Ảnh minh họa

Tháng 4/2021, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng; thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản được đẩy mạnh; ngư trường khai thác hải sản thuận lợi trong đầu vụ cá Nam. Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 687,2 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế 4 tháng, tổng sản lượng ước đạt 2.484,9 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể là: Sản lượng khai thác thủy sản trong tháng đạt 357,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; Lũy kế 4 tháng đạt 1.215,1 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khai thác biển đạt 1.160 nghìn tấn, tăng 1,5%).  Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng đạt 329,6 nghìn tấn, tăng 1,9%; Lũy kế 4 tháng đạt 1.269,9 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: sản lượng cá tra 385,8 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng tôm các loại 158,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; tôm sú 62,5 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ chân trắng 96,2 nghìn tấn, tăng 6,5%).

4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32,07 tỷ USD; Trong đó xuất khẩu (XK) khoảng 17,15 tỷ USD, tăng 24,2%, nhập khẩu (NK) khoảng 14,93 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 41,1% so với so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Kim ngạch XK trong tháng ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, giảm 13,3% so với tháng 3/2021; Trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD… Tính chung 4 tháng, kim ngạch XK nông lâm thủy sản ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, XK nhóm nông sản chính đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,0%; lâm sản chính đạt 5,33 tỷ USD, tăng 50,9%; thủy sản đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%. Bốn tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/ nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng, trong đó có cá tra (+2,8%), tôm (+5,5%).

Về thị trường xuất khẩu: Ước giá trị XK nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 46,9% thị phần), châu Mỹ (27,6%), châu Âu (10,0%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,4%). Trong đó, 04 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ chiếm thị phần 25,1% (giá trị tăng 58,0% so với năm 2020), Trung Quốc chiếm thị phần 23,3% (giá trị tăng 35,8%), Nhật Bản chiếm thị phần 6,8% (giá trị tăng 4,5%), Hàn quốc chiếm thị phần 4,9% (giá trị tăng 11,2%). 4 tháng đầu năm, kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 14,93 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước; Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 121,9%; nhóm lâm sản chính khoảng 997,4 triệu USD, tăng 33,7%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 679 triệu USD, tăng 22,1%.

Tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, đôn đốc các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa, kịp thời ứng phó thiên tai và điều hành cấp nước cho sản xuất; Khuyến cáo các địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch phân phối nước, thực hiện các biện pháp tích trữ nước, tiết kiệm nước khi hạn hán, thiếu nước xảy ra. Trong tháng, cả nước xảy ra 12 trận động đất nhẹ; 25 trận mưa đá, dông lốc, sét; 04 trận mưa lớn, lũ cục bộ, 02 vụ sạt lở bờ sông. Lũy kế 4 tháng, thiên tai đã làm thiệt hại khoảng 28,2 tỷ đồng.

Vì vậy, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025; triển khai các đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045”, “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”; Quy hoạch phòng chống thiên tai và thuỷ lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc; trình Phó thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban, ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tích cực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác, như: Công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực Nông nghiệp; các chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với 46 cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản – thủy sản theo quy định. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế; đề xuất các sáng kiến mới trong ASEAN, tiếp tục tham gia và điều phối đơn vị tham gia các cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ ASEAN.

Ngọc Thúy - FICen