Ảnh minh họa

Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian vừa qua, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ và lưu thông hàng hóa đã bị gián đoạn, sản phẩm khai thác phục vụ nhà hàng và xuất khẩu giá bị giảm sâu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất của bà con ngư dân. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, sản xuất trên biển của ngư dân nói riêng và ngành thủy sản nói chung.

Tuy nhiên, với tình hình thời tiết trên biển vụ cá Bắc từ tháng 10 năm 2019 đến hết tháng 3 năm 2020 diễn biến tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân. Nguồn lợi thủy sản nhất là các đối tượng cá nổi nhỏ xuất hiện nhiều tại ngư trường thuộc các tỉnh miến Bắc miền Trung và Đông Nam Bộ như: cá cơm, cá nục, cá chỉ vàng, ruốc, thu bè. Giá nhiên liệu phục vụ cho khai thác hải sản có xu hướng giảm mạnh góp phần giảm chi phí cho mỗi chuyến biển giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, là sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp và bà con ngư dân, vụ cá Bắc năm 2019 -2020 đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2019-2020 đạt trên 1.633 nghìn tấn tăng 3,4% so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019, trong đó, khai thác hải sản là 1.491 nghìn tấn (tăng 3% so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019); khai thác nội địa là 82 nghìn tấn (giảm 1,2 % so với cùng kỳ vụ cá Bắc 2018-2019).

Tính riêng tháng 4/2020, sản lượng khai thác đạt 339,5 nghìn tấn, giảm 1,9% so với tháng 4/2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng đạt 1,18 triệu tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển đạt 1,13 triệu tấn, tăng 0,8%.

Xuất khẩu thủy sản liên tục duy trì tăng trưởng trong những năm qua, trung bình hàng năm gần 8%. Trong đó xuất khẩu hải sản chiếm từ 29-33% tổng xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam.

Năm 2019, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 220.0460 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,2 tỷ USD, giảm 2,5% so với năm 2018, trong đó xuất khẩu hải sản đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 14,4% so với năm 2018, chiếm 35% trong tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.

Các sản phẩm hải sản đóng góp tỷ trọng xuất khẩu chính trong nhóm tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2018 lần lượt như sau: Mực và bạch tuôc (23%), cá ngừ (22%), cua ghẹ (4%), nhiễm thể hai mảng vỏ (3%) và cá biển khác (48%).

Trên cả nước hiện có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác; có 3000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống phơi khô, làm mắm, đông lạnh, phile, đồ hộp,...

Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại hơn 170 thị trường trên thế giới với đầy đủ các chủng loại sản phẩm hết sức phong phú như: thủy sản đông lạnh, thủy sản khô, đồ hộp, trong đó nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao đáp ứng được những thị trường khó tính nhất trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản,...

Hoạt động sản xuất trên biển có những chuyển biến tích cực, liên kết chuỗi sản xuất trên biển đã mang lại hiệu quả cao trong những năm qua. Điều này giúp ngư dân yên tâm bám biển, giảm chi phí cũng như giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động trên biển. Hiện nay, hầu hết hoạt động khai thác thủy sản tại các tỉnh đều hoạt động theo các chuỗi liên kết đặc biệt là khối tàu khai thác xa bờ và khai thác đa loài. Cả nước đã có 3.055 tổ đội sản xuất trên biển được thành lập và đi vào hoạt động với sự tham gia của khoảng 19,7 ngàn tàu cá và 128 ngàn ngư dân. Đã thành lập 66 nghiệp đoàn nghề cá cơ sở với 12.106 đoàn viên, 3.159 tàu cá tại 13/28 tỉnh thành phố ven biển; 97 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ. Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường liên kết với nhau hỗ trợ nhau trong thiên tai địch họa, tai nạn, rủi ro trên biển hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác được vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu nước đá cho tàu còn khai thác ngoài biển.

