra (+7,8%), tôm (+4,9%) .

Ước giá trị XK nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 46,5% thị phần), châu Mỹ (27,0%), châu Âu (10,1%), châu Đại Dương (1,3%) và châu Phi (1,7%). Trong đó, 04 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc: Mỹ chiếm thị phần 24,6% (giá trị tăng 63,6% so với cùng kỳ năm trước); Trung Quốc chiếm thị phần 22,6% (giá trị tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước); Nhật Bản chiếm thị phần 6,6% giá trị tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước); và Hàn Quốc chiếm thị phần 4,9% (giá trị tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước). Về nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó, NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; nhóm lâm sản chính ước đạt 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%; nhóm thủy sản ước đạt 881,2 triệu USD, tăng 25,8%.

6 tháng, tổng sản lượng thủy sản cần đạt trên 3,9 triệu tấn

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, để đạt được chỉ tiêu đã đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” với nỗ lực, quyết tâm cao hơn, hoàn thành tốt Kế hoạch phát triển ngành năm 2021. Theo đó, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết của Chính phủ (Số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các Nghị quyết chuyên đề). Đồng thời, tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau:

Đối với lĩnh vực Thuỷ sản: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao (theo hướng: nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững). Đôn đốc UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Tổ chức 02 Hội nghị phát triển ngành hàng cá tra và tôm năm 2021; Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả. Tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.

Tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý vướng mắc về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng theo Thông tư số 21/2018/TTBNNPTNT và Thông tư số 13/2020/TT-BNNPTNT để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hải sản không bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ thẻ vàng của EC. Đồng thời, công bố danh sách cảng cá cho phép tàu hoạt động vùng khơi cập cảng. Kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về IUU; Thành lập tổ công tác quản lý và bảo tồn thú biển, xây dựng báo cáo đánh giá tương đương theo yêu cầu của Hoa Kỳ về thực hiện Luật bảo vệ thú biển; chuẩn bị ban hành Kế hoạch hành động quản lý và bảo tồn thú biển Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh tuyên truyền về chống đánh bắt IUU; làm việc với Bộ Quốc phòng bàn giải pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.Đối với lĩnh vực Thuỷ sản: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao (theo hướng: nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững). Đôn đốc UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Tổ chức 02 Hội nghị phát triển ngành hàng cá tra và tôm năm 2021; Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo ngư trường, tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả. Tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.

Công tác chế biến và phát triển thị trường: Theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện đầu tư các dự án lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản. Tổ chức công bố trình độ và năng lực công nghệ chế biến một số ngành hàng nông sản. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đặc biệt, chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Thúc đẩy XK, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp XK về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương thực thi chính sách, quy định của các thị trường XK phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp XK nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay; phối hợp với Bộ Công Thương triển khai điều hành NK mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2021 theo cam kết trong WTO. Tổng hợp các thông báo và cảnh báo từ các đối tác thương mại và các nước thành viên WTO, phản hồi các góp ý đối với dự thảo biện pháp SPS mới của Việt Nam đã thông báo với WTO. Xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết về SPS trong Hiệp định SPS của Tổ chức Thương mại thế giới và các Hiệp định Thương mại tự do.

Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Phối hợp với báo, đài cập nhật, phố biến thông tin về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; vận động cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP và thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tiếp tục duy trì triển khai các chương trình giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản làm căn cứ cảnh báo và tổ chức thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm. Triển khai thanh tra chuyên ngành, kiểm tra theo kế hoạch. Chủ động tiếp nhận thông tin, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về ATTP.  Tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Brazil... trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Phối hợp với báo, đài cập nhật, phố biến thông tin về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tập trung nguồn lực tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; vận động cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP và thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ngọc Thúy - FICen

(Tổng cục Thủy sản)