Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của ngành thủy sản. 

Ngày 29/5/2020, tại Hải Phòng, đoàn công tác do Bộ Công Thương dẫn đầu bao gồm các nhà khoa học hàng đầu về công nghệ thực phẩm đã thực hiện kiểm tra định kỳ và thẩm định sản phẩm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện. Đây là hoạt động thường xuyên của Ban điều hành Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghệ chế biến đến năm 2020 theo quy định quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia. 

TS Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương

phát biểu tại buổi làm việc tại Viện nghiên cứu hải sản (Hải Phòng, 29/5/2020)

Phát biểu tại buổi làm việc, Th.S Nguyễn Viết Nghĩa- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải Sản chia sẻ “Viện luôn xác định công nghệ sinh học là lĩnh vực trọng tâm đóng góp  cho sự phát triển của ngành thủy sản. Viện Nghiên cứu hải sản đã thực hiện thành công nhiều đề tài và dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước do các Bộ, ngành chủ trì. Viện luôn hướng đến nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, có thể thương mại hóa ngay sau khi chuyển giao công nghệ”.

Th.S Nguyễn Viết Nghĩa- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải Sản

Đa dạng sản phẩm chế biến từ nguồn lợi biển

Từ con hàu, con mực,... là những nguồn lợi biển rất phổ biến tại Việt Nam nếu chỉ khai thác và chế biến theo phương pháp truyền thống giá trị kinh tế mang lại thấp và rất khó để tiến đến xuất khẩu. Áp dụng khoa học công nghệ, với sự phát triển của công nghệ sinh học, ngành công nghiệp chế biến thủy sản đang dần “chuyển mình” sang một hướng đi mới. 

Xuất phát từ những “trăn trở” cùng với nhu cầu thực tiễn, Viện nghiên cứu Hải sản đã thực hiện nhiều nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến nhằm tìm đầu ra cho các nguồn lợi biển Việt Nam như con hàu, mực đại dương, cá nóc, cá tra...

Sản phẩm nước uống từ hàu, bạch tuộc lên men và bột dinh dưỡng từ ngao

Viên nang TPCN từ cá nóc

Rượu hàu

Trong khuôn khổ Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghệ chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì, Viện Nghiên cứu Hải sản đã được giao thực hiện 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đánh giá chung của Ban điều hành Đề án, Viện Nghiên cứu Hải sản luôn tích cực, chủ động triển khai các nội dung đạt và vượt mức đặt hàng của Bộ Công Thương.

TS Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương – Thành viên Tổ giúp việc Ban Điều hành Đề án – Phó Trưởng đoàn công tác cho biết “Bộ Công Thương đánh giá cao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì trong thời gian qua. Nhiều sản phẩm đã được thương mại, hợp với xu hướng thị trường, được người tiêu dùng đón nhận. Trong định hướng của Bộ Công Thương triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030 đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế sâu các sản phẩm biển thủy sản. Đây là tiềm năng lớn để đưa công nghệ sinh học tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế đất nước”.

Với phương pháp truyền thống, nguyên liệu hải sản chỉ phục vụ chế biến thực phẩm. Áp dụng công nghiệp sinh học, sản phẩm chế biến từ thủy sản được đa dạng và có giá trị gia tăng cao. Có thể kể đến một số sản phẩm thực phẩm chức năng bao gồm: nước uống từ hàu; các loại viên nang thực phẩm chức năng từ hàu, cá nóc. Thực phẩm ăn liền như surimi mực đại dương; mực nhồi thịt ăn liền; bạch tuộc lên men… Các loại gia vị như nước mắm; bột nêm, nước sốt từ thủy sản. Bên cạnh đó, tạo ra nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho nuôi trồng thủy sản. 

Phát huy hiệu quả mô hình “Liên kết ba nhà”

Nhà nước – nhà khoa học- nhà doanh nghiệp, mối liên kết giữa “ba nhà” có vai trò rất quan trọng giúp đưa sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng thực tế. Viện Nghiên cứu hải sản đã kết nối thành công để phát huy được hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Sản phẩm nước hàu được chế biến, đóng gói tại Công ty CP dược vật tư y tế Quảng Ninh

Hiện nay, Viện đã xây dựng và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm. Ngay từ khi hình thành ý tướng, xây dựng thuyết minh cho đến triển khai nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng Viện đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp. Chính vì thế, đa phần kết quả nghiên cứu của Viện đều có đầu ra, được doanh nghiệp đón nhận chuyển giao và sẵn sàng sản xuất quy mô công nghiệp. 

Không dừng lại ở đó, sau khi chuyển giao công nghệ, Viện vẫn chủ động nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, điều chỉnh theo thị hiếu thị trường nhằm giúp Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp khi đã “tự tin” với công nghệ cộng với mạng lưới marketting chuyên nghiệp sản phẩm nhanh chóng được “lên kệ”, được người tiêu dùng đón nhận. 

Viện Nghiên cứu Hải sản đã được giao thực hiện 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực công nghệ sinh học

Cũng phải nói thêm, từ lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, sự hỗ trợ của nhà nước, sự phối hợp hiệu quả giữa nhà khoa học và doanh nghiệp đã cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao, giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm tương đương ngoại nhập đã giúp người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận. Đây cũng là thành công của Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghệ chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. 

“Một trong những trọng tâm của Bộ Công Thương trong quá trình triển khai Đề án là sự gắn kết trực tiếp và đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, lấy Doanh nghiệp là trung tâm phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ. Định hướng sắp tới, tất cả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đều phải gắn với doanh nghiệp và phải có sự tham gia sản xuất kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm của doanh nghiệp. Như vậy sẽ tạo thành một chuỗi tuần hoàn từ nghiên cứu đến thị trường” - TS Đặng Tất Thành nhấn mạnh. 

Th.S Nguyễn Viết Nghĩa chia sẻ, “Đề án của Bộ Công Thương có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà khoa học mà còn đem lại giá trị cho các doanh nghiệp. Viện đã khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, nhận thấy nhu cầu lớn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ sinh học nhằm gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, sự phối hợp giữa Viện với doanh nghiệp rất tốt. Các sản phẩm đưa ra luôn được doanh nghiệp tiếp nhận và  triển khai hiệu quả”.  

Hoàng Sơn

(Nguồn: Vietnam Biological Industries - Vụ KHCN- Bộ Công Thương)