Không phải ngẫu nhiên, ngày 25.6 vừa qua, đích thân ông Norio Hattori - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN - đã có thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản VN - cảnh báo vấn đề chất kháng sinh bị nhiễm trong nhiều lô hàng mực và tôm xuất khẩu (XK) vào Nhật, từ VN.

Chiều ngày 3.7, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, ra lời "tuyên chiến" với mọi hành vi làm... bẩn hàng thuỷ sản XK.

Đau đầu vì tôm nhiễm chất Chloramphenicol

Gần 100 đại diện các DN XK thuỷ sản vào thị trường Nhật đã có mặt tại cuộc họp. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Vasep -  cho biết: "Lá thư của Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh khả năng hàng thuỷ sản VN có thể bị cấm nhập vào Nhật, nếu tình hình không được cải thiện". Theo ông Dũng, đến cuối tháng 6.2007, VN đã XK vào Nhật khoảng 39.090 tấn thuỷ sản (240 triệu USD), với khoảng 6.000 lô hàng. Và, số lô bị Nhật phát hiện cảnh báo tới 94 lô, chiếm tỉ lệ 1,6%.

Trong đó, các mặt hàng bị nhiễm như: Seafoodmix (29 lô), tôm PUD (22 lô), tôm tẩm bột (11 lô), mực khô (3 lô), mực sushi (3 lô) v.v... Nhiều hoá chất, kháng sinh bị phát hiện trong thuỷ sản gồm: Chloramphenicol (CAP) (55 lô), AOZ (17 lô), SEM (6 lô)... Có DN bị phát hiện cao nhất là 11 lô. Chỉ tính riêng CAP, trong số 55 lô bị phát hiện, có 3 lô tôm khô, 4 lô mực khô, 21 lô tôm PUD, 3 lô sushi mực...

Còn AOZ, trong số 17 lô trên, có 7 lô tôm tẩm bột, 6 lô tôm nobashi... Qua các số liệu trên cho thấy, kháng sinh CAP và AOZ bị nhiễm nhiều nhất. Theo ông Dũng, nguyên nhân nhiễm CAP chủ yếu vẫn là ở khâu bảo quản nguyên liệu trong quá trình khai thác. Các lô tôm nhiễm AOZ do quá trình nuôi, người ta đã dùng chất này chữa bệnh cho tôm.

Ông Nguyễn Tử Cương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuỷ sản (Nafiqaved), thuộc Bộ Thuỷ sản - đã chia sẻ "vấn nạn" nhiễm hoá chất, kháng sinh trên thuỷ sản, bằng tiết lộ: "Đây là một "cuộc chiến" vất vả, dai dẳng. Từ năm 1996, người ta đã dùng CAP bảo quản thuỷ sản. Toàn quốc có 800.000 tàu đánh cá, trong đó có 35.000 tàu đánh cá xa bờ, ngoài đại dương. Làm sao chúng ta kiểm soát nổi, liệu họ có sử dụng CAP hay không?

Chưa kể, chúng ta còn có trên 1 triệu hécta đầm nuôi tôm, 200.000 bến bãi cá, 4.000 đại lý thu mua thuỷ sản... Chỉ 1/1.000 nhiễm kháng sinh, bị phát hiện, đủ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến XK thuỷ sản".

"Tuyên chiến" với hành vi tiêm, nhiễm hoá chất

Ông Nguyễn Hữu Thanh - Giám đốc Cty Viet Foods - báo động: "Có DN không phải không biết thuỷ sản bị nhiễm kháng sinh nên họ dùng thủ đoạn uỷ thác cho Cty XNK xuất hàng vào Nhật, mục đích... giấu mặt. Nhưng trái lại, thuỷ sản VN bị phát hiện có dư lượng kháng sinh, quốc gia lãnh đủ. Phải ngăn chặn ngay kiểu làm ăn gian dối này, nếu Nhật cấm thuỷ sản VN, sẽ là một... tai hoạ".

Ngay tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng đã thay mặt các DN XK thuỷ sản công bố tình trạng khẩn cấp đối với việc XK thuỷ sản vào Nhật. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Thuỷ sản tăng cường biện pháp giám sát việc nhập khẩu, lưu thông, sử dụng kháng sinh cấm trên thị trường. Tích cực kiểm tra tàu cá, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng kháng sinh cấm trên thuỷ sản v.v...

Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản Lương Lê Phương nhận định: "Nhật Bản là thị trường XK thuỷ sản lớn của VN. Chỉ năm 2006, VN đã XK thuỷ sản vào Nhật 1 tỉ USD. Nếu mất thị trường Nhật, sẽ rất khó khăn cho XK thuỷ sản VN. Vì vậy, chúng ta phải tuyên chiến với những hành vi gian dối, tiêm nhiễm hoá chất, kháng sinh trên thuỷ sản, gây ảnh hưởng đến XK".

Cao Nguyễn Đông Anh

(NTNT)

Nguồn Lao Động, Vasep