Đến nay, trên toàn quốc có 82 cảng cá đang hoạt động, đạt 65% so với quy hoạch, trong đó có 25 cảng cá loại I (20 cảng loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão); có 57 cảng cá loại II (có 35 cảng cá loại II kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 4 khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng). Tổng số lượng hàng hóa qua cảng thiết kế/năm khoảng 1,8 triệu tấn, 9.298 lượt tàu/ngày, 9 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000CV và 02 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000CV cập cảng

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản. Tuy nhiên, hiện nay tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản còn ở mức cao, trung bình trong khoảng 15 – 20 %, trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất, các nghề khai thác bằng lưới vây, chụp mực, bẫy mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trung bình 12 – 15 %.

Thời gian qua, công tác bảo quản thủy sản trên tàu cá ngày càng được ngư dân quan tâm, đầu tư trang bị mới, cải hoán hệ thống bảo quản trên tàu nhưng chưa được nhiều, hiện tại việc bảo quản thủy sản vẫn chủ yếu bằng phương pháp làm lạnh bằng nước đá, muối ăn và phơi khô. Đa số địa phương đã triển khai mô hình làm hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ bằng vật liệu cách nhiệt Polyurethan giúp giảm hao hụt chất lượng sản phẩm thu hoạch; giảm hao hụt đá lạnh bảo quản sản phẩm từ 18% xuống còn 5% và kéo dài thời gian bám biển từ 4-6 ngày.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương liên quan trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã đem lại những kết quả tích cực, được các đoàn thanh tra của EC đánh giá cao. Các địa phương đã chủ động, tập trung nguồn lực, có các biện pháp cụ thể, cấp bách để quản lý, kiểm soát đội tàu cá trên địa bàn quản lý, đã xử lý nghiêm những trường hợp tàu cá vi phạm.

Những tồn tại khó khăn trong khai thác hải sản

Bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực khai thác thủy sản đang gặp không ít những khó khăn, trong đó, Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật đã và đang được triển khai các quy định mới, trong đó nhiều quy định có yêu cầu cao hơn nhằm đổi mới phương thức quản lý nghề cá, nên khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, không đồng bộ giữa các địa phương.

Theo Luật Thủy sản 2017, công tác quản lý cấp phép cho tàu có chiều dài dưới 15 mét thực hiện theo cơ chế đặc thù và quyết định của UBND cấp tỉnh ban hành. Tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên do Bộ quản lý, phân bổ hạn ngạch. Theo báo cáo, các địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác quản lý và cấp phép cho khối tàu khai thác vùng khơi do Bộ thống nhất quản lý. Hiện số lượng tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở lên được cấp phép là hơn 88.120 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m khoảng 37.810 tàu; tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m khoảng 18.900 tàu và hơn 31.410 tàu có chiều dài từ 15m trở lên.

Hiện nay, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước đã triển khai thực hiện đánh dấu tàu cá, tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản đối với khối tàu cá xa bờ số tàu đã được đánh dấu là 14.920 tàu đạt 49.6%.

Cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, kèm theo các khuyến nghị, vướng mắc trong thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác vào thị trường EU tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, nhất là các lao động lành nghề, những lao động đã qua đào tạo. Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển.

Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã được quy hoạch, nhưng nguồn lực để đầu tư xây dựng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất.

Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Tác phong, tập quán của ngư dân chậm thay đổi, không theo kịp với quá trình hiện đại hoá nghề khai thác thủy sản.

Nguyên liệu thủy sản từ khai thác phục vụ chế biến, xuất khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2020

Mục tiêu đặt ra cho ngành Thủy sản trong năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản phấn đấu đạt 3,9 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2019, trong đó 3.680 nghìn tấn khai thác biển và 220 nghìn tấn khai thác nội địa.

Giá trị sản xuất năm 2020 theo kế hoạch là 250.000 tỷ đồng tăng 5,0% so với năm 2019, trong đó giá trị sản xuất thủy sản từ khai thác 91.463 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2020 là 10 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,0% so với năm 2019, trong đó mục tiêu xuất khẩu hải sản năm 2020 là 3,5 tỷ USD tăng 17% so với năm 2019.

Văn Thọ

(Nguồn: Tổng cục Thủy sản)